Dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi: Tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, ông Cao Anh Tuấn, qua 12 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế (QLT) cần sửa toàn diện làm sao tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế (NNT) và nâng cao hiệu lực hiệu quả QLT. Đây là lần thứ 3 Luật QLT được sửa đổi…

Ảnh minh họa

Cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã chủ trì Hội thảo về Dự án Luật QLT sửa đổi . Đây là buổi thứ hai sau khi Bộ Tài chính có cuộc họp thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án luật này hôm 31/7.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Cao Anh Tuấn, có 6 nội dung nổi bật trong lần sửa đổi này, gồm: Bổ sung quyền của NNT; thủ tục khai thuế, tính thuế, nộp thuế; khoanh nợ tiền thuế, chậm nộp tiền thuế; hóa đơn, chứng từ điện tử; tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế (ĐLT); hoàn thiện các quy định về QLT đối với DN có giao dịch liên kết để phòng chống chuyển giá .

Liên quan đến quyền của NNT, Dự thảo bổ sung các quyền như: NNT được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn; không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do NNT thực hiện theo văn bản của cơ quan quản lý thuế…

Về thủ tục khai thuế, tính thuế, nộp thuế, Dự thảo bổ sung quy định thời hạn nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật; thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán; thời hạn được khai bổ sung; thời hạn nộp thuế, tính tiền chậm nộp đối với số thuế phải nộp tăng thêm qua khai bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, rõ ràng, minh bạch giữa NNT và cơ quan thuế.

Đặc biệt, sửa đổi về thời hạn quyết toán thuế đối với cá nhân là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (kéo dài thêm 01 tháng so với thời hạn quyết toán của DN).

Về khoanh nợ tiền thuế, chậm nộp tiền thuế, điểm sửa đổi đáng kể là khoanh nợ đối với khoản nợ thuế, nợ tiền chậm nộp của các đối tượng không có khả năng thu để làm giảm số nợ ảo. Dự thảo cũng sửa đổi bổ sung quy định về thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan xóa nợ đối với trường hợp NNT nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5 tỷ đồng đến1tỷ đồng; Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục hải quan xóa nợ đối với trường hợp NNT nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 1 tỷ đồng)

Về hóa đơn, chứng từ điện tử, Dự thảo bổ sung quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử, quy định rõ các DN phải sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ để khắc phục những gian lận trong việc sử dụng hóa đơn giấy, nâng cao tính cạnh tranh của toàn nền kinh tế, để góp phần ứng dụng quản lý thuế hiện đại, xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn để góp phần xây dựng cơ quan thuế điện tử

Về tổ chức kinh doanh dịch vụ ĐLT, Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế tại Luật quản lý thuế để: (i) Mở rộng phạm vi hoạt động của ĐLT và quy định rõ phạm vi cung cấp dịch vụ của ĐLT theo hướng bổ sung thêm cung cấp dịch vụ tư vấn thu và dịch vụ kế toán cho DN nhỏ và siêu nhỏ; (ii) Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho ĐLT, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định chỉ còn “thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ ĐLT” thay vì “Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ về thuế” trước đây. Đồng thời, tại dự thảo Luật đã quy định về việc giao Bộ Tài chính quy định về việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ chứng nhận về ĐLT Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ĐLT và quản lý hoạt động của tổ chức kinh doanh dịch vụ ĐLT.

Về hoàn thiện các quy định quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết để phòng chống chuyển giá, Dự thảo đã Luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết đã được quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP về QLT đối với DN có giao dịch liên kết.

Dự thảo cũng bổ sung những quy định liên quan đến QLT đối với hoạt động thương mại theo hướng: Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế như: Đối với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại; Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an…

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Dự án Luật QLT sửa đổi đã được đưa vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIV của Quốc hội, Theo kế hoạch, cuối tháng 8/2018, dự án sẽ được trình Chính phủ, trong tháng 9 sẽ phối hợp Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội thẩm định, sau đó báo cáo xin ý kiến UBTVQH. Dự án sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay và Quốc hội cho ý kiến lần hai vào kỳ họp đầu năm sau. .Dự kiến, Luật QLT sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2020.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/du-an-luat-quan-ly-thue-sua-doi-tao-thuan-loi-toi-da-cho-nguoi-nop-thue-405970.html