Dự án Cái Lớn - Cái Bé: Những phản hồi quý báu

'Dự án Cái Lớn-Cái Bé không có phân tích và quản lý rủi ro, đòi hỏi theo thông lệ đối với bất cứ dự án lớn nào'.

Bài phản biện “Cơ sở khoa học và lý do không thể phê duyệt dự án Hệ thông thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé” xuất bản trên Đất Việt online ngày 14.09.2018, ngay trong ngày đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi biểu thị sự đồng tình với cách tiếp cận và lý lẽ của bài phản biện. Những phản hồi này động viên tác giả rất nhiều.

Tác giả xin trích dẫn, được sự đồng ý của những người phản hồi, hai ý kiến dưới đây.

1. Gs.Ts. Võ Quang Minh, trưởng Bộ môn Tài nguyên Đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhỉen, Trường Đại học Cần thơ, đã cung cấp cho tác giả bản đồ thổ nhưỡng đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ 1/250.000 mà bộ môn hoàn thành năm 2014, kế thừa bản đồ thổ nhưỡng của Chương trình 60-02, 60-B và bổ sung những kết quả mới sau đó. Bản đồ thổ nhưỡng 2014 được thực hiện theo phân loại WRB (World Reference Bases-FAO, 2006).

Gs. Minh cũng đã trích ra bản đồ thổ nhưỡng vùng Trũng trung tâm BĐCM với nhã ý để tác giả bổ sung vào bài phản biện đang còn thiếu yếu tố thổ nhưỡng (ở phần 2, trước Mưa và bốc hơi). Trong khi chờ đợi bài phản biện được bổ sung, tác giả xin giới thiệu dưới đây, bản đồ thổ nhưỡng vùng Trũng trung tâm, để bạn đọc cùng tham khảo.

2. Tiến sĩ Lê Xuân Thuyên, Giảng viên, Bộ môn Sinh thái và sinh học tiến hóa, Khoa Sinh học và Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã gửi phản hồi sau đây:

“Dự án HTTL CL-CB có một lỗ hổng lớn là không có phân tích và quản lý rủi ro, một đòi hỏi theo thông lệ đối với bất cứ dự án lớn nào. Do không làm việc này nghiêm túc từ đầu nên nhiều dự án của Việt Nam sau khi hoàn thành thường đổ bể, hoặc hoạt động không đúng mục tiêu và lại phải có hậu điều chỉnh...làm thêm, mới...

Mặt khác dự án "lồng ghép" hai nội dung có thuộc tính tương đối tách biệt nhau. Đó là ứng phó với thiên tai phát triển kinh tế vùng.

Để ứng phó thì không thế thiếu xác định phạm vi hứng chịu tác động (exposure) và tần suất xuất hiện (frequency) của thiên tai, và đánh giá khả năng tự phục hồi (resilience) của hệ thống (ở đây là môi trường và các hệ sinh thái tự nhiên và nông nghiệp).

Đợt hạn cực trị năm 2016 được các nhà chuyên môn xác định có tần suất xảy ra là 70 năm/1 lần. Vì vậy lấy hạn 2016 làm mục tiêu ứng phó và đầu tư nhiều ngàn tỷ để ứng phó liệu có hợp lý không, có quá lãng phí không (giả thiết rằng đầu tư các công trình là đúng).

Đối với nội dung phát triển kinh tế, dự án cần có hiệu quả kinh tế là dĩ nhiên, nhưng cũng cần có các giải pháp thay thế (alternative solutions) vì mô hình sản xuất, hệ thống sản suất thay đổi theo nhu cầu thị trường, theo tinh thần NQ 120, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Trong dự án, cây lúa dường như là đối tượng tham chiếu gần như duy nhất và chưa thấy dự án đưa ra những giải pháp thay thế.

Khi dự án có mục tiêu lồng ghép thì nó sẽ phải thỏa mãn các mục tiêu riêng một cách rõ ràng, đầy đủ và thực chất. Lồng ghép không có nghĩa là “pha trộn” một cách chủ quan các vấn đề nhằm “minh giải” về sự cần thiết của dự án với lý do là đã có đề cập tới cả hai mục tiêu ứng phó với thiên tai và phát triển kinh tế.”

Xin ghi nhận và cảm ơn GS. Võ Quang Minh và TS. Lê Xuân Thuyên.

GS Nguyễn Ngọc Trân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/du-an-cai-lon--cai-be-nhung-phan-hoi-quy-bau-3365595/