Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Minh bạch quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất

Tại Kỳ họp thứ 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cho ý kiến về dự án Luật tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến đề nghị cần minh bạch quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất; hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất theo hướng đảm bảo chặt chẽ, không gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật quan trọng, liên quan đến mọi khía cạnh đời sống kinh tế xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mọi người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội (QH) tại Kỳ họp thứ 4, ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật, ý kiến của Hội nghị Đại biểu QH hoạt động chuyên trách (ngày 6-7/4/2023), Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp các cơ quan có liên quan hoàn thiện Báo cáo Tổng hợp ý kiến của nhân dân; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân, Báo cáo Đánh giá tác động bổ sung đối với những nội dung mới và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trình bày tờ trình dự án Luật tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thông tin, dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.

Về nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thu hồi, trưng dụng đất là nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân. Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.

Dự thảo Luật quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác. Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 74.

Tiếp thu hoàn thiện quy định về trình tự thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan ở từng bước công việc, quy định về việc phối hợp giữa UBND cấp xã và đơn vị, tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Điều 82.

Quy định rõ việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư và bổ sung nguyên tắc không được cưỡng chế thu hồi đất nếu chưa bố trí tái định cư hoặc bố trí tạm cư cho người có đất bị thu hồi tại Điều 84.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, về thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng, có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cơ bản tán thành quy định tại dự thảo Luật như Chính phủ đã trình; đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm quy định đầy đủ, rõ ràng.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc cách quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất như dự thảo Luật, chưa bảo đảm tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc quy định điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng; khó bảo đảm đầy đủ các trường hợp, nhất là các trường hợp có thể phát sinh trong tương lai.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành loại ý kiến thứ hai.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thu hồi đất là chế định mà cử tri và nhân dân rất quan tâm, cũng là chế định xảy ra nhiều khiếu kiện. Do đó, cần minh bạch các quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất theo con đường hành chính để tránh khiếu kiện, đảm bảo đúng tiêu chí.

Với quan điểm quy định càng cụ thể càng tốt, bà Lê Thị Nga tán thành việc dự thảo Luật tách quy định về thu hồi đất thành 2 điều; trong đó Điều 74 quy định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và Điều 75 quy định thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị rà soát lại 2 điều này để quy định thật cụ thể, dự liệu các trường hợp sẽ xảy ra trong thực tế để đảm bảo tính minh bạch của dự án Luật.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục rà soát các trường hợp thu hồi đất, nhất là các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền, không để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi.

Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/du-an-luat-dat-dai-sua-doi-minh-bach-qua-trinh-tieu-chi-dieu-kien-thu-hoi-dat-post475683.html