Đợt rét đậm đầu tiên có khả năng xuất hiện vào khoảng đầu tháng 1

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, bước sang năm 2020, đợt rét đậm đầu tiên có khả năng xuất hiện vào khoảng đầu tháng 1. Rét đậm tập trung nhiều trong tháng 1 và tháng 2. Ðề phòng các đợt rét kéo dài 5-10 ngày trong thời gian này và có khả năng gây băng giá, sương muối, nhất là khu vực vùng núi phía bắc.

Nhiệt độ ở Sa Pa, Lào Cai đã xuống 10 độ C (Ảnh minh họa: Quốc Hồng).

Về lượng mưa, khu vực Bắc Bộ có tổng lượng mưa tháng 12-2019 phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm; từ tháng 1 đến tháng 2-2020, tổng lượng mưa phổ biến khoảng 30 đến 60 mm, ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Trong những tháng mùa đông có thể xuất hiện những đợt mưa rào và dông. Từ tháng ba đến tháng 5-2020, tổng lượng mưa tại khu vực phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày 29-11, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống phía nam. Dự báo, khoảng chiều và đêm 1-12, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía đông Bắc Bộ, sau đó đến bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía tây Bắc Bộ và trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều 1-12 ở Bắc Bộ có mưa, mưa nhỏ rải rác; các tỉnh Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ từ đêm 1-12 trời trở rét.

* Từ nay đến hết năm 2019 sẽ còn khoảng hai đến ba xoáy thuận nhiệt đới (bão hoặc áp thấp nhiệt đới) trên khu vực Biển Ðông và có thể ảnh hưởng đến khu vực đất liền. Thời tiết chuyển mùa, tiếp tục đề phòng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

* Trong mùa khô 2019 - 2020, khả năng xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm hơn và sâu hơn mùa khô năm 2018 - 2019 và trung bình nhiều năm. Các tỉnh ở đồng bằng Nam Bộ cần xây dựng các kế hoạch, kịch bản phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn để chủ động ứng phó với diễn biến thực tế trong thời gian tới.

Tại ven biển Nam Bộ, nhiều đợt triều cường cao xuất hiện vào các ngày cuối của tháng 11 và 12-2019. Hiện tượng sạt lở bờ biển tiếp tục diễn biến phức tạp nhất là trong các đợt triều cường kết hợp với gió mùa mạnh.

* Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 30 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế 316,28 triệu m3, trong đó 12 hồ cấp nước sinh hoạt. Ngày 29-11, tại thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, UBND tỉnh tổ chức ra quân bảo vệ môi trường các hồ chứa nước. Ðây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.

* Ngày 29-11, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, bệnh lở mồm long móng (LMLM) xuất hiện trên đàn bò ở 31 hộ nuôi của ba xã gồm: Phong Mỹ (huyện Giồng Trôm), An Quy và Tân Phong (huyện Thạnh Phú). Trong đó, tại huyện Thạnh Phú, bệnh LMLM xuất hiện tại 28 hộ nuôi với 83 con bò bệnh, 17 con chết; tại huyện Giồng Trôm có ba hộ nuôi với tổng đàn 17 con, 16 con bệnh, chết hai con. Ngành chuyên môn đang phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh; yêu cầu các hộ chăn nuôi có bò bệnh thực hiện cách ly, tích cực điều trị, cam kết không bán chạy, không vận chuyển bò đi nơi khác; vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chung quanh...

* Ngày 29-11, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, đơn vị này đang triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp kênh Tây thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng. Tổng kinh phí của dự án hơn 196 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Dự án này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12-2019 để mở nước phục vụ tưới nước vụ đông xuân
2019 - 2020.

* UBND tỉnh Phú Yên vừa có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn bảo đảm cho sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020 và mùa khô năm 2020 cụ thể, phù hợp cho từng vùng, từng công trình; có kế hoạch tiết kiệm nước, phân phối nước hợp lý đầu các vụ sản xuất. Các địa phương bố trí cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cây trồng từ lúa sang các cây trồng khác phù hợp, thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, hạn chế tác động của hạn hán đến năng suất cây trồng.

* Chiều 29-11, tại TP Huế, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo quốc tế "Quản lý rủi ro thiên tai liên quan đến nước khu vực miền trung". Ðây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhìn lại 20 năm lũ lớn tại khu vực miền trung. Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ của chính quyền và người dân các địa phương miền trung trong công tác ứng phó lũ lớn năm 1999, tái thiết sau thiên tai tại miền trung cũng như vai trò của các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương trong giảm rủi ro thiên tai tại Việt Nam; đồng thời, tiếp thu những ý kiến và đề xuất của các địa phương, cơ quan, tổ chức quốc tế về các giải pháp phù hợp trong công tác phòng ngừa thiên tai tại Việt Nam trong thời gian tới.

* Ngày 29-11, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: Tàu Nordana Sophia, trọng tải gần 9.000 tấn, quốc tịch Thái-lan hành trình từ Hồng Công (Trung Quốc) đi Sơn Dương (Hà Tĩnh) lấy hàng. Khi tàu cách cảng Sơn Dương khoảng 10 km, bất ngờ gặp sự cố thủng mạn tàu, nước tràn vào buồng máy khiến tàu bị nghiêng và chìm vào sáng 28-11. Thời điểm gặp nạn, trên tàu có 18 thuyền viên mang quốc tịch Thái-lan và 180 tấn dầu nhiên liệu. Toàn bộ 18 thuyền viên đã được các đơn vị cứu nạn, đưa vào bờ an toàn.

Hiện nay, dầu nhiên liệu trong tàu bắt đầu có hiện tượng tràn ra biển, tuy nhiên lượng dầu tràn ra còn ít. Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo Cảng vụ Hà Tĩnh theo dõi sát sao diễn biến dầu tràn; phối hợp chủ tàu thuê một đơn vị chuyên xử lý sự cố tràn dầu ở Hải Phòng. Trong đêm 29-11, đơn vị này bắt đầu tiếp cận hiện trường và triển khai các biện pháp xử lý.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42419402-dot-ret-dam-dau-tien-co-kha-nang-xuat-hien-vao-khoang-dau-thang-1.html