Đốt rơm rạ có thể bị xử phạt nặng

Hành vi đốt rơm rạ cạnh đường giao thông chính hay gần khu dân cư có thể bị phạt tối đa 3 triệu đồng, theo quy định mới có hiệu lực từ 25/8/2022.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế cho nghị định 55 năm 2021), trong đó hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt tiền 2,5-3 triệu đồng.

Đây là lần đầu tiên, hành vi đốt rơm rạ có chế tài xử phạt. Nhiều năm qua, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch diễn ra phổ biến ở các huyện ngoại thành Hà Nội cũng như các tỉnh đồng bằng sông Hồng, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở diện rộng.

Nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên về “Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng” cho thấy, chỉ riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2,5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2,5 rất lớn. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.

Hành vi đốt rơm rạ gần đường giao thông có thể bị xử phạt 2,5-3 triệu đồng.

Không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực có hoạt động đốt, bằng mô hình tính toán lan truyền chất ô nhiễm, các nhà khoa học cho thấy, bụi và khí thải từ đốt rơm rạ có thể lan truyền trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt rơm rạ, làm tăng ô nhiễm môi trường không khí, tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch.

Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, khói bụi từ hoạt động đốt rơm rạ cũng ảnh hưởng đến hoạt động giao thông. Cảng vụ hàng không miền Bắc đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn (nơi có sân bay Nội Bài) có biện pháp ngăn chặn đốt rơm rạ, gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi tiếp cận hạ cánh xuống sân bay.

Cùng với việc xử phạt hành vi đốt rơm rạ, Nghị định cũng quy định mức xử phạt với các hành vi vi phạm môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp như phạt tiền từ 10-15 triệu đồng với hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định hoặc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.

Hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng.

Hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng. Hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng. Với cơ sở, tổ chức có vi phạm, có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường từ 9 tháng đến 12 tháng. Ngoài ra, buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Nghị định 45 có hiệu lực từ 25/8/2022. Từ nay cho đến khi Nghị định có hiệu lực, các hành vi vi phạm hành chính pháp luật về bảo vệ môi trường sẽ áp dụng theo Nghị định 55/2021 NĐ-CP.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dot-rom-ra-co-the-bi-xu-phat-nang-post1453513.tpo