Dự án chống ngập ngàn tỷ ngừng thi công, nhiều đại biểu TP.HCM bức xúc

Nhiều đại biểu quan tâm, hỏi các lãnh đạo ban ngành liên quan về vấn đề ngập nước, ô nhiễm môi trường, thu phí đậu ô tô…. khiến người dân bức xúc.

Ngày 5/12, kỳ họp lần thứ 12 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018. Nhiều vấn đề nóng ở TP.HCM đang tồn tại ở TP.HCM được đưa ra thảo luận.

Về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ngừng thi công, đại biểu Cao Thanh Bình băn khoăn khi nào dự án thi công trở lại, chỉ đạo của thành phố thực hiện dự án trong thời gian tới ra sao?

Trả lời đại biểu Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (TTCN) TP.HCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết vấn đề lớn nhất hiện nay là việc chậm giải ngân.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng chưa thi công trở lại.

Mặt khác, việc mâu thuẫn giữa đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng và nhà đầu tư chưa được giải quyết. Sự việc đã được báo cáo với thành phố và đang được giải quyết để tái khởi động.

Thông tin về tình trạng ngập nặng diễn ra ở thành phố, ông Dũng cho biết, việc thực hiện công tác chống ngập rất khó khăn, kinh phí đầu tư hệ thống thoát nước thiếu nhưng tốc độ đô thị hóa của thành phố lại rất nhanh.

“Để đảm bảo nhu cầu thoát nước, cần 6.000 km hệ thống thoát nước nhưng hiện nay thành phố chỉ đạt khoảng 4.200 km hệ thống thoát nước. Riêng ở quận 2 có tới 40%, quận 9 là 60% tuyến đường không có hệ thống thoát nước”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, Phó Giám đốc TTCN cũng chỉ ra một nguyên nhân khác nữa là do triều cường.

Còn đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê đề cập đến tình trạng thất thu phí đậu xe ô tô.

Đại biểu Khuê cho biết, nắm thông tin trên báo chí chỉ ra thu phí đậu ô tô thất thu rất lớn, khoảng 1 tỉ đồng. Từ đó, đại biểu Khuê chỉ ra sự yếu kém của đơn vị quản lý và đề nghị Sở GTVT thông tin vấn đề này.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng đây là lần đầu tiên ứng dụng công nghệ, thu phí tự động với mục tiêu giảm bớt nhu cầu lưu thông về khu vực trung tâm và có thêm nguồn duy tu hệ thống công trình.

Đại biểu Phan Như Khuê đặt câu hỏi về thất thoát thu phí ô tô.

Theo ông Cường, hiện nay, tại 23 tuyến đường thí điểm đã lắp được 261 camrera giám sát. Tuy nhiên, việc giám sát việc người dân tự nguyện thanh toán còn khó khăn. Tỉ lệ số tiền thu thực tế so với số lượng giám sát qua camera mới chỉ đạt 16%.

Về vấn đề môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm quan tâm về quy định phân loại rác tại nguồn.

Theo đại biểu Trâm quy định trên được sự đồng thuận của người dân nhưng người dân chưa được hướng dẫn cách phân loại rác.

Mặt khác, Đại biểu Trâm cũng chỉ ra Sở Tài nguyên và Môi trường, các ban ngành, chính quyền địa phương chưa có sự tuyên truyền, giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm quan tâm về vấn đề phân loại rác.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết tâm nhận định đề xuất trên là giải pháp rất đáng quan tâm. Mấu chốt giải pháp phân loại rác tại nguồn là làm sao cho người dân nhìn thấy được lợi ích, nghĩa vụ của mình đối với việc giữ gìn vệ sinh cho TP.

Cũng tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến việc tín dụng đen, vay nặng lãi lộng hành, truy sát các con nợ.

Về vấn đề trên, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, Công an TP.HCM phát hiện và xử lý từ năm 2014.

Theo Phó Giám đốc Công an TP.HCM, thời điểm đó, hoạt động tín dụng đen chủ yếu do người từ phía bắc vào thuê nhà hoạt động trái phép ở TP.HCM. Vi phạm hoạt động tín dụng đen không phải lớn, nhưng hậu quả phát sinh sau đó gây ra nhiều hệ lụy.

Quang Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dai-bieu-tphcm-buc-xuc-vi-du-an-chong-ngap-1000-ty-dong-ngung-thi-cong-d443671.html