Dự án BT giao thông: Cấp bách, cần làm sớm nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch

Dự kiến tổng mức đầu tư vào hạ tầng riêng cho công trình PPP giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội cần 135.000 tỷ đồng, trong khi đó, vốn ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 20%. Vì thế, để giải quyết được các vấn đề dân sinh bức xúc, việc triển khai các dự án BT giao thông là cần thiết, song cần đảm bảo sự công khai, minh bạch...

Ông Phan Trường Thành, Thạc sỹ quản lý đô thị, Phó trưởng Phòng Kế hoạch- tài chính, Sở GTVT Hà Nội:

Hà Nội sẽ đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch

“Hiện nay, hệ thống hạ tầng khung của thành phố Hà Nội mới đang trong quá trình đầu tư phát triển theo quy hoạch và chưa hoàn chỉnh (đặc biệt là khu vực đô thị trung tâm), các tuyến đường vành đai chưa được đầu tư khép kín, hệ thống đường hướng tâm còn thiếu và chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch, các cầu bắc qua sông Hồng, Đuống cũng chưa đủ theo quy hoạch.

Thạc sỹ Phan Trường Thành

Trong khi đó, dự kiến, tổng mức đầu tư vào hạ tầng riêng cho công trình PPP giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội cần 135.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 20%. Vì vậy, việc kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, trong đó có hình thức hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng chuyển giao) vào hạ tầng giao thông đô thị là chủ trương được thành phố lựa chọn.

Tuy nhiên, thủ tục đầu tư theo đúng luật thông thường mất rất nhiều thời gian trong khi tình trạng ùn tắc giao thông và phát triển phương tiện của Hà Nội ngày một nhanh và nghiêm trọng.

Đầu năm 2017, tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với Hà Nội và TP. HCM, Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù để triển khai các dự án hạ tầng nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và Thủ tướng cũng đã đồng ý với đề xuất này. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng vừa tiếp tục đề xuất Thủ tướng thêm cơ chế đặc thù để lựa chọn nhà đầu tư với một số dự án cấp bách nữa.

Liên quan đến lo ngại của người dân và giới chuyên gia về việc xin cơ chế đặc thù đầu tư có thể dẫn đến thiếu công khai, minh bạch, thậm chí là lợi ích nhóm, lãnh đạo UBND TP đã nhận thức rất rõ về việc này.

Do đó, Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư và có rất nhiều hình thức để lựa chọn, hình thức chỉ định thầu chỉ là một trong số các phương án Hà Nội sẽ cân nhắc lựa chọn, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

UBND TP Hà Nội cũng đã có chỉ đạo xuyên suốt, bất kỳ nhà đầu tư nào muốn đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội thì phải đạt một số tiêu chí cở bản: có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực quan tâm thực hiện; có đủ năng lực về tài chính; cam kết thực hiện về vốn; có ký quỹ để trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện chậm, không đáp ứng yêu cầu thì phải mất toàn bộ phần tiền ký quỹ này; phải đảm bảo chất lượng toàn bộ công trình đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật...

Riêng với đầu tư PPP, Hà Nội sẽ cố gắng theo hướng ưu tiên lãi vay thấp nhất. Đơn vị nào có đủ năng lực, đủ nguồn lực tài chính đều được Hà Nội chào đón tham gia làm dự án, trong trường hợp có 3-4 nhà đầu tư có đầy đủ năng lực cùng mong muốn tham gia dự án thì Hà Nội sẽ cân nhắc, đưa ra bài toán để xem nhà đầu tư nào là tốt nhất, phù hợp nhất".

Kiến trúc sư Nguyễn Hải Hà:

Định giá quỹ đất theo thị trường, sẽ không lo Nhà nước thiệt

“Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc áp dụng đầu tư theo hình thức hợp đồng BT là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế, ở một số địa phương, có tình trạng dự án BT còn để tồn tại khuyết điểm, sai sót. Tôi được biết, thành phố Hà Nội đã giao các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại tất cả các dự án BT từ trước đến nay để rút kinh nghiệm, có hình thức quản lý tốt hơn. Đây là việc làm đúng đắn.

KTS Nguyễn Hải Hà

Theo tôi, giải pháp quan trọng để đảm bảo hiệu quả dự án BT là phải đấu thầu rộng rãi. Người đại diện cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi phê duyệt dự án phải thực sự công tâm, vì đất nước.

Trong xây dựng, chất lượng công trình luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy công tác quản lý dự án phải xuyên suốt, liên tục, có tính hệ thống, không thể chỉ trông đợi ở sự tự giác của nhà đầu tư. Nếu chờ đến khi hoàn thành, nhà đầu tư bàn giao công trình, cơ quan Nhà nước mới đi kiểm tra để tiếp nhận, phát hiện các bất cập ảnh hưởng chất lượng xây dựng thì xem như việc đã rồi.

Đặc biệt, cần có đơn vị tư vấn độc lập có đủ năng lực và uy tín để đánh giá đúng giá trị quỹ đất giao cho nhà đầu tư theo đúng giá thị trường để xét đến yếu tố được hưởng lợi nếu có công trình BT đi qua, ngăn chặn việc trục lợi từ chính sách...”.

GS. TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế phát triển:

Cần thiết huy động vốn xã hội hóa để thực hiện dự án BT giao thông

"Về các dự án BT giao thông, cách đây vài năm, các dự án này rất được các nhà đầu tư quan tâm và tiến hành rầm rộ trên cả nước. Sau đó, do nảy sinh một số vấn đề trong quá trình triển khai nên một số dự án đã bị dừng lại.

Mới đây Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư, khởi động lại 5 dự án BT giao thông. Theo tôi, nếu đã có các quy trình chặt chẽ, bài bản và Hà Nội đã rút được kinh nghiệm của những dự án BT từ các địa phương thì đây là điều nên làm. Thực tế cho thấy nhu cầu cấp bách hiện nay về hạ tầng giao thông của Hà Nội nên việc triển khai các dự án này là cần thiết. Tuy nhiên, khi triển khai, cần có đầy đủ căn cứ, cơ sở pháp lý, định mức kinh tế kỹ thuật một cách minh bạch, công khai.

GS.TS Đặng Đình Đào

Được biết, phần đất kinh doanh (giao cho nhà đầu tư) chỉ chiếm trung bình 26% tổng diện tích khu đất đối ứng cho dự án BT. Điều này cho thấy lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân ngày càng hài hòa. Nhưng theo tôi, nên kêu gọi thêm các nhà đầu tư nước ngoài để các dự BT chất lượng và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, thành phố cần tránh các dự án kéo dài, cần quy định chặt chẽ về vấn đề này. Tóm lại, tôi ủng hộ các dự án BT công khai, minh bạch".

Nhóm PV

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/du-an-bt-giao-thong-cap-bach-can-lam-som-nhung-phai-dam-bao-cong-khai-minh-bach/772444.antd