Dự án Làng Đại học Đà Nẵng: Không dễ để 'tái khởi động'

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1997, tổng diện tích 300ha, trong đó Quảng Nam 190ha, Đà Nẵng hơn 110ha. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, 22 năm qua, dự án vẫn chưa triển khai. Sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, dự án sẽ 'tái khởi động' trong năm 2020 nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập.

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1997, tổng diện tích 300ha, trong đó Quảng Nam 190ha, Đà Nẵng hơn 110ha. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, 22 năm qua, dự án vẫn chưa triển khai. Sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, dự án sẽ "tái khởi động" trong năm 2020 nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập.

Vườn đất bỏ hoang, nhà cửa xuống cấp của người dân tại dự án Làng đại học Đà Nẵng.

Vườn đất bỏ hoang, nhà cửa xuống cấp của người dân tại dự án Làng đại học Đà Nẵng.

Nhiều hệ lụy không thể kiểm soát

Ông Phan Văn Huyến - Chủ tịch UBND P. Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, 2/3 diện tích quy hoạch của dự án Làng đại học nằm trên diện tích của phường, dự án kéo dài quá lâu gây khó khăn cho địa phương trong công tác bảo vệ hiện trạng và quản lý đất đai. Đến nay, dự án mới chỉ triển khai khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng đường bao Làng đại học, tuy nhiên chỉ đền bù và tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng, các hộ bị ảnh hưởng đường bao vẫn chưa được bồi thường thiệt hại và chưa bố trí di dời. Toàn bộ diện tích còn lại thuộc dự án chưa thực hiện kiểm kê bồi thường đất đai...

Vào thời điểm khi công bố quy hoạch dự án, tại P. Điện Ngọc, dự án Làng đại học ảnh hưởng tới 4 khối phố gồm Câu Hà, Tứ Hà, Ngọc Vinh và Tứ Ngân. Trong đó, Khối phố Câu Hà ảnh hưởng toàn bộ diện tích đất đai với 207 hộ dân; Ngọc Vinh ảnh hưởng 1/3 diện tích, 150 hộ dân; Tứ Hà ảnh hưởng 2/5 diện tích, 250 hộ dân; Tứ Ngân ảnh hưởng 1/4 diện tích, 70 hộ dân. Từ năm 1997 đến nay, người dân không được thực hiện một số quyền sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai như tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất... Người dân trong vùng dự án cũng không được xây dựng, cơi nới nhà cửa, việc cấp giấy phép xây dựng cũng không thể thực hiện.

Ông Huyến cho biết, nhiều hộ gia đình, nếu năm 1997 mới chỉ là 2 thế hệ, nay đã tăng lên 4 thế hệ, vì vậy người dân tự ý xây dựng nhà cửa cho con cái đã lập gia đình. Mặc dù địa phương biết nhưng không có cách giải quyết hợp lý vì nhu cầu bức xúc và cần thiết của nhân dân... Trước những bất cập như trên, tình hình xây dựng trái phép diễn ra vô cùng phức tạp, nhất là thời điểm từ năm 2009 đến 2011. Tại khối phố Câu Hà và Tứ Hà đã có 406 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất hoa màu giao cho nhân dân có thời hạn, đất công ích của phường, đã có 3,9ha đất bị chiếm dụng xây dựng trái phép.

Vào năm 2017, một câu chuyện có thật và đã diễn ra "âm thầm" ở Điện Ngọc là, từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm và làm việc về dự án Làng đại học tại Đà Nẵng và Quảng Nam, nhiều đối tượng từ địa phương khác đến dò la tìm mua đất tại khu vực dự án Làng đại học. Mặc dù việc giao dịch đất đai không được cấp thẩm quyền cho phép, những vẫn diễn ra, chính quyền địa phương không kiểm soát được. Đầu năm 2017, UBND P. Điện Ngọc đã có văn bản về việc tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng, nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn, theo quy định, nhà xây dựng trái phép không được cấp giấy tạm trú, tạm vắng. Cho đến thời điểm hiện nay, có khoảng hơn 2.300 hộ dân sinh sống tạm bợ trong khu quy hoạch dự án đô thị Đại học Đà Nẵng, tức là gấp khoảng 10 lần so với năm 1997.

Ông Huyến lo lắng: "Dự án treo hơn 22 năm đã nảy sinh nhiều hệ lụy, trong đó nổi lên là tình trạng xây dựng công trình trái phép. Đến nay, tình trạng xây dựng công trình trái phép trong vùng quy hoạch dự án vẫn diễn ra hết sức phức tạp, chính quyền không thể kiểm soát...".

Đã có hàng trăm ngôi nhà xây dựng trái phép ở dự án Làng đại học Đà Nẵng.

Gian nan giải tỏa đền bù, tái định cư

Không phức tạp như ở P. Điện Ngọc, nhưng ở P. Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) cũng có khoảng 900 hộ dân trong vùng quy hoach khoảng hơn 70ha, thuộc thôn Hải An, Hải An 1, nằm trong dự án Làng đại học. Ông Huỳnh Kim - Chủ tịch UBND P. Hòa Quý cho biết, mặc dù người dân phải sống trong vùng dự án "treo" đã 22 năm, nhưng chính quyền và các ban ngành đã cố gắng tạo điều kiện cho bà con được cung cấp điện, nước đầy đủ, hệ thống đường giao thông được tu sửa, đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi. Tuy nhiên, người dân cũng rất mong muốn dự án sớm triển khai để ổn định đời sống mọi mặt về lâu dài.

Từ giữa tháng 5-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng cùng các ban, ngành liên quan và đã có kết luận với một số nội dung như sau: Thống nhất giữ nguyên ranh giới quy hoạch 190ha Làng đại học Đà Nẵng thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1997. Đề nghị Đại học Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch cục bộ trong từng phân khu bên trong Làng đại học... phân kỳ đầu tư cho hợp lý, lựa chọn đơn vị có năng lực để hợp đồng xây dựng và thực hiện phương án đền bù, giải phóng mặt bằng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và hoàn chỉnh quy hoạch phân khu, xây dựng lại kế hoạch sử dụng đất, gửi UBND tỉnh Quảng Nam xem xét phê duyệt. Thống nhất chủ trương thị xã Điện Bàn lập quy hoạch chi tiết khu dân cư, đô thị hành chính mới Điện Ngọc, khớp nối với quy hoạch Làng đại học Đà Nẵng...

Đề nghị Đại học Đà Nẵng cử đơn vị làm đầu mối liên hệ, làm việc với UBND thị xã Điện Bàn thực hiện điều tra, khảo sát, kiểm kê đất đai, hiện trạng dân cư, vật liệu kiến trúc, nhà ở, các loại đất, hiện trạng đất... Xác định nhu cầu cần bố trí tái định cư đối với dân cư vùng quy hoạch Làng đại học để xây dựng phương án giải tỏa đền bù, tái định cư từng giai đoạn, phù hợp với tiến độ triển khai dự án khu dân cư, đô thị hành chính mới Điện Ngọc.

Hơn 22 năm kể từ khi có dự án đô thị Đại học Đà Nẵng cũng là chừng ấy thời gian hàng nghìn hộ dân trong vùng quy hoạch dự án đô thị Đại học Đà Nẵng sống trong thấp thỏm, lo âu... Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, Quảng Nam lo lắng: "Nan giải nhất của chính quyền địa phương khi dự án đô thị Đại học Đà Nẵng "tái khởi động" là công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư. Hiện số lượng công trình nhà cửa, kể cả công trình xây dựng trái phép, hộ dân tăng gấp nhiều lần so với thời điểm phê duyệt dự án. Tới thời điểm này, đã xác định công tác giải tỏa đền bù dự án đô thị Đại học Đà Nẵng sẽ được thực hiện trong năm 2020, dự kiến kinh phí triển khai giải tỏa đền bù sẽ được bố trí trước 500 tỷ đồng. Hiện phía TP Đà Nẵng cũng đã chủ động giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất đầu tư ngay tại dự án 22ha, dùng ngân sách của thành phố để giải quyết trước mắt.

Hồng Thanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/97_218799_.aspx