Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi: 20 năm thiết kế và cả nghìn tỷ đồng 'đi tong'?

Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi đã trả chi phí thiết kế kỹ thuật gần cả ngàn tỷ đồng (trong tổng số tiền đã giải ngân cho dự án trong giai đoạn 2009-2014) nhưng 20 năm qua vẫn 'giậm chân tại chỗ'. Nay, thành phố Hà Nội nhận mớ hồ sơ từ Bộ Giao thông vận tải nhưng có thể không dùng được. Vậy, sẽ mất thêm bao nhiêu năm và tốn thêm bao nhiêu ngàn tỷ đồng nữa thì tàu mới lăn bánh?

Phối cảnh tổng thể khu tổ hợp Ngọc Hồi. Ảnh: TL

Phối cảnh tổng thể khu tổ hợp Ngọc Hồi. Ảnh: TL

Năm 1902, người Pháp làm tuyến đường sắt chạy vào ga Hà Nội – vốn xây trên đất phố chợ Hàng Cỏ nên người Việt gọi là ga Hàng Cỏ. Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) định giao ga Hà Nội cho thành phố Hà Nội làm đường sắt đô thị (ĐSĐT) nên gọi lại cái tên ga Hàng Cỏ để cho khỏi nhầm với ga Hà Nội cũ và dự án cũ[1].

18 năm chi tiền 'khởi động'?

Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng ĐSĐT Hà Nội tuyến số 1 (hay còn gọi là Đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi) trên cơ sở nghiên cứu tiền khả thi của Bộ GTVT lập từ năm 2002 có chiều dài 28,7km, đường đôi khổ lồng khổ 1.000mm và 1.435mm; tổng mức đầu tư là 9.197 tỷ đồng (600 triệu USD tỷ giá năm 2004).

Dự án chia thành các giai đoạn theo nhu cầu và thu xếp vốn vay ODA Nhật Bản.

Nhóm tư vấn hợp tác quốc tế CitySolution tham chiếu với định mức đầu tư do Ngân hàng thế giới (WB) khuyến nghị, cho biết bình quân 20,1 triệu USD/1km là mức chấp nhận được với loại đường sắt nhẹ (LRT- Light Rapid Transit) là loại tàu chạy điện tốc độ nhanh khá phổ biến trong các thành phố trên thế giới. Nếu đề xuất sử dụng chung ĐSĐT với đường sắt quốc gia thì cũng tương tự mô hình tuyến đường sắt quốc gia của Indonesia chuyển đổi thành thành đường sắt đi lại trong vùng (Commuterline): nối trung tâm thành phố Jakarta ra 5 hướng ngoại ô có tổng chiều dài 418 km, phục vụ mỗi ngày hơn 1 triệu hành khách với chi phí thấp, sử dụng hơn 70 đoàn tàu cũ của Nhật Bản tặng có gắn máy lạnh.

Năm 2008, Bộ GTVT quyết định đầu tư gần 19,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,22 tỷ USD) để xây mới 15 km ĐSĐT trên cao (Giáp Bát –Gia Lâm). Theo City Solution so với mức đầu tư do WB khuyến nghị mức đầu tư ĐSĐT đi trên cao hay mặt đất là 55 triệu USD/1km, thì mức giá dự án 81 triệu USD/1 km cao gấp 1,5 lần.

Chi phí đầu tư cho mỗi km các loại hình vận tải nhanh/ khối lượng lớn trong đô thị. Nguồn “Sổ tay quy hoạch đường sắt đô thị" - Wold Bank 2018.

Bộ GTVT giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư, Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) trực thuộc quản lý, dự kiến thực hiện đến năm 2017. Bộ GTVT phê duyệt gói thầu tư vấn trị giá 868 tỷ đồng cho Liên doanh tư vấn trúng thầu JKT do Japan Transportation Consultant, Inc (JTC) đứng đầu, cùng thêm 4 công ty Nhật Bản và 3 công ty Việt Nam[2].

Mỗi lần điều chỉnh lại tăng tiền, tăng thời gian và nhiều cán bộ thì vào tù

Trong quá trình thực hiện có thay đổi, phát sinh như tăng diện tích, số lượng công trình, vị trí các nhà ga, thay đổi vị trí cầu vượt sông Hồng… nên tổng giá trị hợp đồng tư vấn tăng từ 868 tỷ đồng lên 1.069 tỷ đồng (Quyết định 1198/QĐ-BGTVT), lùi thời gian hoàn thành từ 2011 tới 2012[3].

Hồ sơ thiết kế kỹ thuật cơ bản hoàn thành nhưng do cầu vượt sông Hồng và đoạn tuyến phía bắc cầu sông Hồng chưa được TP Hà Nội và các bộ ngành thống nhất hướng tuyến nên chưa thể phê duyệt được toàn bộ thiết kế kỹ thuật. Tuy vậy đã trả chi phí thiết kế kỹ thuật 842 tỷ đồng trong tổng số 1.272 tỷ đồng đã giải ngân cho dự án này trong giai đoạn 2009-2014[4].

Hình minh họa phương án ĐSĐT vượt qua sông Hồng bằng cầu mới, cách cầu Long Biên 75m, không bố trí đường đi bộ và đường dẫn lên cầu cho xe có giới dỡ bỏ cầu cũ, giữ lại vài nhịp trưng bày… đã không được chấp nhận , làm dự án đình trệ trong nhiều năm.

Việc Liên danh tư vấn đã tập hợp được các công ty tư vấn hàng đầu Nhật Bản và Việt Nam nhưng vẫn trục trặc từ khảo sát (phải thay đổi khối lượng nhiều hạng mục) đến giá trị kinh tế - kỹ thuật dự án làm tăng chi phí tư vấn và dự án… điều đó cho thấy năng lực chủ đầu tư và quản trị dự án phải đặt dấu hỏi. Đặc biệt, năm 2014, nhiều quan chức của Ban Quản lý dự án đường sắt (RPMU) bị truy cứu hình sự vì nhận hối lộ của Công ty Tư vấn JTC Nhật Bản. Việc này đã ảnh hưởng tới quá trình triển khai dự án ĐSĐT này. Hợp đồng với đơn vị tư vấn nước ngoài phải chấm dứt, hồ sơ thiết kế kỹ thuật của tư vấn không được phê duyệt[5].

Tư vấn ngoại không mạnh các vấn đề địa phương đã đành, nhưng tư vấn nội TEDI và TEDI –South (vốn là TEDi tham gia cổ phần hóa với đối tác nước ngoài) luôn tham gia các dự án đầu tư giao thông lớn nhỏ toàn quốc hàng chục năm nay, đặc biệt Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Giao thông vận tải (TRICC) thì tham gia tư vấn hầu hết các dự án ĐSĐT Hà Nội, TP.HCM và rất nhiều dự án đầu tư đường sắt lớn… thì họ hẳn là những tư vấn am tường các vấn đề địa phương gồm các quy chuẩn quy phạm của Việt Nam[6].

Câu hỏi đặt ra là tại sao dự án này chi ra khoản tiền tư vấn lớn như vậy mà vừa thắng thầu đã phải chỉnh sửa bổ sung? Phương án cầu vượt sông Hồng không đáp ứng yêu cầu làm tê liệt toàn bộ dự án… Dự án không có báo cáo so sánh những thành công/ thất bại các dự án tương tự tại các thành phố trong khu vực có bối cảnh tương tự.

Đặc biệt là suất đầu tư/km dài dự án luôn cao hơn mức giá trung bình do WB công bố. Trong khi giá thành đầu tư các dự án ĐSĐT trên thế giới giảm dần do nhiều quốc gia phát triển công kỹ nghệ/ hạ giá thành cạnh tranh, đưa ra các loại hình ưu việt hơn, chào giá thấp hơn… Năm 2019, sau 15 năm, dự án đề xuất tổng đầu tư hơn 81 nghìn tỷ đồng, cao gấp 9 lần năm 2004 (9 nghìn tỷ đồng).

Từ tháng 3.2022, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội họp để phân định rõ trách nhiệm làm cơ quan chủ quản đầu tư các hạng mục tổ hợp ga Ngọc Hồi thuộc dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan của Dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi. Thời gian tới sẽ thực hiện các công việc di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như ga Hà Nội, ga Giáp Bát, để bàn giao mặt bằng cho Hà Nội triển khai thực hiện dự án.

Tuy nhiên, với thực trạng hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã chi ra một khoản tiền lớn nhưng khả năng là khó dùng được vì nội dung không còn phù hợp và chưa được phê duyệt toàn bộ nên không thể tiếp tục triển khai… sẽ là thách thức lớn đối với cơ quan tiếp nhận dự án khi phải thu xép nguồn tài chính mới lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng để lập lại dự án mới thì mới khắc phục những bế tắc do thiết kế kỹ thuật cũ.

Đây cũng là bài học giá trị cho Hà Nội trong tiếp quản dự án: cần tham vấn rộng rãi cộng đồng xã hội về mọi mặt trước khi vội vã ký kết, giao việc cho các đơn vị tư vấn độc quyền nhưng năng lực không đáp ứng yêu cầu: nguy cơ thất bại của dự án rất cao và dự án phải đình trệ hàng chục năm tiếp mà không rõ hồi kết.

Trần Huy Ánh

[1] https://nld.com.vn/thoi-su/di-doi-ha-tang-ga-ha-noi-ga-giap-bat-de-lam-duong-sat-do-thi-20220818101410738.htm

[2] https://www.anninhthudo.vn/tuyen-duong-sat-do-thi-2-ty-usd-yen-vien---ngoc-hoi-van-giam-chan-tai-cho-post357983.antd

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Quyet-dinh-1198-QD-BGTVT-2017-du-an-Xay-dung-duong-sat-do-thi-Ha-Noi-tuyen-so-1-Giai-doan-I-362232.aspx

[4] https://vietnamnet.vn/lo-sieu-du-an-cham-15-nam-doi-von-chuc-ngan-ty-dong-596057.html

[5] https://nhandan.vn/xet-xu-vu-an-xay-ra-tai-ban-quan-ly-cac-du-an-duong-sat-post246113.html; https://nhandan.vn/phat-tu-cac-bi-cao-trong-vu-an-xay-ra-tai-tong-cong-ty-duong-sat-viet-nam-post246200.html

[6] https://tricc.vn/trang-tinh/du-an-duong-sat-do-thi-c78.html

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/du-anduong-sat-do-thi-yen-vien-ngoc-hoi-20-nam-thiet-ke-va-ca-nghin-ty-dong-di-tong-36333.html