Dow Jones tiến sát mốc 10.100 điểm

Ngày 15/10, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đã có phiên đảo chiều lên điểm thành công vào cuối ngày giao dịch.

Hôm thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ cho biết số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 10/10/2009 đã giảm 10.000 xuống 514.000 người, từ mức 524.000 trong tuần trước đó. Đây là tuần thứ 5 trong số 6 tuần qua số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp suy giảm ở Mỹ. Theo số liệu của Bộ này, tính đến ngày 3/10/2009, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ là 5,99 triệu. Cùng ngày, Bộ Lao động cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 9/2009 đã tăng 0,2% so với tháng 8/2009, sau khi tăng 0,4% trong tháng trước đó. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái CPI ở Mỹ đã giảm 1,3%. Trong khi đó, lạm phát lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) lại tăng 1,5%. Chuyển qua thông tin về kết quả kinh doanh quý 3 của 2 tập đoàn lớn ở Mỹ, Citigroup đã công bố thu về 101 triệu USD lãi ròng, bao gồm cả cổ tức cho cổ đông ưu đãi và cổ đông phổ thông. Như vậy, kết quả kinh doanh này khả quan hơn nhiều nếu so với mức lỗ 2,8 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái và vượt mong đợi của giới phân tích. Tuy nhiên, sau khi trừ đi cổ tức cho cổ đông ưu đãi, các khoản dự phòng khác, cổ đông phổ thông của Citigroup đã lỗ 3,2 tỷ USD, tương đương 27 cent/cổ phiếu, từ mức lỗ 2,9 tỷ USD (61 cent/cổ phiếu) của cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 3, doanh thu của Citigroup tăng 25% lên 20,39 tỷ USD. Tổng tài sản tăng 2% lên 1,89 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, Goldman Sachs cho biết hãng đã lãi 3,03 tỷ USD, tương đương 5,25 USD/cổ phiếu trong quý 3/2009 - cao hơn so với mức dự báo 4,24 USD/cổ phiếu, từ mức lãi 845 triệu USD (1,81 USD/cổ phiếu) của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của ngân hàng này đạt 12,37 tỷ USD, cao hơn so với mức dự báo 11,03 tỷ USD của giới phân tích đưa ra trước đó. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh tiền tệ và hàng hóa cơ bản đạt 5,99 tỷ USD, tăng vọt so với mức 1,59 tỷ USD của cùng kỳ năm trước; doanh thu thuần từ mảng cổ phiếu tăng 78% lên 2,78 tỷ USD; doanh thu từ mảng ngân hàng đầu tư đạt 899 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu từ mảng tư vấn tài chính đạt 325 triệu USD, giảm 47%... Thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa với mức giảm từ 0,3-0,5% so với phiên trước đó và tiếp tục duy trì xu hướng giảm điểm liên tục sau đó. Lực cầu yếu trước áp lực chốt lời gia tăng mạnh mẽ - sau khi thị trường tăng điểm mạnh nhiều phiên trước đó, đã khiến các chỉ số ít có cơ hội tăng điểm trong hầu hết thời gian giao dịch. Biên độ tăng giảm của các chỉ số ở trong biên độ hẹp khiến giao dịch kém sôi động hẳn so với phiên Dow Jones vượt 10.000 điểm một ngày trước đó. Tuy nhiên, đến khoảng gần 3 giờ chiều (giờ địa phương), lực cầu mạnh đã nhanh chóng đẩy Dow Jones và S&P 500 lên điểm và duy trì vị thế đó cho đến hết ngày giao dịch, riêng Nasdaq chỉ lên điểm nhẹ vì có lực cầu yếu hơn do Google và IBM thời điểm giao dịch chính thức chưa công bố kết quả kinh doanh, nên giới đầu tư vẫn còn quan sát và chờ thông tin. Sự đảo chiều vào cuối ngày giao dịch này cho thấy thị trường Mỹ đang có tâm lý khá lạc quan và bên mua vẫn tiếp tục áp đảo bên bán. Kết quả kinh doanh của các tập đoàn lớn tiếp tục hỗ trợ thị trường lên điểm. Điểm đáng chú ý là mặc dù kết quả kinh doanh của Goldman Sachs và Citigroup đều tốt hơn dự báo nhưng cổ phiếu của hai ngân hàng này lại giảm điểm với biên độ lần lượt là 1,9% và 5%, qua đó góp phần kéo chỉ số S&P Tài chính mất 0,7%. Cổ phiếu blue-chip khối công nghệ như IBM, Google và AMD đã mất điểm trong ngày giao dịch 15/10, trong đó cổ phiếu Google giảm 1,01%, cổ phiếu IBM mất 0,29% và cổ phiếu AMD hạ 0,64%. Tuy nhiên, sau giờ giao dịch chính thức, ba tập đoàn này công bố kết quả kinh doanh vượt dự báo nên đã giúp cổ phiếu của các hãng tăng trở lại và hứa hẹn sẽ có sự bứt phá trong phiên giao dịch ngày 16/10. Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 15/10 - Nguồn: G.Finance. Điểm qua kết quả giao dịch ngày 15/10: chỉ số Dow Jones tăng 47,08 điểm, tương đương 0,47%, chốt ở mức 10.062,94. Chỉ số Nasdaq lên 1,06 điểm, tương đương 0,05%, chốt ở mức 2.173,29. Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 4,54 điểm, tương ứng 0,42%, đóng cửa ở mức 1.096,56. Khối lượng giao dịch trên sàn New York phiên này đạt 1,36 tỷ cổ phiếu, thị trường có 1.509 cổ phiếu tăng điểm và có 1.502 cổ phiếu giảm điểm. Trên sàn Nasdaq, khối lượng giao dịch thành công đạt 2,2 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 cổ phiếu tăng điểm thì có 4 cổ phiếu giảm điểm. Những thông tin đáng chú ý trong tuần: Thứ Sáu: Công bố số liệu về sản xuất công nghiệp; chỉ số niềm tin người tiêu dùng; kết quả kinh doanh của Bank of America, GE, Halliburton. Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%) Mỹ Dow Jones 10.015,90 10.062,90 47,08 0,47 Nasdaq 2.172,23 2.173,29 1,06 0,05 S&P 500 1.092,02 1.096,56 4,54 0,42 Anh FTSE 100 5.256,10 5.222,95 33,15 0,63 Đức DAX 5.854,14 5.830,77 23,37 0,40 Pháp CAC 40 3.882,67 3.883,83 1,16 0,03 Đài Loan Taiwan Weighted 7.695,75 7.710,40 14,65 0,19 Nhật Bản Nikkei 225 10.060,21 10.238,65 178,44 1,77 Hồng Kông Hang Seng 21.886,48 21.999,08 112,60 0,51 Hàn Quốc KOSPI Composite 1.649,09 1.658,99 9,90 0,60 Singapore Straits Times 2.708,48 2.712,15 3,67 0,14 Trung Quốc Shanghai Composite 2.970,53 2.979,79 9,26 0,31 Ấn Độ BSE 17.231,11 17.195,20 35,91 0,21 Australia ASX 4.834,00 4.862,50 28,50 0,59 Việt Nam VN-Index 605,65 617,38 11,73 1,94 Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/20091016073232438p0c7/dow-ones-tien-sat-moc-10100-diem.htm