Dự án Cái Lớn - Cái Bé: Sự kỳ vọng thay đổi sinh kế

Sau nhiều lần tranh cãi về tính khả thi, cuối cùng Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 cũng được phê duyệt. Đông đảo cán bộ, nhân dân trong vùng dự án kỳ vọng dự án sẽ làm thay đổi điều kiện và sinh kế cho người dân trong vùng bán đảo Cà Mau.

Sông Cái Lớn, nơi dự án triển khai.

Sông Cái Lớn, nơi dự án triển khai.

NDĐT - Sau nhiều lần tranh cãi về tính khả thi, cuối cùng Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 cũng được phê duyệt. Đông đảo cán bộ, nhân dân trong vùng dự án kỳ vọng dự án sẽ làm thay đổi điều kiện và sinh kế cho người dân trong vùng bán đảo Cà Mau.

Ngày 25-12-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư hơn 3,3 nghìn tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Công trình này được xây dựng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Cống Cái Lớn sẽ cách cầu Cái Lớn hiện hữu khoảng 2,1 km về phía sông Hậu, còn cống Cái Bé xây dựng cách cầu Cái Bé hiện hữu 1,9 km về phía sông Hậu. Công trình này sử dụng hơn 54,5 ha đất, bao gồm 21,12 ha lòng kênh cũ.

Theo quyết định phê duyệt, Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (gọi tắt Dự án Cái Lớn - Cái Bé) có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn-lợ, ngọt-lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha.

Dự án sẽ kết hợp với tuyến đê biển tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng. Dự án cũng sẽ góp phần cung cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt của hai huyện: An Minh, An Biên (Kiên Giang) với những năm ít mưa, và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đồng thời kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.

Để tạo sự đồng thuận của dư luận và giải thích những nghi ngại của các nhà khoa học về tính khả thi cũng như nhiều vấn đề khác, trước đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã có văn bản gửi GS, TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và nhóm nghiên cứu độc lập gồm một số nhà khoa học đang công tác tại Trường đại học Cần Thơ, để trao đổi một số thông tin về dự án.

Ngoài việc giải thích những mối nghi ngại và những quan điểm chưa đồng thuận, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khẳng định, Dự án Cái Lớn-Cái Bé phù hợp quy hoạch đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt và kế hoạch châu thổ đồng bằng sông Cửu Long (MDP 2.0) xây dựng năm 2013. Bên cạnh đó, việc đầu tư Dự án Cái Lớn-Cái Bé là xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ để chủ động sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu (thích ứng nhưng có kiểm soát), phù hợp với quan điểm chỉ đạo và định hướng, tầm nhìn phát triển đồng bằng trong Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trước khi phê duyệt dự án, Bộ NN-PTNT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án. Tại văn bản số 11482 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Bộ NN-PTNT tổ chức nghiên cứu triển khai Dự án Cái Lớn - Cái Bé bảo đảm chặt chẽ, khoa học tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường và Nghị quyết 120/NQ-CP…”.

Mặc dù các nhà khoa học vẫn còn đặt vấn đề phản biện một số việc liên quan đến dự án, tuy nhiên chính quyền và nhân dân trong vùng dự án thì rất ủng hộ và kỳ vọng dự án sẽ đem lại sự thay đổi rõ nét về điều kiện và sinh kế cho người dân trong vùng. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho rằng, Dự án Cái Lớn - Cái Bé là hết sức quan trọng đối với tỉnh Kiên Giang và các tỉnh trong vùng dự án. Dự án khi thực hiện xong sẽ góp phần khép kín toàn bộ hệ thống thủy lợi ven biển Tây, phát huy hiệu quả đồng bộ cho toàn khu vực đúng với mục tiêu của dự án đề ra.

Đồng quan điểm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề đạt và gửi gắm ý kiến của cử tri: “Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo hoàn tất các thủ tục sớm triển khai xây dựng công trình Cái Lớn - Cái Bé. Khi công trình hoàn thành sẽ giảm bớt khó khăn, thiệt hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây nên. Vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng hàng chục năm qua” - văn bản nêu.

VIỆT TIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/38913302-du-an-cai-lon-cai-be-su-ky-vong-thay-doi-sinh-ke.html