DPJ và chính sách mới - Hướng về châu Á

Chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ (DPJ) trong kỳ bầu cử vừa diễn ra tại Hạ viện Nhật Bản không khiến nhiều người bất ngờ bởi đây là kết quả được dự báo trước. Kể từ đây, Nhật Bản sẽ bước vào kỷ nguyên mới: chấm dứt thời đại LDP độc tôn, hình thành cục diện hai đảng: một trung tả (DPJ), một trung hữu (LDP).

Bên cạnh những khó khăn trước mắt có thể thấy rõ, cộng đồng quốc tế đang chờ đợi những thay đổi lớn của DPJ so với chính phủ tiền nhiệm. Tuy chưa thông báo một cách chi tiết nhưng trước mắt, chiến thắng của DPJ có vẻ sẽ mang đất nước Mặt Trời mọc xích lại gần hơn nữa với bạn bè châu Á. Yukio Hatoyama, Chủ tịch DPJ và người sẽ trở thành thủ tướng tương lai của Nhật Bản đã từng khẳng định “chúng ta không được quên bản sắc châu Á của mình”. Điều này đã được các nước lớn trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc… nhiệt tình ủng hộ. Đối với Việt Nam, về cơ bản, DPJ sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Việt Nam do sự gắn kết những lợi ích chung giữa hai nước và Việt Nam có vị trí địa chính trị mang tính chiến lược ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Đông Á nói riêng. Có thể nói hướng về châu Á, thân thiện với các quốc gia láng giềng sẽ là động lực không nhỏ giúp chính phủ mới của Nhật Bản chiếm được lòng tin hơn nữa của người dân. Một trong những thay đổi quan trọng nhất trong quan hệ đối ngoại thời gian sắp tới là Nhật Bản sẽ chủ động, hạn chế sự phụ thuộc hơn với Mỹ. Thay vào đó, sẽ xây dựng quan hệ đồng minh “gần gũi và bình đẳng” giữa hai nước. Đồng thời, DPJ dự kiến sẽ sửa đổi Hiệp định về quy chế các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản (SOFA) và chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) ở Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó là các mối quan tâm về những vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường, chống cướp biển…Tuy nhiên,việc thực hiện chính sách đối ngoại cũng là một vấn đề khó khăn cho DPJ bởi một số nghị sĩ của DPJ và đảng SPD, chính đảng mà DPJ muốn hợp tác thành liên minh cầm quyền chiếm đa số tại Hạ viện vẫn chưa thống nhất được một số mâu thuẫn còn tồn tại. Về đối nội, DPJ thể hiện rõ quan điểm lấy con người là trọng tâm để khôi phục kinh tế thông qua các chính sách an sinh xã hội. Đây sẽ là thay đổi đáng kể ở Nhật Bản, nước vốn nhiều thập kỷ qua ưu tiên các lợi ích công nghiệp nhằm đưa đất nước vượt qua thất bại trong Thế chiến II và đạt tới vị trí hiện nay là một cường quốc kinh tế thế giới. DPJ cam kết xem xét lại ngân sách một cách toàn diện nhằm cắt giảm các khoản chi tiêu lãng phí kèm nhiều chính sách ưu đãi, giảm thuế... DPJ có kế hoạch bổ nhiệm hơn 100 nghị sĩ quốc hội giữ các chức vụ ở các bộ và cơ quan, qua đó giúp họ giữ vai trò trung tâm trong việc soạn thảo, điều chỉnh và quyết định về các chính sách. Với trọng trách đưa đất nước thoát khỏi cuộc suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II, điểm yếu lớn nhất của DPJ là chưa có kinh nghiệm lãnh đạo đất nước. Bất cứ một sơ suất nào trong cải cách sẽ khiến DPJ phải trả giá trong các cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 năm sau, sự kiện được xem như bài sát hạch đối với khả năng của chính quyền mới. Tiếp quản công việc từ tay chính quyền cũ vốn bị nhiều chỉ trích quả là không dễ dàng nhưng với những kế hoạch, chính sách tuy táo bạo nhưng thuyết phục lòng dân trước kỳ bầu cử, DPJ đang thắp lên niềm hy vọng cho những người dân xứ Phù Tang. THANH HẰNG Thông tin liên quan: >> Đảng Dân chủ Nhật Bản bắt đầu thành lập chính phủ mới >> Bầu cử tại Nhật Bản: Đảng Dân chủ (DPJ) thắng lớn, chấm dứt 54 năm cầm quyền của Đảng LDP >> LDP thừa nhận thất bại sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thegioi/2009/9/201627/