Dự án nâng cấp Quốc lộ 14E gặp trở ngại vì giải phóng mặt bằng

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km15+270 - Km89+700 thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam đang gặp nhiều trở ngại liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Điển hình là đoạn cầu vượt đường sắt tại km15+815, thuộc xã Bình Quý, huyện Thăng Bình.

Cầu vượt đường sắt vướng 63 hộ

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đi qua địa bàn các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn (thuộc tỉnh Quảng Nam) khởi công vào ngày 7/3/2023, do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 4 là đơn vị được giao quản lý dự án. Hiện quá trình thi công còn vướng một số hạn chế về kết quả bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Trong đó đáng chú ý nhất là đoạn cầu vượt đường sắt tại km15+815, đi qua địa phận thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình.

Theo lãnh đạo UBND xã Bình Quý, khu vực cầu vượt có tổng cộng 63 hộ dân liên quan đến phương án giải phóng mặt bằng. Trong đó, 48 thửa đã có văn bản đủ điều kiện bồi thường; 5 thửa địa phương đang chờ phòng Tài nguyên Môi trường kiểm tra và phản hồi; 10 thửa còn lại vướng đến tranh chấp và thủ tục pháp lý. Những thửa đất còn vướng mắc tiếp tục được xã Bình Quý ưu tiên lên phương án để hoàn thiện hồ sơ.

Đoạn đường sắt đi qua địa phận thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình.

Khảo sát thực địa, phóng viên Kinh tế và Đô thị ghi nhận đoạn đường sắt có vị trí vô cùng quan trọng. Đoạn đường nằm gần chợ, trường học, UBND và gần nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đoạn đường chật hẹp này còn khuất tầm nhìn và dễ gây tai nạn giao thông. Tại thời điểm có mặt, một lượng lớn xe ben chở đất nối đuôi nhau chiếm lĩnh con đường. Phần lớn người tham gia giao thông phải dừng lại hoặc tránh vào lề đường.

Đoạn tuyến qua nút giao đường sắt Bắc - Nam có bề rộng nền đường 12m. Phần lớn người dân khu vực đường sắt đều ủng hộ việc cải tạo và nâng cấp đoạn Quốc lộ 14E. Tuy nhiên, họ chưa thực sự ủng hộ vì liên quan đến chỗ ở, công việc kinh doanh cũng như giá cả bồi thường. “Cần phải bền bù sao cho phù hợp và thỏa đáng”, ông Trương Nhị (thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý) bày tỏ.

Trong khi đó, ông Phan Văn Thông (cùng địa phương) thì mong muốn có thêm những buổi gặp mặt và trao đổi về phương án và giá cả bồi thường.

Đoạn giao thông trọng điểm cần ưu tiên

Theo ông Đặng Tấn Dục – Chủ tịch UBND xã Bình Quý, đoạn cầu vượt đường sắt tại km15+815 có vai trò hết sức quan trọng đối với người dân và chính quyền địa phương. Khi hoàn thành sẽ đảm bảo được công tác giao thương cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điều quan trọng là khi hoàn thành cầu vượt sẽ giảm tải được giao thông và an toàn cho người dân khi đi lại.

Quốc lộ 14E chật hẹp gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.

“Thời gian qua, chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt và trao đổi trực tiếp với người dân địa phương. Chủ trương của xã và với huyện là công khai, tuyên truyền để người dân cùng hiểu và chia sẻ với chủ trương. Vừa qua, chúng tôi cũng đã tổ chức đưa người dân khu vực đường sắt đi tham quan một số công trình cầu vượt tương tự trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” – ông Dục cho biết.

UBND xã Bình Quý đặt mục tiêu hoàn thành mọi thủ tục hồ sơ liên quan đến các hộ bị ảnh hưởng trong tháng 3/2024. Đồng thời tiếp tục chủ động phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và Công nghiệp dịch vụ huyện Thăng Bình phấn đấu bàn giao mặt bằng bên phải tuyến trước ngày 30/4/2024 và bên trái tuyến trước ngày 30/5/2024.

Về phía chủ đầu tư dự án, ông Võ Tá Thanh - Giám đốc điều hành Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E (trực thuộc Ban Quản lý dự án 4) mong muốn lãnh đạo huyện Thăng Bình và xã Bình Quý tiếp tục quan tâm, tích cực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đoạn cầu vượt đường sắt. Người dân cũng cần hiểu được tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của cầu vượt đường sắt.

Hiện công thác khai thông mặt bằng đang được ưu tiên trong quá trình triển khai dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E.

“Cầu vượt đường sắt là một công trình trọng điểm của dự án cải tạo và nâng cấp đường 14E. Chưa kể, quá trình thi công nhiều hạng mục nên mất nhiều thời gian, đơn vị phải làm xong đường gom trước để đảm bảo giao thông trước khi thi công cầu chính. Do vậy, công tác khai thông mặt bằng cần được ưu tiên” – ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, tiến độ thi công cầu vượt đường sắt mất 16 tháng. Nhưng theo hợp đồng ký kết, nhà thầu phải làm xong công trình này trong tháng 11/2024. Tính đến nay, đơn vị chưa nhận được bàn giao mặt bằng.

Quốc lộ 14E nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454 ngày 1/9/2021. Tuyến đường là trục ngang rất quan trọng phục vụ nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa từ các dự án đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đến nước bạn Lào thông qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang và ngược lại. Đây cũng là tuyến đường kết nối trực tiếp với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (tại xã Bình Quý, Thăng Bình) để đáp ứng nhu cầu liên kết vùng động lực kinh tế miền Trung.

Ngày 7/3/2023, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E (đoạn lý trình km15+270 - km89+700) với tổng mức đầu tư 1.848 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Bộ GTVT giao cho Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư; đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 4.

Tấn Việt

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/du-an-nang-cap-quoc-lo-14e-gap-tro-ngai-vi-giai-phong-mat-bang.html