DPM rơi về vùng đáy 7 năm, cơ hội nào trong năm 2020?

DPM là một trường hợp gây thất vọng của nhóm dầu khí khi giảm tới 37,6% trong năm nay. Mức giá của DPM đã rơi về đáy 7 năm.

Ảnh minh họa.

Cổ phiếu rơi về vùng đáy 7 năm

Nhìn lại cả năm 2019, cổ phiếu dầu khí dường như ít thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Xét về thành quả đầu tư, có lẽ chỉ có GAS (+16,9%) và PVD (+13%) là những cổ phiếu còn giúp cho nhà đầu tư có lợi nhuận tương đối tốt. Trong khi đó, PVS (+3,02%) còn sinh lời kém hơn cả tiền gửi tiết kiệm.

 Biến động giá tính đến ngày 27/12.

Biến động giá tính đến ngày 27/12.

Trong khi đó, mã DPM (-37,6%) và DCM (-27,8%) rơi tới 20-40%, đây là điều mà khó có nhà đầu tư nào có thể hình dung ra được.

Đặc biệt DPM có thể xem là nỗi thất vọng rất lớn. Hiện tại, thị giá của DPM đã xuống mức đáy 7 năm, nằm dưới các đường trung bình quan trọng như MA200, MA50.

Mức thanh khoản của DPM trong vòng 60 phiên gần nhất hiện chỉ còn hơn 300 nghìn đơn vị/phiên và có nhiều phiên mã này chỉ đạt bằng nửa con số trên.

Liệu DPM đã chạm đáy và có thể kỳ vọng vào năm 2020 tươi sáng hơn?Điều này sẽ phụ thuộc vào triển vọng kinh doanh của Công ty trong 1 năm tới.

Lợi nhuận sẽ cải thiện đáng kể, giá mục tiêu 15.500 đồng/cổ phiếu

Theo ước tính của CTCK SSI (SSI), lợi nhuận trước thuế 11 tháng năm 2019 và cả năm 2019 của DPM đạt lần lượt là 278 tỷ đồng và 350 tỷ đồng (-60% so với cùng kỳ).

Lợi nhuận trước thuế quý IV/2019 ước tính đạt 173 tỷ đồng, giảm -19% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức giảm này đã cải thiện hơn so với 3 quý trước (tương ứng ở mức -70%, -86% và -60%).

Theo kế hoạch năm 2020 công bố vào ngày 13/12/2019, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch lần lượt là 9.237 tỷ đồng (+ 15%) và 513 tỷ đồng (+ 47%).

Kế hoạch được xây dựng dựa trên giả định giá dầu Brent USD là 60 USD/thùng (so với 65 USD/thùng vào năm 2019) và thuế tạm thời là 1,43 USD/ mmbtu (so với 1,40 USD/mmbtu vào năm 2019).

SSI cho biết giá cước vận chuyển chính thức sẽ chốt vào tháng 1/2020. DPM ước tính sản lượng tiêu thụ urê và NPK tăng nhờ công suất nhà máy tăng (so với 70 ngày dừng hoạt động trong năm 2019) và nhu cầu thị trường tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ phân bón thương mại giảm do cạnh tranh cao hơn dự kiến và chuyển từ kinh doanh NPK nhập khẩu sang NPK tự sản xuất.

Dù vậy, giá dầu giảm và sản lượng tiêu thụ urê và NPK tăng sẽ là 2 động lực tăng trưởng cho năm 2020. Cần lưu ý thêm yếu tố bồi thường bảo hiểm chưa được đưa vào kế hoạch tài chính.

Được biết, trong quý I và quý II/2019, DPM đã đóng cửa các nhà máy trong 70 ngày do các vấn đề kỹ thuật, do đó kéo giảm lợi nhuận ròng 6 tháng 2019.

Mặc dù vậy, DPM đã mua bảo hiểm (do PVI cung cấp) để bảo vệ công ty trước sự cố gián đoạn sản xuất, cũng như chi phí thay thế thiết bị. Đến nay, PVI đã đồng ý trả 30 tỷ đồng chi phí thay thế thiết bị cho DPM. Số tiền có thể được ghi nhận vào lợi nhuận năm 2019/2020.

Trong khi đó, khoản bồi thường cho sự cố gián đoạn sản xuất vẫn đang được đàm phán. Công ty yêu cầu bồi thường 200 tỷ đồng cho sự cố gián đoạn sản xuất, nhưng điều này cần đàm phán thêm.

Theo đó, SSI cho rằng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2019 có thể đạt 7.992 tỷ đồng (-14%) và 350 tỷ đồng (-60%). Doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2020 có thể đạt lần lượt là 9.643 tỷ đồng (+ 21%) và 578 tỷ đồng (+ 65%).

Với các điểm mạnh như giá trị tiền mặt ròng trên mỗi cổ phiếu quý III/2019 là 5.188 đồng, tỷ suất cổ tức 2019-2020 là 7,5% và tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 là 65%, SSI cho rằng DPM có thể tăng lên mức 15.500 đồng/ cổ phiếu, +17,5% so với giá hiện tại.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/co-phieu-noi-bat-tuan-dpm-roi-ve-vung-day-7-nam-co-hoi-nao-trong-nam-2020-3531484.html