Đốt vàng mã: Lãng phí tiền của và lãng phí niềm tin

Trong cuộc cách mạng 4.0 để tạo ra những thành quả nhảy vọt con người cần cống hiến trí tuệ, sức lực của mình ở hiện tại và tương lai chứ không thể 'cầu xin' từ thế giới vô hình, chỉ tồn tại trong quan niệm.

Đã từ rất lâu, nhiều người Việt Nam quan niệm, sau khi qua đời, con người sẽ sang một thế giới khác và cũng có những nhu cầu giống như khi ở dương thế. Vì vậy, nhiều gia đình mua sắm, đốt vàng mã nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ quan trọng như rằm tháng bảy, Tết Nguyên đán… để người đã qua đời sử dụng ở cõi âm.

Điều đáng bàn là thói quen, quan niệm sai này đã ăn sâu bám rễ vào nếp nghĩ của người dân từ đời này sang đời khác. Nhiều người không hiểu, không biết ngọn ngành của việc đốt vàng mã, thấy mọi người đốt thì đốt theo. Không những thế, nhiều người còn truyền nhau suy nghĩ sai lệch đốt càng nhiều thì càng thể hiện sự quan tâm, thành kính của người còn sống với người cõi âm và được người cõi âm phù hộ nhiều.

Khi đời sống kinh tế khấm khá hơn và đâu đó còn tư tưởng “con gà tức nhau tiếng gáy” thì dường người ta lại “mạnh chi” cho việc đốt vàng mã hơn. Vì thế đã không ít người lạm dụng, biến tướng và bị lợi dụng việc đốt vàng mã. Đồ vàng mã không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tượng trưng mà ngày càng vượt xa cả trí tưởng tượng của nhiều người với đủ thứ: từ máy tính xách tay, điện thoại di động, nhà lầu, xe hơi, osin, cung vua phủ chúa… số tiền để chi cho việc đốt vàng mã không chỉ dừng lại ở tiền chục, tiền trăm mà lên đến tiền triệu rất lãng phí.

Ảnh minh họa/ Bảo Trung

Nói về sự lãng phí này, dù chưa có con số thống kê đầy đủ, chính xác, nhưng chỉ cần tính đơn giản thế này, nếu mỗi gia đình chỉ cần bỏ ra tối thiểu 10 nghìn để mua vàng mã thì nhân với 1 triệu gia đình con số đó đã lên tới 10 tỉ đồng. Trong khi số hộ gia đình ở Việt Nam theo kết quả của Điều tra dân số và nhà ở tại thời điểm 1/4/2014 đã có24,2 triệu hộ. Chưa kể từ năm 2014 đến thời điểm này số hộ gia đình tại Việt Nam còn tiếp tục tăng. Cùng với đó, việc đốt vàng mã không chỉ giới hạn trong gia đình mà nhiều cá nhân còn mua để đốt ở nhiều nơi khác nhau với mức chi phí nhiều hơn 10 nghìn đồng trong một năm thì rất có thể con số còn cao hơn. Thử làm một phép tính như vậy để thấy khi sự lãng phí có tính phổ rộng thì mức độ của nó lớn như thế nào. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến những tác hại kèm theo của việc đốt vàng mã như: dễ gây mất an toàn cháy nổ, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng sức khỏe con người…

Và nếu lấy con số tiền tỉ từ việc đốt vàng mã này hàng năm ra để đầu tư cho những vùng khó khăn, cho những hộ nghèo của đất nước thì có lẽ người trần mắt thịt sẽ nhìn thấy ngay nụ cười hạnh phúc chứ không phải trôi theo khói bụi rồi hi vọng, chờ đợi kết quả xa lắc, khó thành hiện hữu ở tương lai.

Ngay trong những ngày đầu xuân năm mới, khi nhiều người đã và đang chuẩn bị đi lễ, dâng sao giải hạn… thì Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Ngay khi công văn này được gửi đi đã thu hút sự chú ý của dư luận. Bởi Trung ương Giáo hội Phật giáo được coi là nơi có uy tín khi nói về các vấn đề tâm linh nên rất có “trọng lượng”. Thêm nữa, đây không chỉ là chuyện tâm linh của riêng ai, được giới hạn trong một phạm vi nhất định mà ít nhiều đều có ảnh hưởng đến từng gia đình. Thậm chí, có nhiều người dân trước nay chỉ nghĩ việc đốt vàng mã theo thói quen, “tự bảo nhau” mà không rõ ngọn ngành của việc làm này. Nếu không có sự đề nghị và vào cuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì có lẽ nhiều người vẫn cứ đốt vàng mã như trước và có không ít nguy cơ tiềm ẩn những biến tướng. Sự lên tiếng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đúng thời điểm và như một sự thức tỉnh cần thiết, kịp thời cho nhiều người để tránh lãng phí tiền của và niềm tin.

Lời đề nghị bỏ đốt vàng mã của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ ra điểm sai căn bản trong quan niệm bấy lâu nay của người dân khi khẳng định việc đốt vàng mã không có trong Phật giáo. Cùng với đó, nhiều báo chí đồng loạt vào cuộc, mổ xẻ tập tục đốt vàng mã từ xa xưa, ngọn nguồn do đâu, những tác hại… đã ít nhiều khiến người dân hiểu đúng để thực hiện đúng trong việc ứng xử với đồ vàng mã.

Góp thêm sự ủng hộ này, Bộ VHTTDL với trách nhiệm quản lý nhà nước trong nhiều năm qua đã có không ít văn bản tuyên truyền, đề nghị các cơ sở thờ tự tín ngưỡng và nhân dân hạn chế đốt vàng mã. Không những vậy, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản đề nghị không đốt vàng mã, Bộ VHTTDL đã hoàn toàn ủng hộ quan điểm này. Tại một số điểm đến tâm linh người dân đã bắt đầu ý thức hơn việc hạn chế đốt vàng mã. Sự ủng hộ này bước đầu cho thấy không chỉ tiếng nói của người có uy tín ở Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà cả cấp quản lý nhà nước đều chung quan điểm, mối quan tâm về vấn đề vàng mã bị lạm dụng, biến tướng trong cuộc sống hôm nay. Nhiều ý kiến của nhà quản lý, chuyên gia văn hóa, hội Phật giáo đã “lên tiếng” như “tiếng còi” cảnh báo được vang lên, khiến không ít người phải dừng lại, nhận ra cái sai và tự điều chỉnh.

Trong cuộc cách mạng 4.0 để tạo ra những thành quả nhảy vọt con người cần cống hiến trí tuệ, sức lực của mình ở hiện tại và tương lai chứ không thể “cầu xin” từ thế giới vô hình, siêu nhiên chỉ tồn tại trong quan niệm. Nếu sự lãng phí tiền của không giúp con người thoát khỏi đói nghèo thì sự lãng phí niềm tin còn kéo sát con người đến nghèo đói và lạc hậu nhanh hơn.

Nhị Xuân

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/dot-vang-ma-lang-phi-tien-cua-va-lang-phi-niem-tin-283045.html