Dự án KDL và giải trí Sông Lô - Khánh Hòa: Hơn 20 năm sai phạm và lãng phí

Ông Nguyễn Văn Bình (SN 1954, ngụ P.Lộc Thọ, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) là thương binh hạng 4/4, tỷ lệ thương tật 31% và nhiễm chất độc hóa học, cũng là đại diện các hộ dân liên quan đến những dấu hiệu sai phạm tại Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô khiếu nại, phản ánh đến các cơ quan chức năng và Chuyên đề Báo Công an TPHCM. Điều kỳ lạ là suốt hơn 20 năm qua, dự án để nhiều khu đất hoang hóa, trong khi người dân không có nơi canh tác và còn tồn tại nhiều vấn đề khiếu nại kéo dài ...

Phê duyệt một nơi, cho thuê một nẻo

Trải qua rất nhiều lần thanh, kiểm tra và báo cáo, ngày 02-6-2022, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3425/VPCP-V.I về việc kiểm tra phản ánh, kiến nghị liên quan đến Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô (Dự án), tại xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo: "Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan liên quan làm rõ nội dung kiến nghị liên quan đến Dự án để thống nhất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-7-2022".

Bên cạnh đó, theo đơn thư của ông Nguyễn Văn Bình, đại diện cho nhiều hộ dân bị ảnh hưởng Dự án gửi đến Chuyên đề Báo Công an TPHCM (ngày 11-6-2022) trình bày, năm 2001 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cho Công ty TNHH thương mại - xây dựng Hoàn Cầu thuê đất thời hạn 50 năm, diện tích hơn 170 héc-ta, nhưng đến năm 2007 Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang.

Người dân phản ánh Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô có dấu hiệu lập bản đồ giả, lập bản đồ vi phạm quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, cấp CNQSDĐ cho công ty khác mà không phải công ty được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, vì sao lại để xảy ra sân golf 18 lỗ tồn tại khi chưa được cấp phép đầu tư.... trong Dự án này?

Người dân thắc mắc: Thủ tướng phê duyệt cho Công ty TNHH thương mại - xây dựng Hoàn Cầu, nhưng tại sao UBND tỉnh Khánh Hòa lại cấp GCNQSDĐ cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang? Công ty này là pháp nhân độc lập với công ty đã được Thủ tướng phê duyệt. Chưa hết, Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 9-3-2001 của Thủ tướng phê duyệt cho Công ty TNHH thương mại - xây dựng Hoàn Cầu thuê đất có mã số doanh nghiệp 0301448451, địa chỉ 141, Võ Văn Tần, Q3, TPHCM. Tại khoản 1, Điều 2, Quyết định 252 QĐ-Ttg nêu: "UBND tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm xác định cụ thể mốc giới trên bản đồ và trên thực địa, đăng ký vào sổ địa chính Nhà nước, ký hợp đồng thuê đất, cấp GCNQSDĐ cho Công ty TNHH thương mại - xây dựng Hoàn Cầu.

Vậy mà trong 2 năm 2007 và 2009, UBND tỉnh Khánh Hòa lại cấp nhiều "Chứng nhận quyền sử dụng đất", mục đích là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh (thời hạn đến năm 2051) cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang. Trong khi đó, công ty này được thành lập vào 31-12-2003, hạch toán độc lập, không phải Công ty TNHH thương mại - xây dựng Hoàn Cầu như nêu tại Quyết định 252/QĐ-Ttg của Thủ tướng. Việc này cũng trái với khoản 2, Điều 3 "Hợp đồng thuê đất số 34/2001/HĐ-TĐ ngày 6-11-2001" của Sở Địa chính tỉnh Khánh Hòa, nêu là cho Công ty TNHH Hoàn Cầu thuê đất.

Ông Nguyễn Văn Bình bức xúc đất bị thu hồi để hoang hóa

Ông Nguyễn Văn Bình bức xúc đất bị thu hồi để hoang hóa

Cần phải thỏa thuận

Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang do Sở KH&ĐT cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 31-12-2003, GPKD số 3702000569. Thành viên góp vốn ban đầu: Trần Thị Hường vốn góp 59.504.000.000 đồng chiếm 55,1%. Nguyễn Quốc Mỹ vốn góp 48.406.000.000 đồng, chiếm 44,9%. Giấy phép thay đổi lần 7, ngày 17-4-2007, thành viên góp vốn là: Trần Thị Hường vốn góp 334.596.625.380 đồng, chiếm 54,69%. Nguyễn Chấn vốn góp 147.231.083.594 đồng, chiếm 24,06%. Nguyễn Quốc Cường (Quốc tịch Canada) vốn góp 65.000.000.000 đồng, chiếm 10,62%. Nguyễn Quốc Toàn (Quốc tịch Canada) vốn góp 65.000.000.000 đồng, chiếm 10,62%. Tại đây cho thấy việc cá nhân có quốc tịch là người nước ngoài góp vốn tại lần thay đổi GPKD lần 7 của Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang. Trong khi đó, tại Hợp đồng thuê đất số 34/2001/HĐ-TĐ của Sở Địa chính là chưa có cá nhân góp vốn người nước ngoài.

Người dân bức xúc, bởi là Dự án kinh doanh thương mại, trên cơ sở thỏa thuận, nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa lại đền bù theo giá Nhà nước thu hồi. Dự án hình thành từ nguồn vốn không phải ngân sách Nhà nước và nguồn vốn nước ngoài, vì vậy trình tự thủ tục đảm bảo trên nguyên tắc thỏa thuận. Tại trang 4, phần B, Mục II, Điểm 2 - Kết luận Thanh tra số 22/KLTT-TTHN, ngày 26-11-2003 Vụ IV nêu: "Dự án hình thành từ nguồn vốn không phải ngân sách Nhà nước và nguồn vốn nước ngoài, vì vậy trình tự thủ tục đảm bảo trên nguyên tắc thỏa thuận...".

Điều đáng nói, Dự án chưa được cấp có thẩm quyền cấp Giấy phép đầu tư cho Công ty TNHH thương mại - xây dựng Hoàn Cầu. Đến tận năm 2011, Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, đây là tổ chức kinh tế sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh được Nhà nước cho thuê đất nên không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng quy định tại Điều 27 của Luật Đất đai năm 1993 và Điều 1 Nghị định 22/1998/NĐ-CP.

Vì vậy, vào thời điểm triển khai Dự án vào năm 2001, UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND TP.Nha Trang không thể tự ý thực hiện việc thu hồi đất của các hộ dân. Thay vào đó, Công ty TNHH thương mại - xây dựng Hoàn Cầu muốn có đất thực hiện Dự án thì buộc phải bồi thường với các hộ dân có quyền sử dụng đất trên nguyên tắc thỏa thuận. "Trong Dự án này, việc UBND tỉnh Khánh Hòa bồi thường cho các hộ dân theo giá Nhà nước quy định khi thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là có dấu hiệu làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân và làm lợi cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang, nên cần được Chính phủ làm rõ”, ông Nguyễn Văn Bình phản ánh.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty TNHH thương mại - xây dựng Hoàn Cầu thuê đất

Người dân bức xúc

Có thể nói Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô "không tồn tại" ngay khi vừa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương cho Công ty TNHH thương mại - xây dựng Hoàn Cầu thuê đất vào năm 2001. Bởi sau đó UBND tỉnh Khánh Hòa lại triển khai một dự án mang tên "Dự án Khu du lịch và Giải trí Nha Trang" và cấp giấy CNQSDĐ cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang, là công ty thành lập bởi pháp nhân vào ngày 31-12-2003.

Cụ thể, tại nội dung của trang 8, Kết luận Báo cáo Kết quả Thanh tra số 1742/TTCP-V4, ngày 23-9-2005 nói về công ty này: "Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật công ty, tranh thủ chính sách kêu gọi đầu tư của tỉnh Khánh Hòa, Công ty đã thực hiện chiến lược đầu tư kinh doanh với phương châm nhận được nhiều dự án, nhiều đất, chưa đầu tư rầm rộ, mà thực hiện kế hoạch dàn trải chờ thời cơ, vốn điều lệ đăng ký ít, theo địa vị pháp lý doanh nghiệp là Công ty TNHH, nên chỉ chịu trách nhiệm pháp lý về phần vốn hữu hạn của mình, trong khi khối lượng dự án được giao có quy mô về sử dụng đất và tổng mức đầu tư lớn.

Đối với UBND tỉnh Khánh Hòa và các Sở, ngành liên quan: UBND tỉnh Khánh Hòa chưa chỉ đạo kịp thời các Sở, ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc đền bù GPMB, xác định giá nộp tiền sử dụng đất, thiếu đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện các dự án của chủ đầu tư đã được phê duyệt. Việc UBND tỉnh Khánh Hòa trong thời gian ngắn (từ năm 2001 đến năm 2004) tập trung giao cho Công ty Hoàn Cầu Nha Trang một khối lượng dự án lớn.

Đặc biệt, việc giao thực hiện 03 dự án đầu tư khu Công nghiệp Ninh Thủy, khu dân cư Ninh Long và khu dân cư Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa, với tổng diện tích 684,37 héc-ta, tổng mức đầu tư 891,36 tỷ đồng là chưa tính toán hết các điều kiện khả thi cho dự án trên cơ sở năng lực của nhà đầu tư, địa vị pháp lý của doanh nghiệp và đầu ra của thị trường, dẫn đến dự án triển khai chậm, lãng phí tài nguyên đất đai...".

Mặc dù đã có rất nhiều đoàn thanh tra có kết luận về vụ việc này, nhưng các kết luận chưa được người dân bị thu hồi đất đồng tình dẫn đến khiếu nại kéo dài và tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lập Đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra lại toàn diện Dự án. Bởi theo phản ánh của người dân, hiện Dự án đã đưa vào sử dụng một số hạng mục, còn lại để đất hoang hóa rất lớn suốt hơn 20 năm qua, đề nghị thu hồi phần đất hoang hóa trả lại quyền sử dụng đất cho các hộ dân, nhất là các hộ dân có đất bị thu hồi nằm ngoài ranh quy hoạch.

Ngoài ra, cần công khai quyết định phê duyệt và bản đồ quy hoạch chi tiết Dự án là bao nhiêu héc-ta. Yêu cầu doanh nghiệp đền bù theo giá thỏa thuận đối với những hộ dân trong ranh quy hoạch, đối với các hộ dân đã nhận đền bù với giá quá thấp phải xem xét lại vì đây là Dự án kinh doanh, thương mại...

Thời điểm năm 2007, ông Nguyễn Chiến Thắng là Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký GCNQSDĐ cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang, sau đó ông này giữ chức Chủ tịch, vừa bị TAND tỉnh Khánh Hòa ngày 13-4-2022 tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù và 6 đồng phạm về tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai..." trong 2 dự án trên núi Chín Khúc. Chưa hết, đầu tháng 7-2022, ông Thắng tiếp tục bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa kết luận điều tra chuyển sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố cùng 2 thuộc cấp vi phạm các quy định về quản lý đất đai, xảy ra tại Tổ hợp khách sạn - căn hộ du lịch cao cấp Nha Trang Golden Gate.

Văn Toàn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/hon-20-nam-sai-pham-va-lang-phi_133804.html