'Dự án khu du lịch Hương Sơn có nguy cơ phá vỡ cảnh quan, môi trường'

Liên quan tới đề xuất của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường về việc đầu tư xây dựng dự án du lịch tâm linh Hương Sơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Kiến trúc sư Lương Tiến Dũng – Phó trưởng khoa Quy hoạch Đô thị & Nông thôn, Đai học Kiến trúc Hà Nội.

Bản đồ khu du lịch Hương Sơn. Ảnh do KTS Lương Tiến Dũng cung cấp.

Bản đồ khu du lịch Hương Sơn. Ảnh do KTS Lương Tiến Dũng cung cấp.

KTS Lương Tiến Dũng cho biết, đối với dự án này, cần làm rõ một số vấn đề về đề xuất của doanh nghiệp, cụ thể là sự phù hợp với quy định pháp luật đầu tư xây dựng khu du lịch Hương Sơn.

Đề xuất Dự án khu du lịch Hương Sơn của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cần phải tuân thủ theo pháp luật về Đầu tư, pháp luật về quy hoạch và xây dựng đó là Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; pháp luật về di sản văn hóa và du lịch như Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch; pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên như Luật Bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật bảo vệ tài nguyên nước

Khu du lịch Hương Sơn cần phải đảm bảo tuân thủ theo các Quy hoạch có liên quan như Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng đồng bằng Sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 11/11/2013; Quy hoạch chung Thành phố Hà Nội; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thành phố Hà Nội; Quy hoạch chung xây dựng huyện Mỹ Đức; Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn.

Căn cứ theo các Quy hoạch đó thì Khu du lịch Hương Sơn không nằm trong danh mục các khu du lịch quốc gia. Hơn nữa, khu vực xã Hương Sơn được xác định rất rõ là phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, thủy sản với chức năng chính hỗ trợ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, chăn nuôi, chuyển giao công nghệ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề… tập trung phát triển lợi thế về du lịch lễ hội, tâm linh và du lịch sinh thái vùng Hương Sơn.

Đặc biệt khu vực này không được xác định có chức năng du lịch nghỉ dưỡng theo như đề xuất của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.

Với những giá trị đặc biệt của danh thắng Hương Sơn, ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2090/QĐ-TTg công nhận di tích lịch sử văn hóa và quần thể thắng cảnh Hương Sơn là di tích Quốc gia đặc biệt. Do đó, dự án cần làm rõ và tuân thủ theo quy định về khu vực bảo vệ II theo Luật Di sản văn hóa.

Bản đồ quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan - Khu du lịch Hương Sơn, Hà Nội. Ảnh do KTS Lương Tiến Dũng cung cấp.

Theo chuyên môn của KTS Lương Tiến Dũng, ông đánh giá dự án khu du lịch Hương Sơn có nguy cơ phá vỡ cảnh quan, môi trường.

Ông cho biết, quần thể thắng cảnh Hương Sơn có hệ sinh thái, thảm thực vật đa dạng, phong phú, là một khu dự trữ thiên nhiên quan trọng bảo tồn các loài động vật quí hiếm, là rừng phòng hộ và nằm trong vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội. Do đó, nếu xây dựng nhiều công trình, đặc biệt là các công trình nghỉ dưỡng sẽ không tránh khỏi việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Hơn nữa, việc cải tạo nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy có thể sẽ dẫn tới ảnh hưởng tới môi trường nước, làm thay đổi dòng chảy, nguồn nước, cấu trúc cảnh quan mà thiên nhiên đã tạo dựng.

Ngoài ra, nhìn nhận từ góc độ đạo đức và tâm linh, KTS Lương Tiến Dũng đánh giá là “Không nên làm ảnh hưởng, phá vỡ giá trị tâm linh đã có từ bao đời”.

“Quần thể di tích Chùa Hương gồm hệ thống đình, đền, chùa, hang, động tọa lạc rải rác quanh dãy núi Hương Sơn ở 5 thôn: Yến Vỹ, Đục Khê, Hội Xá, Tiên Mai và Phú Yên. Không gian di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Chùa Hương trong hệ núi non, sông nước kỳ vỹ, điệp điệp trùng trùng và huyền ảo. Các tuyến hành hương tới các di tích Phật giáo đã được phân chia rõ nét từ bao đời nay.

Ông Dũng đặt câu hỏi: “Có nên xây dựng thêm một tuyến tâm linh mới, quang cảnh mới, chùa mới, tháp mới to cao lạ lẫm mà làm ảnh hưởng lớn tới ý nghĩa tâm linh hiện có hay không; Đó có phải là tô điểm thêm cho cảnh sắc, hoàn thiện về ý nghĩa tâm linh hay là lấn át những giá trị đã có từ bao đời?”

Kiến trúc sư Lương Tiến Dũng - Phó trưởng Khoa Quy hoạch Đô thị & Nông thôn - Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Trước đó, trong công văn số 5360/KH&ĐT-NNS gửi UBND TP Hà Nội về việc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề nghị đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn, Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho biết, doanh nghiệp Xuân Trường đã có văn bản đề xuất dự án từ tháng 7/2018.

Theo đề xuất, doanh nghiệp sẽ xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức với quy mô khoảng 1000 ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao của tỉnh Hà Nam, phía tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam), tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng theo Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội, trong hơn 1.000 ha mà doanh nghiệp đề xuất thực hiện dự án thì có hơn 400 ha chồng lấn với các dự án khác.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về các phản hồi đối với đề xuất thực hiện dự án này.

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/du-lich/du-an-khu-du-lich-huong-son-co-nguy-co-pha-vo-canh-quan-moi-truong-53539