Dự án làm 'nghèo thêm' một tỉnh nghèo

Ngày 13-10-2009, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 1852/QĐ-UBND phê duyệt dự án công trình hồ chứa nước Ẳng Cang (xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng). Đây là công trình thủy lợi lớn nhất, hiện đại nhất trên địa bàn huyện với kỳ vọng sẽ góp phần đem lại ấm no cho người dân của một trong những huyện nghèo nhất nước. Tuy nhiên thực tế dự án này lại đang làm 'nghèo thêm' một tỉnh nghèo.

Đập bê-tông tràn xả lũ hồ chứa Ẳng Cang mới làm được một nửa.

Đập bê-tông tràn xả lũ hồ chứa Ẳng Cang mới làm được một nửa.

Nhọc nhằn nơi tái định cư

Với tổng mức đầu tư hơn 355 tỷ đồng (cao gấp hơn hai lần so với tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2010), theo thiết kế, hồ Ẳng Cang có dung tích hơn 4,4 triệu mét khối, trong đó dung tích hữu ích 3,8 triệu mét khối. Công trình hoàn thành vào năm 2011 sẽ bảo đảm cấp nước tưới ẩm chủ động cho 1.000 ha cà-phê, 400 ha lúa hai vụ và cấp nước sinh hoạt cho hơn 10.000 hộ dân ba xã Ẳng Tở, Ẳng Cang, Ẳng Nưa và thị trấn Mường Ảng. Hồ còn góp phần cải tạo môi trường sinh thái khu vực và phòng, chống lũ cho vùng dân cư hạ lưu. Nhưng đến nay, đã gần chín năm, cả chủ đầu tư dự án là UBND huyện Mường Ảng và các đơn vị thi công cũng chưa thể trả lời câu hỏi: “Bao giờ hồ Ẳng Cang mới hoàn thành?”.

Trong căn nhà sàn mới dựng trên nền đất mới thuộc khu tái định cư (TĐC) số 1 bản Mánh Đanh (xã Ẳng Cang), ông Lường Văn Bánh (Bí thư Chi bộ bản Mánh Đanh) tiếp chuyện chúng tôi mà không nén được bức xúc. Toàn bản Mánh Đanh có 115 hộ, trong đó 60 hộ phải di dời tái định cư để phục vụ thi công hồ Ẳng Cang. Chờ đợi thấp thỏm gần chục năm trời, giờ bản Mánh Đanh mới có 46 hộ tạm ổn nhà cửa trên nền đất mới; còn hơn hai chục hộ vẫn canh cánh việc dựng nhà và cuộc sống sẽ ra sao?

Chị Quàng Thị Nguyệt, người đầu tiên chuyển nhà lên khu TĐC mới và cũng là người cảm nhận nhiều nhất “khó nhọc TĐC”, tâm sự: “Ngày mới chuyển lên khu tái định cư, gia đình mình vui lắm, bởi như cán bộ dự án nói thì ra đây được hỗ trợ tiền dựng nhà, đường sá thuận lợi, đi lại dễ dàng hơn… Nhưng khi ở rồi mới biết, thực tế thì cái bụng lại đói hơn bởi đất ruộng không còn, đất nương ít, lại cằn cỗi, thiếu nước sản xuất trầm trọng trong khi công trình hồ Ẳng Cang chẳng biết bao giờ mới triển khai tiếp”. Chung cảnh như nhà chị Nguyệt, anh Lường Văn Sơn cho biết thêm: “Trước đây, sáu người nhà tôi trông vào 2.000 m2 ruộng để sống. Giờ hết đất canh tác, vợ chồng tôi phải đi làm thuê cho người ta”.

Chung quanh câu chuyện về khó khăn của người dân bản Mánh Đanh, ông Lường Văn Bánh quả quyết: “Khó khăn nhiều lắm, nói cả ngày cũng không hết được”. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về nỗi khó nhọc khi đi lấy tiền đền bù TĐC. Ông bảo: “Suốt thời gian qua, chúng tôi chẳng làm được việc gì yên bởi chầu chực nhận đủ tiền TĐC trong 21 lần đã hết thời gian rồi”. Việc nhà rồi lại việc của dân bản, ông Bánh cứ quay như chong chóng mỗi khi nghe tin nhà này có người cãi nhau, nhà kia có người bỏ đi mà phần nhiều nguyên nhân đều bắt đầu bởi TĐC. Như nhà Lường Văn Yến đấy, khi chưa TĐC có đủ vợ đủ chồng, giờ TĐC xong thì vợ bỏ đi đâu không ai biết; nhà cửa mỗi mình Yến làm mãi không xong. Có nhà, tiền đền bù TĐC cứ nhận, về đến đâu tiêu hết đến đó bởi ruộng không có, nương đồi khô cằn. Đưa chúng tôi đi thăm mấy gia đình vừa dựng nhà TĐC nhưng đến nhà nào cũng cửa đóng then cài im ỉm, ông Bánh mới sực nhớ “người ta đi làm thuê đến tối mới về!”.

Lỗi tại ai?

Đem những điều nhìn thấy, nghe thấy về tiến độ công trình hồ Ẳng Cang và cả những khó nhọc của người dân Mánh Đanh “đặt” lên bàn làm việc của ông Nguyễn Trung Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) huyện Mường Ảng (đơn vị được giao đại diện chủ đầu tư dự án hồ Ẳng Cang), chúng tôi nhận được câu trả lời khá thẳng thắn. Thừa nhận tiến độ chậm, thừa nhận trách nhiệm Ban QLDA nhiều hạn chế, ông Nguyễn Trung Chính cũng thừa nhận cả sự “bất lực” của chủ đầu tư với nhà thầu. Bởi đã nhiều năm rồi các nhà thầu đồng loạt… dừng thi công, mặc Ban QLDA hết lần này đến lần khác ra văn bản đôn đốc, đề nghị.

Trong khi đó, số tiền dư tạm ứng của các nhà thầu xây lắp đã lên đến hơn 33 tỷ đồng. Cũng về khó khăn làm ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án, trong rất nhiều văn bản báo cáo cấp huyện, cấp tỉnh và báo cáo các đoàn kiểm tra, giám sát, Ban QLDA đều nêu ra lý do rất “khách quan” là do chế độ, chính sách đền bù TĐC thay đổi, số hộ TĐC cũng thay đổi nên phải điều chỉnh nhiều lần. Nhưng cho dù chính sách thay đổi cũng không thể làm tăng vọt chi phí đền bù TĐC từ 15 tỷ đồng lên 99,5 tỷ đồng như thế (?!). Ở đây, vấn đề căn bản cần được thừa nhận chính là sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm ngay từ khâu khảo sát, lập hồ sơ dự án công trình.

Tiền cho tạm ứng nhiều trong khi khối lượng công việc hoàn thành ít, thay vì một công trường thi công hồ thủy lợi lại chỉ là những bãi đất ngổn ngang. Đập đất mới làm được một nửa nhưng mưa lũ năm nào cũng bào mòn vài trăm mét khối. Riêng năm 2017, nước lớn đánh bay hơn 2.000 m3 từ thân đập. Kế bên là đập tràn xả lũ cũng dở dang, máy móc, thiết bị của các nhà thầu thi công bỏ chỏng chơ, hoen gỉ. Nhìn vào đại công trường ngổn ngang, chẳng mấy người tin đây là “sản phẩm” được đầu tư bởi nguồn vốn 249 tỷ đồng tiền trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương mà UBND tỉnh Điện Biên phải cố gắng lắm mới dành dụm được.

Thay vì nhận trách nhiệm, chỉ rõ nguyên nhân lỗi tại ai, bộ phận nào thì bây giờ, chính đơn vị đầu tiên làm bản thuyết minh tính khả thi xây dựng dự án lại chỉ làm mỗi việc “kêu khó”… vì thiếu vốn, rồi đẩy trách nhiệm cho chính cấp trên của mình. Cuối mỗi năm tài khóa, lãnh đạo tỉnh Điện Biên lại “đau đầu” với việc dành nguồn cho hồ thủy lợi Ẳng Cang. Trong khi chậm ngày nào công trình đội vốn lên cao ngày đấy, với các hạng mục dở dang, đình trệ; đời sống nhân dân TĐC khốn khó và niềm tin của dân cũng vì đó mà vơi dần theo năm tháng. Tại thời điểm này, thay vì nói về tương lai “như vẽ” của hồ Ẳng Cang, nhiều người cho rằng dự án đang góp phần làm “nghèo thêm” một tỉnh vốn đã rất nghèo.

Bài và ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/36026302-du-an-lam-%E2%80%9Cngheo-them%E2%80%9D-mot-tinh-ngheo.html