Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Vẫn còn nhiều nội dung cần làm sáng tỏ

Sáng 4/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (ĐBQH) đã thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Tuy nhiên, nhìn vào nội dung sửa đổi vẫn chưa thấy nhiều điểm mới có thể 'kích' nền giáo dục- đào tạo nước nhà phát triển xứng với kỳ vọng là động lực phát triển của đất nước

Mới những điểm gì?

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV và các Phiên họp thứ 31, 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý có bố cục gồm 10 Chương, 120 Điều quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác; nhà giáo, người học; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục; nhằm mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có ý thức, phẩm chất, năng lực của công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Để thể hiện rõ tính chất “mở”, “liên thông” và mục tiêu “hướng nghiệp”, “phân luồng” của hệ thống giáo dục quốc dân, dự thảo Luật đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng (Điều 9) và liên thông (Điều 10), làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Nhân dân và cử tri kỳ vọng Luật Giáo dục (sửa đổi) phải góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà. (ảnh cô và trò Trường Mẫu giáo Việt Triều Hữu nghị trong giờ học kể chuyện)-Đ.H

Mặt khác, để đảm bảo khối lượng kiến thức văn hóa THPT khi học sinh THCS theo học trình độ cao đẳng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 29 theo hướng: Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, quy định các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội (Điều 28)…

Tại hội nghị, trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VHGDTNTNNĐ)- Phan Thanh Bình cho biết, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật thiết kế quy định mang tính nguyên tắc về chính sách ưu tiên cho nhà giáo phù hợp đặc thù nghề nghiệp (Điều 77). Việc xác định vị thế, vai trò của nhà giáo, về đặc thù ngành giáo dục và quy định cụ thể về chính sách lương, phụ cấp bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp sẽ được Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hóa trong quá trình xây dựng đề án tiền lương mới trên nguyên tắc quy định bởi Luật này.

Đồng thời quy định hiệu trưởng được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý trường học và đạt chuẩn hiệu trưởng (Điều 57). Đối với giáo viên đặc thù và các vị trí việc làm khác trong các cơ sở giáo dục, Thường trực Ủy ban VHGDTNTNNĐ đề nghị giao Chính phủ quy định để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Thường trực Ủy ban cho rằng, hiện nay việc tuyển dụng nhà giáo được thực hiện theo quy định của Luật Viên chức và các luật liên quan trên nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, bảo đảm tính cạnh tranh cho người được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp công lập.

Vì vậy đề nghị giữ quy định này như Dự thảo Luật. Về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật bổ sung quy định việc sử dụng người có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm vào giảng dạy các cấp học phổ thông chỉ áp dụng đối với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm. Đồng thời bổ sung quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và thẩm quyền quy định việc bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn để thống nhất với Luật Giáo dục nghề nghiệp (Điều 73).

Vẫn còn nhiều băn khoăn, giáo viên nên hay không nên là viên chức?

Trong khi chúng ta đang tiến hành công việc tự chủ hóa trong hệ thống bệnh viện và các cơ sở giáo dục công lập theo hướng bỏ cơ chế công chức, viên chức tiến tới mô hình ký hợp đồng lao động, thì một trong những nội dung được giáo viên quan tâm nhất là Luật sửa đổi có quy định rõ về vấn đề viên chức? Nghĩa là nghề giáo là nghề không cần phải công chức hay viên chức Nhà nước? Tuy nhiên nội dung này vẫn chưa được quy định (dẫu thực tế đã có Luật Viên chức).

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ĐBQH và cử tri có nhiều mong muốn với dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) liên quan đến vấn đề viên chức hay cơ chế đãi ngộ, nhưng một mình luật này không thể đứng riêng mà cần thống nhất với các luật liên quan. Việc có công nhận giáo viên như một viên chức hay chỉ được điều chỉnh bởi Luật Viên chức. “Hiện đang xảy ra tình trạng biên chế giáo viên, y tế đang có tình trạng thừa thiếu cục bộ, có nơi xin biên chế nhưng vướng trong tổng số biên chế nên không thể bổ sung cho địa bàn còn thiếu.

Để tháo gỡ bài toán này, điều quan trọng nên có cơ chế để các trường có đủ điều kiện sẽ được tự chủ hoàn toàn như với cơ sở đào tạo nghề, giúp giảm số giáo viên hưởng lương từ ngân sách ở những địa bàn có điều kiện. Qua đó, chuyển số biên chế này về cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hay địa bàn thiếu giáo viên cục bộ”.

Trường công thành lập Hội đồng trường làm gì?

Về mô hình quản lý, điểm mới trong dự thảo lần này là bổ sung quy định về tổ chức, quản lý nhà trường theo hướng tăng quyền tự chủ của nhà trường thông qua các quy định về Hội đồng trường theo từng cấp học, từng loại hình trường (Điều 56); quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của nhà trường; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của nhà trường. Riêng đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, dự thảo Luật quy định theo hướng thực hiện dân chủ và trách nhiệm giải trình để phù hợp với tính chất, nguyên lý của các cấp học này; đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập (Điều 61). Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn Khoản 1, Điều 56, dự thảo Luật quy định Hội đồng trường của trường công lập là cơ quan quản trị nhà trường, đại diện cho quyền sở hữu nhà nước và các bên có lợi ích liên quan.

Như vậy, việc quy định giao Hội đồng trường dại diện quyền sở hữu nhà nước là không đúng với tinh thần Hiến pháp và quy định pháp luật hiện hành. Mặt khác, việc giao Hội đồng trường công lập được quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục cũng không ổn. Lý do, trường công lập do Nhà nước đầu tư, nên chính quyền địa phương mới là chủ sở hữu của trường công lập ở đơn vị hành chính cùng cấp.

Cạnh đó, một số ý kiến cũng băn khoăn khi khoản 5, Điều 56 quy định thủ tục thành lập, cơ cấu tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng trường của trường mầm non, phổ thông được quy định cụ thể trong điều lệ nhà trường. Một chế định đại diện cho chủ sở hữu nhà nước lại giao cho Bộ trưởng và quy định trong điều lệ nhà trường, vốn không được coi là danh mục văn bản quy phạm pháp luật. Còn điểm a, Khoản 1, Điều 56 quy định trong thành phần Hội đồng trường công lập trung học cơ sở, trung học phổ thông có đại diện học sinh tham gia.

Theo các đại biểu quy định này là chưa hợp lý. Đơn giản, Hội đồng trường là cơ quan quản trị nhà trường, đưa ra nhiều quyết đáp quan trọng với cơ sở đào tạo, trong khi đó, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa đủ tuổi vị thành niên, chưa tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình.

H.Phạm- H.Thu

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/du-an-luat-giao-duc-sua-doi-van-con-nhieu-noi-dung-can-lam-sang-to-89539.html