Đốt tác phẩm, tác giả vẫn dự cảm nó sẽ bất tử và truyền đến mai sau

Sáng tác xong tập thơ, tác giả bị lưu đày rồi chết già nơi giam cầm, nhưng 'Biến thể' thì mãi được truyền tụng.

Publius Ovidius Naso ra đời năm 43 trước Tây lịch tại La Mã, trong một gia đình quyền quý. Với thiên bẩm văn chương, ông đi theo khuynh hướng nhà thơ của tình yêu và không lâu sau đó nổi tiếng với tác phẩm Nghệ thuật yêu đương (Ars Amatoria). Nhưng như là định mệnh, Ovide đã định danh tên tuổi theo một cách mà ông chẳng ngờ tới.

Đốt bản thảo sau khi hoàn thành và dự cảm

Ovide sống vào thời hoàng đế đầu tiên của La Mã Augustus trị vì. Đây là vị hoàng đế vĩ đại của đế quốc La Mã hùng mạnh được phong thần sau khi chết, được nhân dân thờ phụng. Nhưng đối với riêng Ovide - công dân bị vị hoàng đế ruồng bỏ, hẳn Augustus không vĩ đại như thế.

Vào năm thứ 8 đầu Tây lịch, Ovide đã bị đích thân Augustus ra lệnh trục xuất khỏi kinh thành, lưu đày đến thị trấn Tomis thuộc Biển Đen (nay thuộc Constanta của Romania), nơi xa nhất của đế quốc và chết già ở đó mà không bao giờ được quay lại thành Roma.

Cho đến nay lý do lưu đày Ovide vẫn chưa bao giờ được giải thích rõ ràng, đó có thể là do ông viết Nghệ thuật yêu đương không hợp với trật tự và luân lý mà Augustus dựng lên cho La Mã, đó cũng có thể là việc dan díu với Julia người thân của hoàng đế… Lý do muôn vàn, nhưng ở đây ta chú ý tới Biến thể, tác phẩm để đời của ông.

Tác phẩm Biến thể của Ovide. Ảnh: Đình Ba.

Tác phẩm Biến thể của Ovide. Ảnh: Đình Ba.

Trước khi phải đi tới Biển Đen, Ovide đã hoàn thành kiệt tác Biến thể (Metamorphose). Ovide viết xong tác phẩm trong một tâm trạng cực kỳ bất an đầy xáo trộn tâm lý được ông tâm sự ở “Đoạn kết”: “Và bây giờ tôi đã hoàn thành một tác phẩm mà sự giận dữ của Jupiter, lửa đỏ và gươm sắc, và những cái răng thích gặm nhấm của thời gian, sẽ không bao giờ có thể hủy hoại”. Trong sự đau buồn của kẻ bị ruồng bỏ, Ovide tự tay đốt luôn bản thảo Biến thể của mình trước khi lên đường chịu án lưu đày. Nhưng may mắn thay, bạn bè và người hâm mộ ông đã kịp chép lại tác phẩm trước khi nó mãi mãi thành tro tàn.

Dù lệnh lưu đày Ovide không kèm theo hiệu lực đối với tác phẩm của ông, nhưng các tác phẩm của Ovide ở thư viện cũng biến mất như việc xóa hết bóng dáng của Ovide nơi kinh thành.

Dẫu vậy, tuy nhà thơ mất vào năm 17, tên tuổi của ông cùng Biến thể vẫn tồn tại xuyên thời gian, xuyên không gian đúng như dự cảm của chính ông trong tác phẩm: “Trong cái phần tốt đẹp hơn của con người mình, tôi là bất tử và sẽ được mang đi xa tận bên kia các vì sao, và tôi sẽ có một cái tên sống mãi với người đời”. Bởi Ovide biết rằng Biến thể, sẽ chạm tới trái tim người đọc.

Viết nên huyền thoại qua Biến thể

Dù sau Biến thể, Ovide còn sáng tác thêm nhiều tác phẩm khác nữa, nhưng như lời nhận định của Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu trong lời giới thiệu “thực ra chỉ cần Metamorphose (Biến thể) thôi, Ovide đã là nhà thơ hàng đầu La Mã rồi”. Có điều đặc biệt là, tên gọi “biến thể” không do Ovide đặt tên cho tác phẩm của mình mà do đời sau gọi kiệt tác của ông với tên gọi ấy dựa trên nguyên tắc “hữu thể biến dịch” khi muôn vật, thần linh, cỏ cây, cầm thú, con người biến thể không ngừng trong tác phẩm.

Đọc Biến thể, Ovide dẫn dắt chúng ta vào một thế giới đầy huyền thoại với sự pha trộn của cả những vị thần linh quen thuộc trong thế giới thần thoại Hy La (Hy Lạp, La Mã) như Jupiter, Apollon… và cả những anh hùng có thật trong thực tế như Romulus, Jules César.

Biến thể có hơn 250 truyện, được chia làm 15 thiên và có hình thức nhất quán như sử thi với phần mở đầu viết về cuộc biến thể khởi nguyên của vũ trụ từ hỗn mang cho đến các thời đại vàng, bạc, đồng, sắt. Tiếp theo đó là những biến thể của các thần linh rồi đến những đam mê của con người đến mức dữ dội. Và cuối cùng là việc huyền thoại La Mã Aeneas xuất hiện, đi tìm vùng đất mới Italy để lập quốc và truyện kết thúc khi Jules César được phong thần.

Gót chân, tử huyệt của chàng Achilles.

Qua ngôn ngữ dịch uyển chuyển của dịch giả Quế Sơn, Biến thể phiên bản tiếng Việt đầy đủ lần đầu tiên đến tay bạn đọc và hứa hẹn những độc giả đã từng quen thuộc với anh hùng ca Odysseé một thời cũng sẽ mê đắm với Biến thể. Lần giờ từng trang sách, ta sẽ hồi hộp với vụ ngoại tình của nữ thần sắc đẹp Vénus cùng thần chiến tranh Mars bị thần Vulcain chồng nàng phát hiện và vạch trần; ta sẽ mỉm cười thích thú khi chàng Hercule so tài với thần sông Achéloüs trong cuộc đua giành tình cảm của nàng trinh nữ Déjanire… Và cũng ở Biến thể, ta gặp lại vua ham vàng Midas hay người anh hùng Achilles cùng tử huyệt nơi gót chân.

Đinh Huyền

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dot-tac-pham-tac-gia-van-du-cam-no-se-bat-tu-va-truyen-den-mai-sau-post994416.html