Dự án nghỉ dưỡng 6 sao sát Đại nội Huế: Thận trọng

Quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới, mọi điều chỉnh, tác động không phải mình Huế hay Việt Nam có thể quyết định.

KTS Phùng Phu- ngyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên- Huế) nói rõ, quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới, mọi điều chỉnh, tác động không phải mình Huế hay Việt Nam có thể quyết định.

Phối cảnh tổng thể dự án đã được thẩm định. Ảnh: Tổng Hội xây dựng Việt Nam

Quan điểm của KTS Phùng Phu có liên quan tới dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Nama nằm sát Đại nội Huế, do Công ty TNHH Đầu tư du lịch Kinh Thành làm chủ đầu tư.

Dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 11/2015, thời gian hoạt động 50 năm trên diện tích 6.338 m2, tổng vốn đầu tư gần 197 tỉ đồng.

Theo vị KTS, khu vực triển khai dự án tiếp giáp 3 tuyến đường là Nguyễn Chí Diểu, Hàn Thuyên, Đoàn Thị Điểm và nằm sát với Đại nội Huế. Khu đất này là khu vực sân vườn của Khâm Thiên Giám triều Nguyễn - một di tích khí tượng thiên văn duy nhất còn sót lại trong lịch sử Việt Nam và là nơi tọa lạc của Thái Y giảng đường, một trong những cơ quan của Thái Y viện triều Nguyễn.

Đây cũng là vị trí thuộc khu vực bảo vệ 1 di tích Khâm Thiên Giám là danh sách di sản cấp I thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được công nhận Di sản Văn hóa thế giới năm 1993, cần phải được bảo vệ nguyên trạng.

Tuy nhiên sau khi chủ trương đầu tư dự án được chấp thuận đã có quan điểm cho rằng khu vực này chỉ là phế tích và đề xuất đưa ra khỏi khu vực bảo vệ 1 của di sản, KTS Phùng Phu nói thẳng không phải Huế hay Việt Nam có thể tự quyết.

Vị KTS phân tích cụ thể:

Thứ nhất, quần thể di tích Cố đô Huế trở thành di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới năm 1993. Theo đó, di sản sẽ được bảo vệ, bảo tồn và tôn tạo bởi những cam kết với UNESCO.

Khi quyết định có đưa khu Lục Bộ ra khỏi khu vực 1 của di sản hay không phải phụ thuộc vào quyết định của HĐND tỉnh, ý kiến từ các cấp, bộ, ngành trung ương và UNESCO sẽ tham gia trên cơ sở đánh giá thực tế, đây là vấn đề bảo tồn di sản của thế giới chứ không còn là của riêng Việt Nam nữa.

Do đó, muốn mở rộng hay thu hẹp di sản này phải do UNESCO quyết định", KTS Phùng Phu thẳng thắn.

Ông cũng lưu ý, khi Việt Nam làm hồ sơ xin xét duyệt di sản thế giới với quần thể di tích Cố đô Huế là bao gồm toàn bộ các khu vực 1, khu vực 2 đã được xác định rõ ràng trên bản đồ. Dựa trên hồ sơ đó UNESCO mới đánh giá, công nhận di sản thế giới.

Nếu bây giờ lại điều chỉnh quy mô di sản sẽ là vấn đề rất phức tạp và có nguy cơ ảnh hưởng tới danh hiệu di sản đã được công nhận bao năm nay.

KTS Phùng Phu nói thêm, những phế tích tại khu vực Lục Bộ không có nghĩa đã là vô giá trị, đó vẫn là những phế tích liên quan tới di sản cần được bảo vệ.

Triều đình Huế có khu vực Kinh Thành, hiện nay Huế đã di dân ra khỏi khu vực này nhằm bảo vệ di sản tốt hơn. Đây là việc làm rất cần thiết và Huế đã làm rốt việc này.

Kinh Thành Huế còn có 6 bộ (Lục Bộ), đó là 6 bộ đã được khoanh ô, khoanh vùng, được điền địa chỉ rõ ràng.

Nên nhớ, bảo vệ di sản không phải chỉ đơn thuần là bảo vệ những cái hiện hữu mà còn phải bảo vệ cả những cái là di chỉ, những ký ức... Vì thế mà quần thể di tích Huế mới được công nhận là di sản.

UNESCO công nhận di sản là công nhận với cả một quần thể di tích Huế, không phải công nhận với riêng một công trình nào cả.

Thứ hai, ngay cả với khu vực 2 của di sản này cũng phải được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm nâng cao các giá trị di sản của khu vực 1. Vì thế, quy hoạch xây dựng ở khu vực 2 này cũng bị kiểm soát theo các tiêu chuẩn cụ thể về chiều cao, quy mô sử dụng đất cũng như tính chất của từng dự án cho phù hợp với di sản.

Đặc biệt là yêu cầu về bảo vệ cảnh quan cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phụ vụ cho khu vực 1 được tốt hơn.

Dự án nghỉ dưỡng 6 sao sát Đại nội Huế: Điểm lạ

Theo vị KTS, mọi quyết định liên quan tới di sản Đại nội Huế đều phải được lấy ý kiến rộng rãi từ Bộ Văn hóa, Hội đồng di sản quốc gia và UNESCO. Mọi ý kiến đều phải thực hiện dựa trên các quy định của luật di sản trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, di sản là những giá trị văn hóa rất quan trọng với sự phát triển của xã hội, do đó, cần có ứng xử phù hợp để tránh sau này phải hối tiếc. Bởi di sản một khi đã mất đi sẽ không thể lấy lại.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/du-an-nghi-duong-6-sao-sat-dai-noi-hue-than-trong-3392867/