Dự án Dòng chảy phương Bắc 2: Đồn đoán 'thổi phồng' dữ liệu và nghi ngại từ 'mưu đồ' của Tổng thống Nga với Ukraine?

Chủ tịch nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện châu Âu Manfred Weber cho rằng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 'chắc chắn sẽ không còn khả thi' nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin để cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine leo thang.

Dòng chảy phương Bắc 2: Đức nhận được yêu cầu cấp phép xây dựng, Tổng thống Biden rơi thế 'tiến thoái lưỡng nan'. (Nguồn: The Brussels Times)

Dòng chảy phương Bắc 2: Đức nhận được yêu cầu cấp phép xây dựng, Tổng thống Biden rơi thế 'tiến thoái lưỡng nan'. (Nguồn: The Brussels Times)

Trang mạng Tagesspiegel.de mới đây đăng bài viết với tiêu đề “Nguồn cung khí đốt được đảm bảo ngay cả khi không có dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2)”.

Theo đó, dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ cung cấp khí đốt cho Đức và Liên minh châu Âu (EU) mà còn có ý nghĩa chiến lược đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, môi trường và địa chính trị.

Một lần nữa, điều này lại trở thành vấn đề trọng tâm trong bối cảnh Nga đang tăng cường lực lượng quân sự tại biên giới Ukraine và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có chuyến công du đầu tiên tới Đức.

Câu hỏi đặt ra là liệu hệ thống đường ống này có thực sự cần thiết hay không? Hậu quả sẽ như thế nào nếu đường ống không đi vào hoạt động?

Những ý kiến trái chiều

Các chuyên gia có nhiều ý kiến khác nhau. Một số người, như chuyên gia Jens Hobohm từ Viện nghiên cứu kinh tế Prognos (Đức), tin rằng Dòng chảy phương Bắc 2 nhìn từ quan điểm về năng lượng là cần thiết và có ý nghĩa.

Ngược lại, chuyên gia Claudia Kemfert từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) lại cho rằng câu trả lời “chắc chắn là không”.

Theo chuyên gia Kemfert, không cần thiết phải có bất kỳ cơ sở hạ tầng bổ sung nào cho việc vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga. Bên cạnh đó, kế hoạch gia tăng tiêu thụ khí đốt tự nhiên sẽ mâu thuẫn với các mục tiêu bảo vệ khí hậu đã được thảo luận và thống nhất.

Chuyên gia này cho rằng sẽ không có vấn đề quá nghiêm trọng, nếu Dòng chảy phương Bắc 2 không thể hoàn thành và đi vào hoạt động. Nếu khí đốt từ Nga không thể đến Đức thông qua hệ thống đường ống này, Đức và châu Âu sẽ tìm ra giải pháp năng lượng khác.

Về vấn đề này, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng, giống như vị Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, ông muốn ngăn chặn việc hoàn thành dự án này qua sự đe dọa trừng phạt các công ty liên quan đến dự án.

Còn nhiều đối tác trong EU cho rằng với sự hỗ trợ của Dòng chảy phương Bắc 2, Đức đang hành động chống lại các lợi ích chung của châu Âu.

Chủ tịch nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện châu Âu Manfred Weber cho rằng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 “chắc chắn sẽ không còn khả thi” nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin để cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine leo thang.

Khi đó, liệu nguồn cung cấp khí đốt có gặp rủi ro không? Để trả lời câu hỏi này, những dự báo về lượng khí đốt mà Đức và châu Âu sẽ cần trong những năm tới đóng vai trò trung tâm.

Ngay từ đầu, các nhà phê bình đã cáo buộc các tập đoàn triển khai xây dựng dự án đường ống này “thổi phồng” số liệu về nhu cầu khí đốt của Đức và châu Âu, khiến cho dự án này trở nên không thể thiếu và lấn át hoàn toàn những ý kiến phản đối.

Tuy nhiên, chuyên gia Jens Hobohm cho rằng ý kiến chỉ trích này chỉ đúng với những năm trước còn trong vài năm gần đây, lượng tiêu thụ khí đốt ở Đức và châu Âu đã tăng hơn dự kiến do sự cần thiết của khí đốt tự nhiên trong vai trò cầu nối cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

Khi các nước như Đức từ bỏ năng lượng hạt nhân, Ba Lan giảm phụ thuộc vào than đá, trong khi năng lượng Mặt trời và năng lượng gió vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu, thì khí đốt là giải pháp tối ưu.

Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Prognos, năm 2014, EU tiêu thụ 400 tỷ mét khối khí đốt; năm 2015, con số này là 419 tỷ mét khối và năm 2019 là 470 tỷ mét khối.

Số liệu tiêu thụ năm 2020 chưa được tính toán cụ thể, nhưng theo chuyên gia Hobohm, con số này dự kiến giảm do tác động từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Tính riêng ở Đức, lượng khí đốt tiêu thụ cũng tăng từ 77 tỷ mét khối trong năm 2015 lên 89 tỷ mét khối năm 2019, trong khi năm 2020 con số này giảm khoảng 2,5%.

Đó có phải là lý lẽ thuyết phục cho việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hay chỉ cần các đường ống hiện có cũng có thể đáp ứng nhu cầu?

Dự án có thực sự cần thiết?

Nếu so sánh số liệu tiêu thụ khí đốt năm 2019 với năm 2006, khi hệ thống Dòng chảy phương Bắc đầu tiên được lên kế hoạch xây dựng, có thể thấy rằng khối lượng tiêu thụ chưa khi nào đạt đến con số cao như thời điểm đó, mặc dù tập đoàn xây dựng dự án khẳng định các đường ống là cần thiết vì lượng khí tiêu thụ sẽ tăng liên tục. Thực tế, năm 2006, Đức tiêu thụ 92 tỷ mét khối khí đốt, còn EU là 511 tỷ mét khối.

Chuyên gia Hobohm nói thêm rằng, hoạt động nhập khẩu nhiều khí đốt từ bên ngoài của châu Âu phụ thuộc vào việc châu lục này tự sản xuất được bao nhiêu và có thể tự đáp ứng nhu cầu ở mức nào?

Hiện nay, lượng khí đốt sản xuất trong nội khối đã giảm, một phần do Hà Lan cắt giảm tỷ trọng sản xuất nhanh hơn so với kế hoạch.

Các chuyên gia cho rằng, điểm mấu chốt hiện nay là dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn đang được xây dựng. Và châu Âu không có vấn đề gì về nguồn cung khí đốt. Liệu dự án này có thể đi vào hoạt động hay không và bao giờ hoạt động là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đường ống này càng hoàn thành muộn bao nhiêu thì tính cần thiết càng thấp bấy nhiêu, vì vai trò của khí tự nhiên sẽ ngày càng suy giảm.

Đi cùng với đó, các rủi ro về chính sách an ninh cũng rất được quan tâm.

Thứ nhất, đó là do sự phụ thuộc của châu Âu và Đức vào khí đốt từ một nước Nga.

Thứ hai, những rủi ro bổ sung đến từ dự án này vì hệ thống đường ống chạy từ Nga qua Biển Baltic rồi trực tiếp đến Đức, không qua các quốc gia trung gian như Ukraine, Belarus và Ba Lan.

Những người chỉ trích dự án đặt ra 2 vấn đề nghi ngại.

Trước hết, ông Putin muốn rảnh tay để thực hiện chính sách của mình với các quốc gia láng giềng mà còn không sợ phải phụ thuộc vào họ (khi việc xuất khẩu khí đốt không còn phải đi qua các nước này).

Thứ hai, việc vận hành hệ thống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn đến tình trạng lượng khí đốt chảy qua các đường ống hiện có sẽ giảm, qua đó làm giảm thu nhập của Ukraine từ việc cho phép khí đốt từ Nga quá cảnh qua lãnh thổ nước này.

Ngân sách quốc gia của Kiev sẽ bị hụt đi hơn 2 tỷ Euro. Khi đó, áp lực đối với EU trong việc gia tăng viện trợ cho Ukraine sẽ ngày càng lớn.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/du-an-dong-chay-phuong-bac-2-don-doan-thoi-phong-du-lieu-va-nghi-ngai-tu-muu-do-cua-tong-thong-nga-voi-ukraine-142330.html