Dự án kiểm soát thần kinh con người 'MK-ULTRA' tàn nhẫn của CIA

Cách đây hơn 60 năm, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thực hiện các cuộc thử nghiệm bất hợp pháp và 'tàn ác đến không thể tưởng tượng nổi' trên cơ thể con người. Dự án kinh hoàng này mang tên 'MK-ULTRA', nhằm tạo ra một loại thuốc có thể 'điều khiển con người' với mục tiêu giành chiến thắng trong cuộc chiến tình báo với Liên Xô và cho các mục đích giải trí khác.

Cậu bé Naomi Klein, nạn nhân làm vật thí nghiệm cho dự án “MK-ULTRA”

Cậu bé Naomi Klein, nạn nhân làm vật thí nghiệm cho dự án “MK-ULTRA”

Dự án MK-ULTRA do Tiến sĩ Sidney Gottlieb đứng đầu, chính thức khởi động từ ngày 13-4-1953 theo lệnh của Giám đốc CIA hồi đó là Allen Welsh Dulles. MK-ULTRA diễn ra trong 7 năm với mục đích cuối cùng là sản xuất ra các loại thuốc dùng để kiểm soát, can thiệp điều khiển trí óc con người. Vì vậy, MK-ULTRA còn được gọi là chương trình điều khiển trí óc, trong đó đối tượng nghiên cứu chính là các công dân Mỹ và Canada.

Trở thành “chuột bạch” khi đến chữa bệnh

Năm 1956, bà Velma Orlikow, công dân Canada, đến Viện Điều trị bệnh tâm thần Allan, một bệnh viện uy tín bậc nhất ở Montreal, Canada, để điều trị chứng bệnh trầm cảm hậu sản. Bà phải nhiều lần tới bệnh viện để tiếp nhận điều trị. Điều lạ là phác đồ điều trị lại kéo dài khá lâu, đến những 3 năm.

Cho đến 60 năm sau, khi mà câu chuyện về MK-ULTRA bị phơi bày, Sarah Anne Johnson, một nữ họa sĩ 41 tuổi, mới đem câu chuyện của bà Velma Orlikow - bà ngoại cô kể với Inverse, một tờ báo uy tín tại Canada, về những nghi ngờ mà cô cho rằng bà Velma Orlikow trở thành mẫu thí nghiệm của dự án suốt 3 năm mà không hề hay biết.

Một số nạn nhân chịu đau đớn qua thử nghiệm của dự án

Câu chuyện về quá trình điều trị của bà Velma Orlikow được gia đình nhớ mãi bởi phương pháp điều trị khác thường. Thay vì bệnh tình thuyên giảm, tình trạng bệnh của bà Orlikow có dấu hiệu ngày càng nặng thêm. Qua quá trình điều trị, tính cách của bà Orlikow dần dần thay đổi, bà ngày càng có những biểu hiện tâm thần kỳ lạ khiến cho gia đình hết sức lo lắng.

Sự băn khoăn, lo lắng của gia đình bà Orlikow kéo dài hơn 20 năm sau mới được giải thích. Năm 1977, chương trình tẩy não tại Canada được báo chí phanh phui. Thì ra, việc điều trị bệnh cho bà Orlikow tại Viện Allan thực chất là một cuộc thử nghiệm bí mật do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tài trợ và bà Orlikow cũng không phải là người duy nhất bị đem ra thí nghiệm.

Bà ngoại Orlikow mất khi Johnson 13 tuổi. Nhiều năm sau, khi đã trưởng thành và hiểu chuyện, Johnson bắt đầu tìm kiếm sách báo cũ đọc lại để tìm hiểu về những gì đã xảy ra với bà ngoại mình năm xưa và đã phát hiện ra sự thật khủng khiếp. Johnson từng bước khám phá ra rằng có đến hàng trăm người đến điều trị tại Viện Allan và cũng bị đưa ra thử nghiệm như bà ngoại mình. Đó chỉ là một trong hàng trăm thí nghiệm tẩy não thuộc một dự án chung do CIA tài trợ và được thực hiện khắp khu vực Bắc Mỹ, có tên gọi là MK-ULTRA.

Bà Velma Orlikow, nạn nhân của Dự án “MK-ULTRA” tại Canada

17 thủ thuật tác động vào trí não con người

Theo các tài liệu lưu trữ, dự án MK-ULTRA được thai nghén từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Khi ấy, Chính phủ Mỹ phát hiện một số binh sĩ từng bị bắt làm tù binh trở về có biểu hiện khác lạ như ca ngợi chủ nghĩa cộng sản, phê phán chính quyền một cách gây gắt. Washington nghi ngờ rằng trong quá trình bị giam giữ, những người lính này có thể đã trải qua một cuộc thí nghiệm tẩy não và “bơm” vào những tư duy, ký ức và quan điểm mới. Vậy là, chương trình MK-ULTRA được Giám đốc CIA khi đó là Allen Welsh Dulles ký lệnh triển khai vào ngày 13-4-1953. Do thí nghiệm được thực hiện trên con người đang sống nên dự án đụng chạm nhiều khía cạnh xã hội rất phức tạp, đặc biệt là vấn đề đạo đức và nhân quyền. Chính vì vậy, dự án được tiến hành trong vòng bí mật tuyệt đối.

Ngoài Mỹ, CIA còn thực hiện dự án ở Canada. Chương trình thí nghiệm tẩy não do CIA tài trợ ở Canada kéo dài trong 10 năm, từ năm 1955 đến năm 1965. Khi đưa dự án MK-ULTRA đến Canada, CIA tài trợ 4 triệu USD thông qua tổ chức bình phong là Hội Khảo sát sinh thái người.

Dù thực hiện ở đâu, chương trình của CIA cũng đưa ra 17 thủ thuật nhằm tác động vào trí não với chủ đích thay đổi suy nghĩ của con người. Các thủ thuật này hết sức tàn nhẫn và gây đau đớn tột cùng cho những người trong thí nghiệm. Đầu tiên, các nạn nhân bị tiêm các loại thuốc như các loại ma túy mạnh gây ra ảo giác, thuốc an thần, liệu pháp thôi miên, tác nhân sinh học và phóng xạ. Ngoài việc dùng thuốc, trong dự án, CIA còn sử dụng kỹ thuật sốc điện nặng, hành hạ thể chất lẫn tinh thần. Mục đích của dự án là tạo ra những “Manchurian candidates” - các ứng viên Mãn Châu - được lập trình để thực hiện những vụ ám sát hoặc những nhiệm vụ bí mật theo lệnh của CIA.

Nạn nhân trải qua liệu pháp “điện giật” với điện áp khá cao vài lần trong ngày, sau đó cho họ tiếp tục được dùng thuốc tạo giấc ngủ sâu cùng với tiêm thuốc gây ảo giác. Nhồi nạn nhân liên tục như thế trong nhiều tháng, nhiều năm có thể biến họ thành những người có trí óc và năng lực hành vi như trẻ con và tước đi các kỹ năng cơ bản khiến họ không thể tự mặc quần áo hay tự buộc dây giày.

Tiếp theo là quy trình “tái lập trình”, các nạn nhân bị nhồi vào đầu những thông điệp ghi âm sẵn mỗi lần liên tục trong 16 giờ. Đầu tiên là những thông điệp tiêu cực về những khiếm khuyết của họ, sau đó là những thông điệp tích cực. Đôi khi những thông điệp này được lặp đi lặp lại hàng triệu lần. Sự nhồi sọ bằng âm thanh dồn dập và mạnh đến mức có thể khiến cho họ trở nên điên dại, mất kiểm soát bản thân, có những hành vi nguy hiểm như đâm đầu vào tường.

Sau này, khi nhiều tài liệu của dự án bị lộ, người ta không khỏi kinh hoàng khi biết CIA đã dùng các thủ thuật vô nhân tính tác động đến tâm trí như gây cảm giác gần như chết đuối, sốc điện, bỏ đói hoặc khát, không cho ngủ, làm gãy hoặc vẹo hông, làm ngạt thở, hoặc cưỡng ép mang thai, dùng các phương pháp nhân tạo để gây rối loạn...

Viện tâm thần Allan được CIA tài trợ trong dự án

Hậu quả còn kéo dài nhiều năm

Năm 1975, thảm họa nghiên cứu này tại Mỹ bị tờ New York Times phanh phui. Sau đó, dự án này bị Ủy ban Tôn giáo của Quốc hội (CC) Mỹ đưa ra công chúng và một ủy ban khác có tên là Rockefeller (RC) tiến hành điều tra. Tuy nhiên, việc điều tra của hai cơ quan nói trên bị Giám đốc CIA Richard Helms cản trở khi ông này ra lệnh hủy toàn bộ những gì liên quan. Động thái này buộc cơ quan điều tra phải dựa vào tuyên thệ của những người trực tiếp tham gia và lượng rất nhỏ hồ sơ còn sót lại.

Năm 1997, dựa theo Đạo luật Tự do thông tin (FIC), người ta khôi phục được 20.000 tài liệu khác nhau có liên quan đến dự án “MK-ULTRA” và sau đó Thượng viện Mỹ nghe giải trình toàn bộ sự thật. Theo số liệu điều tra, CIA chi khoảng 10 triệu USD (khoảng 80 triệu USD theo thời giá hiện tại) cho dự án nhưng kết quả thu về thì thật thảm bại.

Còn ở Canada, năm 1977, báo chí Canada bắt đầu đăng tải những bí mật xung quanh chương trình MK-ULTRA và dự án thí nghiệm tại Viện tâm thần Allan. Năm 1980, một loạt phim tài liệu về dự án này mang tên The Fifth Estate đã được trình chiếu trên truyền hình và tạo nên làn sóng đòi công lý cho các nạn nhân. Tuy nhiên, cuộc chiến pháp lý để đòi lại công bằng của các nạn nhân và gia đình họ cũng hết sức gian nan.

Đầu thập niên 1990, sau nhiều năm giằng co pháp lý, Chính phủ Canada đã đồng ý bồi thường cho 77 nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng về nhân cách và sức khỏe tâm thần, mỗi người được nhận 78.000 USD. Hơn 250 nạn nhân khác đã bị từ chối bồi thường vì mức độ ảnh hưởng của thí nghiệm chưa đến mức nghiêm trọng.

Từ đó đến nay, cuộc chiến đòi công lý của các nạn nhân vẫn tiếp tục. Năm 2015, gia đình bà Velma Orlikow đã được chính phủ Canada bồi thường 78.000 USD. Gần đây nhất, tháng 3-2017, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau tiếp tục bồi thường cho một số nạn nhân. Tổng cộng đã có 90 nạn nhân được bồi thường, số còn lại vẫn tiếp tục cuộc chiến pháp lý.

Hoàng Tiến (Theo Inverse.com)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/du-an-kiem-soat-than-kinh-con-nguoi-mkultra-tan-nhan-cua-cia/775754.antd