Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1: Năm lần gia hạn vẫn chưa hoàn thành

Đã 5 lần điều chỉnh mốc thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) đến tỉnh Quảng Nam, nhưng đến nay, toàn tuyến vẫn còn đến 60 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng cho dự án. Trong đó, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) là 'điểm nóng' với 39 trường hợp.

Đây cũng là xã mà Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn giao cho lãnh đạo UBND huyện trực tiếp thực hiện công tác vận động tuyên truyền. Dù vậy, công tác GPMB vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình trạng tai nạn giao thông liên tục xảy ra trên đoạn đường, làm nhiều người thương vong. Hoạt động giao thương, sinh hoạt của người dân hai bên tuyến bị ảnh hưởng không nhỏ.

Công tác thi công Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 gặp rất nhiều khó khăn do vướng mặt bằng.

Trách nhiệm này thuộc về ai? Đến bao giờ công tác GPMB mới hoàn thành, dự án về đích như chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND tỉnh?

Giám đốc Sở GTVT Hà Hoàng Việt Phương: "Cần hợp tác, chứ không phải đổ lỗi cho nhau".

Cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế rằng, từ khi UBND tỉnh có chỉ đạo quyết liệt về mốc thời gian cuối trong công tác GPMB, chúng tôi đã tích cực phối hợp với huyện Bình Sơn để vận động, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và hợp tác. Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã gửi rất nhiều hồ sơ trình phương án cưỡng chế cho huyện, nhưng từ đầu dự án đến giờ, huyện không thực hiện bất kỳ đợt cưỡng chế nào. Nhà thầu thi công thì rất lo lắng, vì một số hộ dân cản trở, đe dọa, do đó phải nhờ đến lực lượng chức năng can thiệp, bảo vệ công trường để thi công. Chủ đầu tư chỉ lập phương án đền bù, chi trả tiền và thi công, còn công tác vận động, giải thích, bảo vệ thi công là của địa phương. Huyện Bình Sơn có công cụ hỗ trợ trong tay, nhưng không làm, mà lại đi “đổ lỗi” cho chủ đầu tư?

Trước hết, huyện Bình Sơn phải vận động các hộ gia đình, cá nhân có người thân là đảng viên, cán bộ, công chức đang công tác trên địa bàn huyện nghiêm chỉnh chấp hành việc bàn giao mặt bằng thi công dự án. Huyện cần tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, hoặc bảo vệ thi công đối với các trường hợp cương quyết không chịu bàn giao mặt bằng, tạo sự lan tỏa cho các trường hợp còn lại để tiếp tục vận động.

Đây là giai đoạn nước rút của dự án, chúng ta cần hợp tác để làm việc vì mục tiêu chung là đưa dự án về đích, tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện đi lại, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tối đa tai nạn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đoàn Hà Yên: "Huyện đã làm hết trách nhiệm".

Quá trình xác định nguồn gốc đất giữa UBND các xã với đơn vị làm công tác bồi thường chưa chặt chẽ, nên đến giờ vẫn còn phải điều chỉnh lại chủ sử dụng đất. Đặc biệt, huyện đã đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh sớm hoàn thành các hồ sơ cưỡng chế, nhất là đoạn qua xã Bình Hiệp, nhưng Ban chỉ gửi hai hồ sơ hoàn thiện, các hồ sơ khác mới gửi từ ngày 18.9. Việc hồ sơ cưỡng chế gửi quá chậm, dẫn đến huyện chưa thể ban hành quyết định cưỡng chế được.

Một nguyên nhân nữa là, người dân yêu cầu kiểm kê lại vật dụng kiến trúc, bố trí đất tái định cư... nhưng huyện đã có ý kiến với người dân là làm theo quy định của pháp luật, nên không thể điều chỉnh được. Huyện tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, song song với đó là thực hiện các quyền của Nhà nước về công tác GPMB. Tuy nhiên, người dân không hợp tác với cơ quan quản lý, chây ì với hiệu ứng số đông.

Sự hợp tác giữa các bên tốt, nhưng chậm trễ là liên quan đến trách nhiệm của người thực thi công vụ trong công tác đo đạc, kiểm kê. Về phía huyện, đã làm hết trách nhiệm, nhưng việc xác nhận nguồn gốc đất của cấp xã một vài trường hợp chưa chính xác, ảnh hưởng đến phê duyệt phương án đền bù. Đối với chủ đầu tư, nhiều hồ sơ lập chưa chặt chẽ, chậm.

Huyện đang tích cực phối hợp với chủ đầu tư tập trung thực hiện hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Tôi nghĩ đến 30.9.2018 sẽ cơ bản hoàn thành công tác GPMB. Đối với những hộ vướng mắc cơ chế chính sách, hoặc những hộ không chấp hành phương án thu hồi đất, bàn giao mặt bằng buộc phải cưỡng chế. Tuy nhiên, phải có thời gian nhất định để thực hiện đúng quy định pháp luật. Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp Trần Trung Hậu: "Người dân không hợp tác với địa phương".

Đến sáng 26.9, toàn tuyến qua địa bàn xã còn vướng 39 trường hợp. Hầu hết các hộ dân này không đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng, vì cho rằng mức giá đền bù quá thấp, đề nghị cấp đất tái định cư. Có trường hợp nhận tiền bồi thường rồi, nhưng không bàn giao mặt bằng, vì theo quy định, diện tích bị thu hồi để được cấp đất tái định cư là diện tích đất phải đủ 200x0,5=100m2 thì được nhận tái định cư, nhưng nhiều trường hợp chỉ thiếu một vài mét vuông, nên không được cấp đất tái định cư, dẫn đến không bàn giao mặt bằng.

Tính đến nay, ngoài các đợt vận động của xã, mỗi hộ dân ít nhất tiếp đón 3 đoàn vận động tuyên truyền của cấp huyện, chủ đầu tư, nhưng mọi việc vẫn không xử lý dứt điểm được. Giờ người dân đã không hợp tác với xã nữa, xã gửi giấy mời đến làm việc, thì chỉ có khoảng 30% đến dự theo giấy mời, còn lại không đi. Tuy nhiên, những người này đến đa phần là để chất vấn, chứ không phải hợp tác. Giờ tỉnh, huyện có kiểm điểm, thì chúng tôi nhận thôi, chứ hết cách rồi.

Ông Nguyễn Duy Thông, xã Bình Hiệp: "Tôi sẵn sàng bàn giao đất, nếu được đền bù thỏa đáng".

Diện tích đất nhà tôi bị thu hồi là 176m2, một phần vật dụng kiến trúc công trình nhà bị ảnh hưởng. Nhà nước ban hành mức giá đền bù 500 nghìn đồng/m2, trong khi gần kế bên ngân hàng tiến hành kê biên thi hành án một thửa đất và sau đó bán lại cho người dân với giá 2,4 triệu đồng/m2. Đối với giá thị trường hiện nay từ 4-5 triệu đồng/m2.

Như vậy có thỏa đáng hay không? Rồi diện tích đất gia đình tôi bàn giao cho dự án quá lớn, mà không được cấp đất tái định cư thì quá thiệt thòi. Tôi khẳng định, hiện tôi đang đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình, chứ không phải chống đối.

Ngoài ra, Nhà nước phải làm lại sổ đỏ cho tôi, thống kê lại diện tích đất cho phù hợp, bởi giữa thực tế và trên sổ sách không trùng khớp.

Ông Đặng Duy Dũng, thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên (Bình Sơn): "Đừng vì thỏa mãn cá nhân mà quên đi lợi ích chung".

Trước đây tôi cũng có nhiều khiếu nại với cơ quan liên quan và sau nhiều lần làm việc, giữa các bên thỏa thuận được phương án đền bù hợp lý, nên tôi thống nhất bàn giao mặt bằng.

Nói chung, giá đền bù cũng tương đối thôi, chứ không phải đúng theo yêu cầu của tôi, nhưng vì tính cấp bách của dự án, nên tôi bàn giao mặt bằng. Mong sao nhà thầu thi công nhanh chóng để tạo điều kiện cho bà con làm ăn, không để dây dưa kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống người dân và mất an toàn giao thông.

Đến giờ, nhiều hộ chưa nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng, hoặc đã nhận tiền, nhưng khiếu kiện thì người dân phải xem lại khiếu nại, đòi hỏi của mình có đúng với quy định hay không? Quan điểm của tôi là cơ quan nhà nước đừng để người dân chịu thiệt, còn người dân cũng nên nhìn nhận lại chính mình, tránh trường hợp vì lợi ích của bản thân làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Các hộ dân đừng vì thỏa mãn cá nhân mà quên đi lợi ích chung là không tốt.

Lê Đức
(thực hiện)

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2034/201810/du-an-nang-cap-mo-rong-quoc-lo-1-nam-lan-gia-han-van-chua-hoan-thanh-2914250/