Dự án 'khổng lồ' Ia Mơr với những kỳ vọng ban đầu

Công trình thủy lợi khổng lồ Ia Mơr được đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, làm xong không có...vùng tưới, không phát huy được hiệu quả.

Đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng dự kiến tưới cho khoảng 14.500 ha đất nông nghiệp, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho một vùng biên giới rộng lớn ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, khi công trình thủy lợi này hoàn thành lại đối diện với thực tế: không có vùng tưới!?

Hồ thủy lợi Ia Mơr

Hồ thủy lợi Ia Mơr

Những căn cứ ban đầu của dự án thủy lợi "khổng lồ"

Mặc dù sở hữu diện tích đất lớn nhưng Ia Mơr lại là xã biên giới đặc biệt khó khăn, dân cư thưa thớt. Đất đai rộng lớn nhưng đa phần khô hạn, quanh năm thiếu nước tưới, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nguồn nước mưa.

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy nông nghiệp vùng biên giới đặc biệt khó khăn này phát triển, giúp ổn định dân cư địa phương và định hình vùng kinh tế mới, quản lý hiệu quả vấn đề di dân tái định cư, năm 1998, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu xây dựng dự án đa mục tiêu Ia Mơ.

Đến ngày 27/10/2005, Bộ NN&PTNT ban hành quyết định số 2954 phê duyệt sự án xây dựng hồ chứa nước Ia Mơ với 2 hợp phần: cụm công trình hồ chứa nước Plei Pai - đập dâng Ia Lốp (rộng khoảng 600 ha) theo quy hoạch tưới khoảng 2.000 ha đất nông nghiệp và hồ chứa nước Ia Mơr (rộng hơn 3.000 ha) tưới cho khoảng 12.500 ha đất nông nghiệp.

Đoàn công tác Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra thực địa cây rừng và công trình ngày 21/9 vừa qua.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Với 2 hợp phần như vừa nêu, công trình thủy lợi Ia Mơ này là công trình đa mục tiêu bao gồm cả kinh tế - chính trị và xã hội.

“Mục tiêu Hồ Ia Mơr lúc đầu cũng như bây giờ đều khẳng định có 3 mục tiêu chủ yếu, thứ nhất là an ninh quốc phòng vì đây là vùng biên giới. Thứ hai là phục vụ di dân, tái định cư cả tại chỗ và vùng khác về, vì quỹ đất ở đây rất nhiều. Thứ ba là tưới cho cho khoảng 14.000ha lúa và cây trồng khác. Hồ tích nước theo thiết kế là khoảng 180 triệu m3, có thể nói đây là kho nước khổng lồ đối với Tây Nguyên”, ông Hiệp cho biết.

Theo thiết kế đã được xây dựng, 180 triệu m3 nước sẽ phục vụ tưới cho khoảng 14.500 ha đất nông nghiệp. Trong đó, 10.350 ha thuộc địa bàn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và khoảng 4.000 ha thuộc huyện Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc.

Với quy mô công trình và quy hoạch vùng tưới như trên thì công trình thủy lợi được gọi là khổng lồ này mới chỉ đáp ứng được 25% những diện tích cần nước tưới ở Tây Nguyên nói chung.

Đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng công trình thủy lợi khổng lồ Ia Mơr dự kiến tưới cho khoảng 14.500 ha, nhưng thực tế hoàn thành lại không có... vùng tưới.

Vì vậy ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục xây dựng công trình, Bộ NN&PTNT khẳng định, việc xây dựng nhóm công trình thủy lợi Ia Mơr là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đầu tư đúng khu vực.

“Qua thực tế Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu và khảo sát thì riêng diện tích nông nghiệp cần nước của vùng Tây Nguyên, công trình thủy lợi mới chỉ đáp ứng được 25%”, ông Nguyễn Hải Thanh nói.

Người dân kỳ vọng...

Với đặc thù là vùng biên giới tiếp giáp với Campuchia, đại đa số là người đồng bào các dân tộc ít người, lối sống lạc hậu, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa nên khi nhóm công trình thủy lợi khổng lồ này được quyết định xây dựng, từ lãnh đạo Bộ NN&PTNT, chính quyền địa phương và đặc biệt là người dân bản địa đặt nhiều kỳ vọng công trình đem lại sự đổi thay cho vùng đất cằn cỗi này.

Gia đình ông Rơ Mah Tú xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai là hộ nghèo “bền vững” trong suốt những năm qua bởi làm nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thường xuyên mất mùa, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ vào mùa mưa. Khi thủy lợi Ia Mơr được xây dựng cùng với quy hoạch tưới cho cả một vùng rộng lớn, ông Tú hy vọng cuộc sống gia đình cũng sẽ đổi thay, xóa được đói nghèo.

Tthực trạng sử dụng đất với cây rừng thưa thớt.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho biết, chính quyền xã cũng đặt nhiều kỳ vọng vào công trình thủy lợi Ia Mơr, với mong muốn nơi đây sẽ trở thành một vùng đất trù phú, là vựa cây nông nghiệp cho cả khu vực Tây Nguyên và vùng đất Nam Bộ.

“Công trình Thủy lợi Ia Mơr khi bắt đầu triển khai thực hiện bà con nhân dân trên địa bàn xã Ia Mơr rất háo hức, mong chờ để có hy vọng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình”, ông Nguyễn Tuấn Anh nhớ lại.

Theo thiết kế, công trình thủy lợi Ia Mơr này không chỉ phục vụ tưới cho những diện tích đất nông nghiệp khô hạn vốn có của đồng bào dân tộc ít người tại chỗ mà công trình thủy lợi còn được quy hoạch tưới cho hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp sản xuất theo hướng công nghệ cao. Từ đó tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, thay đổi diện mạo của vùng biên giới vốn nghèo khó và lạc hậu.

Hơn thế nữa, công trình thủy lợi khổng lồ này được xây dựng với kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng di dân tự do ở Tây Nguyên, hình thành vùng dân cư tập trung, ổn định biên giới.

Thế nhưng, 14 năm trôi qua, sau rất nhiều kỳ vọng của cả chính quyền và người dân Tây Nguyên, nhóm công trình thủy lợi "khổng lồ" Ia Mơ đã cơ bản hoàn thành nhưng diện mạo vùng biên này vẫn chưa mấy đổi thay. Hơn thế nữa, công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia này đang phải đối mặt với một thực tế kỳ quặc, đó là: xây dựng xong không có vùng tưới bởi một lẽ đơn giản: diện tích đất được quy hoạch tưới trước đây của công trình giờ vẫn đang là...rừng tự nhiên!?

Và thực tế, rừng khộp, rừng nghèo kiệt khó có thể chuyển sang đất nông nghiệp. Vậy là công trình thủy lợi 3.000 tỷ đã hoàn thành nhưng vẫn chưa...có vùng tưới.

Dư luận đặt câu hỏi: ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi xây dựng báo cáo tiền khả thi dự án này?

VOV.VN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Công Bắc-Lê Bình/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/du-an-khong-lo-ia-mor-voi-nhung-ky-vong-ban-dau-964921.vov