Dự án Đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ: Phương án vốn chưa chắc

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, dự án này sẽ được thực hiện nhưng phải theo đấu thầu quốc tế chứ không giao thầu

Sáng 19-4, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo UBND TP HCM cùng các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ đã có cuộc họp để nghe hai đơn vị tư vấn là Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam và Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam báo cáo đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) TP HCM - Cần Thơ.

Giảm tải đường bộ

Theo phê duyệt của Bộ GTVT ngày 27-8-2013 về Quy hoạch chi tiết đường sắt TP HCM - Cần Thơ, tổng chiều dài toàn tuyến là gần 174 km qua 14 ga (từ ga lập tàu An Bình, tỉnh Bình Dương đến ga cuối TP Cần Thơ). Theo đề án của Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam đề xuất, rút ngắn tuyến còn 139,7 km từ TP HCM đến Cần Thơ qua 9 ga, không vào các khu dân cư, đô thị hiện hữu mà chạy song song với đường bộ cao tốc, dùng chung hành lang an toàn của tuyến đường này.

Cũng theo đề án, tuyến ĐSCT TP HCM - Cần Thơ xây dựng cho cả 100 năm nên phải chọn vị trí đất cao để xây dựng, ứng phó trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu (BĐKH). Việc giải phóng mặt bằng, tĩnh không và kết cấu xây dựng cũng sẽ bị thay đổi theo mực nước sông. Đề án cũng chỉ ra giải pháp thích ứng và giảm nhẹ các phương pháp cơ sở hạ tầng, quy hoạch, quản lý...

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, đánh giá với vận tốc 200 km/giờ, đi bằng ĐSCT từ Cần Thơ lên TP HCM chỉ mất khoảng 1 giờ, nhanh hơn đường bộ cao tốc. "Sức vận chuyển hàng hóa và hành khách của đường sắt rất lớn nên khi có tuyến đường này sẽ giảm tải cho đường bộ, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuyến đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ cùng với đường cao tốc TP HCM - Cần Thơ hoàn thành sẽ là động lực để ĐBSCL phát triển kinh tế" - ông Dũng nhận định.

Tại buổi báo cáo, hai nhà tư vấn cho biết đã liên kết được các nhà đầu tư nước ngoài, tổng số vốn đầu tư sẽ được nâng lên 5 tỉ USD. Ngoài ra, một tập đoàn tài chính Mỹ cho rằng phải có vốn dự phòng 2 tỉ USD và thêm 3 tỉ USD để làm 5 nhà ga thông minh. Vì vậy, vốn đầu tư sẽ lên 10 tỉ USD và nhà đầu tư sẽ bỏ vốn làm mà không cần tiền ngân sách. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hỏi: "Phương án tài chính 10 tỉ USD lấy đâu ra và họ thu hồi vốn bằng cách nào?". Đại diện đơn vị tư vấn trả lời là đã có 4 nhà đầu tư thứ cấp xây dựng các nhà máy, sẽ có 4.000 ha đất làm khu dân cư và họ thu lại trong 20 năm".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu bổ sung đề án, hoàn thiện thì bộ mới trình Chính phủ. Ảnh: MINH SƠN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu bổ sung đề án, hoàn thiện thì bộ mới trình Chính phủ. Ảnh: MINH SƠN

Điều chỉnh quy hoạch về phía Bắc là chưa ổn

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định: "Dự án này sẽ được thực hiện nhưng phải theo đấu thầu quốc tế chứ không giao thầu, ngoài ra các con số mà tư vấn cho rằng quỹ đất ở một số nơi là lấy con số từ năm 2013 bây giờ biến động thì sao? Dự án phải làm cụ thể theo thực tế, phối hợp từng tỉnh chứ không thể làm theo kiểu quảng cáo".

Tại cuộc họp này, nhiều tỉnh cho rằng hai đơn vị tư vấn đưa ra giải thích chưa rõ ràng. Đại diện UBND TP HCM nói: "Theo báo cáo, chủ đầu tư cam kết nếu đồng ý làm dự án họ sẽ chuyển tiền nhưng lấy gì bảo đảm họ thực hiện? Dù là cần dự án để phát triển kinh tế vùng nhưng phải chắc mới làm". Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long cũng nhìn nhận: "Nếu phải giải tỏa thêm đất ngoài nhà ga theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng thì rất khó khăn vì lấy đất dân đền bù giá thấp mà bán giá cao".

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nếu dự án thực hiện theo phương án điều chỉnh quy hoạch đường sắt về phía Bắc thì các huyện khu vực này sẽ phát triển nhưng sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Kinh nghiệm cho thấy ở các nước vốn đầu tư đều của nhà nước, làm đường sắt mà nhà đầu tư bỏ vốn 100% theo hình thức này thì khó thực hiện".

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định phương án điều chỉnh quy hoạch về phía Bắc so quy hoạch trước đây là không ổn. Ví dụ, đường sắt đi song song đường cao tốc mới giải tỏa, dân vừa xây nhà lại bây giờ tiếp tục giải tỏa là gây bức xúc cho dân, phương án cũ đất còn sao không làm mà đổi phương án mới? Nhà dân nhiều hơn và đất hai bên còn đâu mà làm. Chưa nói đến việc giải tỏa 4.000 ha rồi tái định cư ở đâu, không thấy phương án đề cập. Tại các nhà ga không thấy kết nối giao thông thủy và bộ vào thì làm sao thực hiện. Khi làm đô thị bán đất cho dân ở mà chỉ có đường sắt, không có đường nối đường bộ thì làm sao dân ở? Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường sắt chủ trì cùng hai đơn vị tư vấn phối hợp từng tỉnh và báo cáo thường xuyên với bộ. Khi nào đủ điều kiện thì bộ mới trình Chính phủ".

Đề xuất nhà đầu tư bỏ vốn 100%

Theo báo cáo điều chỉnh hướng tuyến ĐSCT TP HCM - Cần Thơ của Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam ngày 18-4, dự án được đề xuất phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là từ ga Tân Kiên (TP HCM) đến Cần Thơ. Giai đoạn 2 từ ga An Bình (tỉnh Bình Dương) đến TP HCM dài 33,6 km. Tổng mức đầu tư của dự án này ban đầu được đề xuất là 4,5 tỉ USD, trong đó nhà đầu tư BOT khoảng 2,7 tỉ USD, 1,7 tỉ USD còn lại do nhà nước thanh toán bằng quỹ đất. Các đơn vị tư vấn đề xuất điều chỉnh quy hoạch theo hướng nhà đầu tư bỏ vốn 100% và giải tỏa thêm quỹ đất để xây dựng 5 đô thị thông minh gần các nhà ga. Với tổng số quỹ đất làm đường sắt là 80 ha và 4.000 ha giải tỏa giao nhà đầu tư xây dựng khu đô thị thông minh.

Minh Sơn - Gia Minh - Ca Linh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/du-an-duong-sat-cao-toc-tp-hcm-can-tho-phuong-an-von-chua-chac-20190419232435301.htm