Dự án Bè Tre Việt Nam 2019: Hải hành theo dấu cha ông xưa bám biển

Với đam mê chơi thuyền và mong muốn mọi người chung tay bảo tồn những kỹ thuật đóng thuyền bè của Việt Nam, ông Đỗ Nguyên Ái cùng nhóm cộng sự đang thực hiện hải trình dọc các tỉnh ven biển bằng chính chiếc bè tre đơn sơ làm bằng những luồng tre Thanh Hóa… Phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Nguyên Ái - trưởng nhóm dự án Bè Tre Việt Nam 2019.

Xin ông cho biết ý tưởng của chuyến đi bè tre Việt Nam 2019 xuất phát từ đâu?

Ý tưởng này manh nha bốn - năm năm trước, nhưng dự án cụ thể về bè tre Sầm Sơn thì hình thành tháng 10.2018, vào cái hôm chúng tôi gặp và nói chuyện với ông Tim Severin ở bãi biển Sầm Sơn nhân dịp ông đi qua và thăm lại Việt Nam 25 năm sau ngày ông bắt đầu hành trình đi bè tre Sầm Sơn từ châu Á sang châu Mỹ. Ông Tim Severin là nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà du hành đã cùng thủy thủ đoàn thực hiện cuộc vượt biển Thái Bình Dương bằng chiếc mảng tre của Sầm Sơn.

Đỗ Nguyên Ái (phải) và cộng sự Châu Văn Hùng

Đỗ Nguyên Ái (phải) và cộng sự Châu Văn Hùng

Qua cuộc nói chuyện của Tim, chúng tôi tự hỏi tại sao chúng ta lại để người nước ngoài đi làm những việc như thế này, trong khi đây là đồ quý của ông bà chúng ta. Thật may mắn là ngay trên bãi biển ngày hôm đấy, chúng tôi có được bốn thành viên của hội đóng tàu và cả bốn đều nhất trí cần làm điều gì đấy.

Lý do nào khiến ông và các cộng sự chọn bè tre Sầm Sơn làm phương tiện di chuyển trên hải trình hơn 1.000 hải lý?

Chúng tôi muốn bắt đầu bằng những gì nguyên sơ nhất, cổ điển nhất, và rõ ràng con bè chính là thứ cổ xưa nhất. Bè ra đời từ vài nghìn năm trước, và có trước tất cả các loại thuyền.

Điều đặc biệt là, mặc dù ra đời trước và sử dụng nguyên liệu thô sơ, nhưng trong quá trình hình thành và cải tiến, con bè đã tiến đến một mức độ rất cao về kỹ thuật vào đầu thế kỷ XX. Chẳng hạn, một con bè ba buồm có thể điều chỉnh diện tích lớn, nhỏ với các góc mở buồm khác nhau tùy hướng gió và ba cái xiếm. Để điều khiển chiếc bè, ngư dân cùng một lúc phải quan sát và cảm nhận 15 thông số khác nhau, từ đó có những tác động, điều chỉnh và còn phải thả lưới, thu lưới, bắt cá bắt tôm. Kỹ thuật ấy rất đáng để tìm hiểu.

Hai bè chạy song song tại cầu Cửa Đại

Chúng tôi chỉ là những người chơi thuyền và đóng thuyền nghiệp dư. Nhiều năm nay chỉ chơi và làm những con thuyền mẫu mã của phương Tây với vật liệu hiện đại. Nhưng trong quá trình vừa chơi vừa học hỏi, chúng tôi nhận ra rằng, ngay trong nhà mình có những món đồ rất quý, nếu chúng ta không tìm cách bảo tồn thì sẽ mai một. Do đó, chúng tôi gom góp nguồn lực trong nội bộ anh em để thực hiện dự án này, hy vọng nếu thành công, hàng năm chúng tôi sẽ thực hiện các dự án tương tự với những con thuyền truyền thống khác trên suốt miền duyên hải Việt Nam. Mục đích dài hơi của dự án này chính là bảo tồn những kỹ thuật hàng hải cha ông để lại.

Nhóm Bè Tre Việt Nam 2019 lựa chọn lộ trình đi từ đền Độc Cước và điểm kết thúc là Phú Quốc hẳn phải có lý do?

Thần Độc Cước là vị thần được thờ trên bãi biển Sầm Sơn. Thần đã tự xẻ mình làm đôi, một nửa ở trên bờ phù hộ nông dân, nửa kia xuống biển để giúp ngư dân chống lại bọn quỷ biển. Vì tách làm đôi nên mỗi hiện thân của thần chỉ có một chân, vì vậy thần mới có tên Độc Cước. Tên chính thức của dự án này cũng là Độc Cước, và thần Độc Cước cũng là thần phù trợ dự án về mặt nguồn lực.

Thực tế cho thấy, bè tre cũng như thuyền bè, buồm ở Việt Nam có đặc tính nổi trội là có khả năng đi sát gió hoặc đi ngược gió rất sâu. Tuy nhiên, để cho mọi việc dễ dàng thì đi xuôi gió vẫn tốt hơn. Chúng tôi lựa chọn hải trình này vào thời điểm cuối năm vì vào mùa này, dòng hoàn lưu biển Đông ở phía bờ biển nước ta, cách khoảng vài chục hải lý đi xuôi từ Bắc xuống Nam. Bên cạnh đó, nếu đi sớm hơn thì bị kẹt vào mùa bão, đi trễ thì gặp mùa nồm, tức là gió thổi từ hướng Nam ra mà đi ngược gió tất nhiên tốn nhiều thời gian hơn, vất vả hơn.

Thưa ông, công tác chuẩn bị được thực hiện trong bao lâu và khâu nào quan trọng nhất?

Chuẩn bị dự án này và triển khai không quá khó, vì ngay trên khu vực Sầm Sơn vẫn còn những ngư dân đã làm bè đi bằng buồm, và tự họ đi trên biển. Do đó về mặt kỹ thuật, kết hợp cả sách vở của người Pháp ghi lại lẫn kiến thức thực tế của ngư dân địa phương, chúng tôi không khó tiếp cận những dữ liệu nguồn về cái bè. Về nguồn lực, thực tế là anh em phải tự góp tiền vào để làm. Tổng chi phí đóng hai bè Nhụy Kiều và Bình Định Vương khoảng 300 triệu đồng, được lấy tên theo danh hiệu bà Triệu và danh hiệu Lê Thái Tổ.

Sau một tháng khởi công, hai chiếc bè đã được hạ thủy. Mỗi chiếc dài 10m rộng 2,9m, được trang bị ba cánh buồm cao 10m và một động cơ phụ có thể chở ba - bốn người. Mỗi bè có tải trọng trên 1 tấn.

Bè tre trước khi hạ thủy

Hai chiếc bè này được làm hoàn toàn bằng luồng tre, theo đúng cấu trúc và cách thức ngày xưa ông bà vẫn làm, tất nhiên cũng có thay đổi nho nhỏ về mặt vật liệu cho đỡ vất vả. Như ngày xưa người ta buộc những luồng tre với nhau bằng lạt chẻ ra từ cây tre, nhưng loại lạt đấy trong môi trường khắc nghiệt của biển chỉ được hai đến ba tháng, chúng tôi dùng vật liệu mới là dây cước sẽ bền hơn, đi được dài hơn. Ngoài ra, bè cũng được trang bị thiết bị định vị...

Đi song song với hai cái bè sẽ có một đến hai xuồng cao tốc loại cứu hộ để có việc gì thì ứng cứu.

Dự án Bè Tre Việt Nam 2019 có điểm gì khác biệt so với chuyến đi của Tim trước đây, về công nghệ đóng bè, về mục đích chuyến đi?

Có hai điểm khác biệt rõ rệt. Hành trình của Tim nhằm chứng minh cho giả thuyết dân tộc học rằng, thổ dân châu Mỹ chính là người từ châu Á vượt biển sang vào thời rất cổ xưa, bằng phương tiện thô sơ như bè. Còn chúng tôi chỉ cố gắng lưu trữ, ghi chép, chụp hình, quay phim một con bè thật như cha ông chúng ta từng làm. Dự án này nằm trong dự án quy mô lớn hơn, là hằng năm cố gắng thực hiện một đến hai cái thuyền truyền thống Việt Nam, tương tự như cái bè này. Tích cóp dần dần qua năm, mười năm sẽ được một đội thuyền, hướng tới xây dựng một bảo tàng hàng hải cổ truyền.

Điểm khác biệt thứ hai: mục đích chuyến đi của Tim Severin là vượt đại dương nên ông ấy không thiết kế bè đúng như bè ở Sầm Sơn, mà phối hợp các kinh nghiệm hàng hải khác nhau ở khu vực châu Á để tổng hợp thành con bè lớn, với thủy thủ đoàn đến sáu, bảy người. Điều này dẫn đến một số bất lợi cho việc thực hiện hải trình, bởi kích thước ấy không phù hợp với vật liệu tre mà chúng ta đang có, chính Tim cũng đã thừa nhận điều này với chúng tôi trong một cuộc trao đổi. Dự án của chúng tôi thì cố gắng giữ sát với thiết kế, kích thước truyền thống của bè qua thông tin từ sách vở và kinh nghiệm của chính những ngư dân đang tự buộc những con bè và tự mình đi ra biển.

Với nhóm người ít ỏi như hiện nay, dù sức lực chúng tôi bỏ ra bao nhiêu chăng nữa, đây vẫn chỉ là dự án bé nhỏ. Bảo vệ biển của Việt Nam đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng và toàn xã hội. Hãy cùng chúng tôi tham gia dự án này!

Lan truyền tình yêu biển

Bè tre Sầm Sơn và ghe bầu miền Trung từ lâu đã nổi danh trong thế giới hàng hải như một đặc sản của Việt Nam, mà “không tìm thấy tương tự như vậy trên thế giới này” (bình luận của nhà nghiên cứu dân tộc học hàng hải P. Paris).

Có lẽ vì thế mà Tim Severin đã chọn bè tre làm phương tiện vượt Thái Bình Dương vào năm 1993 và ông đã trở lại thăm Sầm Sơn vào giữa tháng 10.2018.

Tìm gặp nhà du hành huyền thoại Tim giữa bãi biển, gần đền Độc Cước, Đỗ Nguyên Ái không phải là một “fan” các thần tượng thông thường mà anh muốn kiểm tra lại các điều đã đọc, đã làm về thuyền bè dân tộc mà một kỹ sư Bách khoa Sài Gòn, một chuyên viên tài chính như anh lại có một hobby là những cánh buồm.

Như được truyền thêm cảm hứng, ngay sáng sớm hôm sau buổi gặp gỡ, Ái phi thẳng lên vùng Lang Chánh, Yên Định, Thanh Hóa… để tìm hiểu tre luồng nguyên liệu và quay lại Quảng Xương để tìm những người làm bè truyền thống. Chương trình du hành bè tre đã được khởi động như vậy và hiện nay cuộc hành trình đang tiếp diễn.

Có nhiều điều để bàn luận về chuyến đi này, nhưng trước hết nó đã truyền cảm hứng cho đông đảo các bạn trẻ yêu biển, yêu các con thuyền, yêu những cánh buồm.

Thú vị biết bao khi thông qua live stream mạng facebook vừa rồi, chúng ta nói chuyện được với thủy thủ đoàn của bè tre khi hành trình đi ngang qua mũi cực Đông của tổ quốc, được biết anh em sống với sóng gió ra sao, những việc mà Tim không thực hiện được trong chuyến vượt Thái Bình Dương cách đây 20 năm, vì công nghệ lúc đó chưa cho phép.

Khi bè tre đi vào vùng đông đảo tàu thuyền, nhìn bè chỉ là một cái chấm bè tí xíu trên biển cả bên cạnh những con tàu container, tàu du lịch chở hàng nghìn khách... lúc nào cũng sẵn sàng đè bẹp bè như con kiến giữa đàn voi. Vì thế bè còn được trang bị các phản xạ radar cũng như treo mọi thứ nồi niêu kim loại lên để các con tàu dễ nhận ra.

Đó là những trang bị mới, cùng với các hải đồ điện tử, máy thu phát, điện thoại thông minh, các áo phao cứu sinh… những thiết bị trợ giúp, còn con người trên bè luôn tiếp xúc với biển cả vì nằm ngủ sát với mặt biển, chẳng được bao bọc kỹ lưỡng như trong đài chỉ huy các con tàu hiện đại.

Có lẽ vì thế bè tre là một phương tiện rèn luyện sóng gió rẻ tiền nhất, tốt nhất cho người đi biển trong bất cứ lĩnh vực nào: thủy thủ tàu buôn hay tàu quân sự, nhà nghiên cứu đại dương hay người chơi buồm nghiệp dư. Và khi thuận gió, hai cánh buồm trắng được giương ra hai bên mạn, bè lướt sóng trong tư thế cực đẹp mà người phương Tây gọi là “buồm giương cánh ngỗng” trong khi bà con ta từ Bắc tới Nam đều gọi là “buồm xõa cánh tiên”, một cái tên thơ mộng, lãng mạn.

Kể cho tôi nghe lời ăn tiếng nói của bà con ngư dân mà Ái thu lượm được, anh rất khoái chữ “sáng buồm” khi bà con Quảng Xương nói về các cánh buồm đã nở tung hết cỡ, không nhăn nhúm, nói theo ngôn ngữ thủy khí động học là nó đã đạt profile hoàn toàn trôi nước…

Tình yêu biển cả, lòng quyết tâm giữ vững chủ quyền tự nhiên thấm đẫm từ bao giờ!

Kỹ sư Đỗ Thái Bình

(Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, nhà nghiên cứu hàng hải)

Lê Minh thực hiện - Ảnh: Thuyền Buồm

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/du-an-be-tre-viet-nam-2019-hai-hanh-theo-dau-cha-ong-xua-bam-bien-17983.html