Dự án đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên: Đủ nguồn vốn vẫn khó triển khai, vì sao?

Mặc dù nguồn vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã đáp ứng đủ theo nhu cầu cho toàn bộ dự án đường sắt Ngọc Hồi- Yên Viên nhưng đến nay- sau 17 năm, dự án này vẫn chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng và chưa định được ngày chính thức khởi công.

Nhiều dự án đường sắt đô thị được đầu tư nhằm cải thiện tình trạng giao thông cho Hà Nội

Dự án bị đội vốn gấp 9 lần

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên- Ngọc Hồi (DA Ngọc Hồi –Yên Viên) được Chính phủ đồng ý chủ trưởng từ năm 2004 và được chia làm 3 giai đoạn. Từ năm 2007, dự án được tách thành 2 dự án riêng biệt gồm: Dự án giai đoạn 1, xây dựng tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Giáp Bát- Gia Lâm; Dự án giai đoạn 2, xây dựng đoạn Ngọc Hồi – Giáp Bát và đoạn Giáp Bát- Yên Viên.

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, dự án được Chính phủ đồng ý chủ trương từ 2004, dự án giai đoạn 1 được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2008 (cùng khoảng thời gian phê duyệt các tuyến ĐSĐT khác mà đến nay đã chuẩn bị hoàn thành, khai thác như DA ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông và Bến Thành- Suối Tiên) nhưng đến nay DA Ngọc Hồi –Yên Viên giai đoạn I vẫn chưa thực hiện xong công tác GPMB, đấu thầu và triển khai xây lắp. Và DA Ngọc Hồi- Yên Viên giai đoạn 2A được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2012 nhưng đến này cũng chưa hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật.

Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT khẳng định, nguồn vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã đáp ứng đủ theo nhu cầu cho dự án trên. Nhưng việc triển khai dự án quá chậm, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư và làm tăng tổng mức đầu tư dự án.

Nếu tính riêng ở DA Ngọc Hồi- Yên Viên giai đoạn 1, năm 2008, Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 19.460 tỷ đồng (vốn vay ODA của Nhật Bản, vốn đối ứng ứng) nhưng đến năm 2017, Bộ GTVT đã phải phê duyệt điều chỉnh dự án chỉ riêng khu tổ hợp Ngọc Hồi tổng mức đầu tư mới điều chỉnh lại cũng đã gần bằng với tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án ở giai đoan 1 được phê duyệt trước đó là 19.046 tỷ đồng.

Còn tính chung cho cả toàn bộ tuyến số 1 của 2 dự án tổng mức đầu tư đã đây lên gấp 9 lần, từ 9.197 tỷ đồng lên 81.537 tỷ đồng. Tính đến tháng 2/2019, DA Ngọc Hồi- Yên Viên giai đoạn 1, Bộ GTVT đã giải ngân được 1.820 tỷ đồng.

Nhiều đề xuất… mới

Theo tìm hiểu, bên cạnh điều chỉnh tổng mức đầu tư, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều đề xuất khác. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị chỉ đầu tư dự án đáp ứng chức năng đường sắt đô thị (không đầu tư xây dựng hợp phần đường sắt quốc gia chạy chung với đường sắt đô thị).

Trong khi trước đó theo quyết định đầu tư, mục tiêu của DA Ngọc Hồi- Yên Viên là nhằm cải thiện tình trạng giao thông đô thị Hà Nội, nâng cao năng lực khai thác đường sắt quốc gia, cải tạo trực đường sắt xuyên tâm đạt các yêu cầu: phục vụ tàu chạy khách thống nhất, tàu liên vận, tàu du lịch và tàu đô thị.

Đáng chú ý, ngày 14/2/2019, tại tờ trình về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cđường sắt cao tóc Bắc - Nam, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lựa chọn ga Hà Nội là điểm đầu của dự án đường săt cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, mới đây Bộ này lại kiến nghị ga đầu mối tuyến đường sắt quốc gia là vị trí tổ hợp Ngọc Hồi của dự án DA Ngọc Hồi- Yên Viên.

Bộ GTVT cũng mong muốn chỉ làm chủ đầu tư với phần đường sắt quốc gia trong khu tổ hợp ga Ngọc Hồi, các hạng mục còn lại thuộc tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên (gồm cả phần đường sắt đô thị tại tổ hợp ga Ngọc Hồi) giao UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

Đánh giá về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, trong một văn bản tham gia ý kiến về kế hoạch thực hiện và xử lý thủ tục điều chỉnh DA Ngọc Hồi- Yên Viên mới đây, Bộ KHĐT cho rằng, việc điều chỉnh dự án đang trong quá trình thực hiện phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Vì vậy, Bộ GTVT cần làm rõ cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh tổng mức đầu tư và chịu trách nhiệm toàn diện về việc điều chỉnh dự án theo đúng Luật đầu tư công và các quy định pháp luật liên quan.

Còn đề xuất chọn ga Hà Nội hay tổ hợp ga Ngọc Hồi làm đầu mối tuyến đường sắt quốc gia, Bộ quản lý nhà nước về đầu tư cho biết, hiện nay, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang tiến hành xem xét, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, do đó chưa có căn cứ để xem xét đề xuất này của Bộ GTVT.

Việc tiếp tục thực hiện Tổ hợp Ngọc Hồi cần được xem xét trong tổng thể dự án. Bộ GTVT cần làm rõ tiến độ, nguồn vốn, hiệu quả đầu tư để dồng bộ khai thác tổ hợp này trong phạm vi đầu tư toàn thể dự án.

Về kiến nghị giao UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư các hạng mục còn lại thuộc tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên của Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT đề nghị Văn phòng Chính phủ nghiên cứu có ý kiến với UBND TP Hà Nội về nội dung này.

Phi Hùng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/du-an-duong-sat-ngoc-hoi-yen-vien-du-nguon-von-van-kho-trien-khai-vi-sao-479506.html