Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 'treo', dân mỏi mòn chờ

Sau hơn ba năm Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) được ấn nút khởi công, nhưng đến thời điểm này dự án vẫn án binh bất động, nhiều hạng mục chính vẫn 'treo' trong… chờ đợi, làm cho hàng trăm hộ dân nằm trong vùng quy hoạch 'đi không được, ở không xong'. Câu hỏi người dân đặt ra, dự án có tiếp tục triển khai hay không, khi nào thì người dân được chuyển đến nơi ở mới để sớm ổn định cuộc sống…?

Tại địa điểm làm động thổ nhà máy hiện vẫn chỉ là một bãi đất trống, tấm bảng quy hoạch dự án rách nát theo thời gian.

200 hộ dân băn khoăn, lo lắng…

Có mặt ở thôn Tân Minh, một trong hai thôn nằm trong vùng quy hoạch của dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (NMNĐ) những ngày cuối tháng 11 mới thấy được không khí lao động, làm ăn của người dân nơi đây khá nhộn nhịp.

Tại cửa hàng thu mua hải sản của chị Nguyễn Thị Hồng đang có sáu lao động phân loại tép, tôm vừa được thu mua về sấy để xuất bán. Theo những người dân nơi đây cho biết, năm nay người dân vùng biển Tân Minh được mùa các loại hải sản, tạo thu nhập ổn định cho người dân trong thôn.

“Mặc dù công việc, thu nhập khá ổn định nhưng người dân trong thôn vẫn còn lo lắng, băn khoăn không biết đi hay ở; thời gian khi nào đi; nơi ở khu tái định cư mới đã xong chưa; có tốt hơn nơi ở cũ hay không…?”, chị Hồng băn khoăn.

Nhiều hộ dân không dám xây dựng công trình vì vướng hiện trạng dở dang của dự án.

Cũng tâm trạng như chị Hồng, anh Trần Xuân Quang làm nghề đóng tàu hơn 20 năm ở Tân Minh cho biết: Hơn 45 năm sinh sống ở đây, nhưng ba năm qua gia đình vẫn mỏi mòn chờ đợi thông tin dự án nhà máy khi nào triển khai để chuẩn bị tinh thần, cũng như kế hoạch làm ăn cho tương lai.

“Hiện các hộ làm nghề đóng tàu như tôi muốn đầu tư mở rộng nhưng vướng vào đất trong quy hoạch dự án nhà máy nên không được giải quyết. Trong khi nhiều gia đình có nhu cầu xây thêm nhà ở cho con mới lập gia đình có chỗ an cư lạc nghiệp nhưng không được địa phương cho phép...”, anh Hồng chia sẻ.

Đem băn khoăn của người dân tới ông Tô Huy Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, ông cho biết: Những khó khăn và nguyện vọng của người dân, lãnh đạo địa phương biết và nắm rất rõ, qua các lần tiếp xúc cử tri, nhân dân. Song, do dự án chưa được triển khai nên hai khu tái định cư (khởi công từ năm 2011) đến nay mới chỉ xây dựng được một số hạng mục.

Khu tái định cư 1 vẫn chưa được hoàn thiện để cho người dân thuộc diện di dời đến ở.

“Hiện tâm tư, nguyện vọng của đa số người dân nằm trong quy hoạch muốn biết đi hay ở, dự án khi nào triển khai? Mặt khác, vấn đề an sinh xã hội như chuyển đổi nghề cho bà con, học sinh có chỗ học ổn định, an toàn cho con em thuộc diện các hộ chịu ảnh hưởng bởi dự án… là những vấn đề mà lãnh đạo địa phương hết sức quan tâm, trăn trở”, ông Hùng chia sẻ.

Hút vốn doanh nghiệp đầu tư để bảo đảm tiến độ dự án, an sinh xã hội

Dự án NMNĐ Quỳnh Lập 1 với tổng mức vốn đăng ký khoảng 2,2 tỷ USD, dự kiến nhà máy sẽ đi vào vận hành năm 2020. Dự án được Chính phủ giao Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư và được Ban Quản lý KKT Đông Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 143,54 ha. Đây là dự án quan trọng trong Chiến lược phát triển lĩnh vực điện của ngành than-khoáng sản nói riêng và quy hoạch điện Quốc gia nói chung.

Sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành, NMNĐ Quỳnh Lập 1 sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 6,6 tỷ kWh/năm, góp phần phát triển kinh tế để thích ứng với tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ đạt mức cao từ nay đến năm 2030 của khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng.

Tuy vậy, sau hơn ba năm (ngày 1-10-2015 đã tổ chức lễ khởi công NMNĐ Quỳnh Lập 1) đến nay, dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Theo tìm hiểu, việc dự án NMNĐ Quỳnh Lập 1 khởi công, đắp chiếu đã làm cho 200 hộ dân với gần 1.000 người nằm trong vùng quy hoạch nhà máy rơi vào cảnh: “Đi không được, ở không xong”. Trong khi để phục vụ cho dự án triển khai, công tác xây dựng khu tái định cư cho 200 hộ dân đến nay vẫn dở dang, manh mún do thiếu vốn.

Sau năm năm thi công, khu tái định cư 2 tại thôn Tam Hợp có diện tích 60 ha vẫn còn ngổn ngang.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, do khó khăn về nguồn vốn nên Tập đoàn TKV đã không thực hiện được theo kế hoạch mà phải kêu gọi liên doanh với các nhà đầu tư để có vốn tiếp tục triển khai dự án.

Tuy nhiên mới đây, ngày 14-8-2018, Bộ Công thương có văn bản số 6399/BCT-ĐL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất phương án hợp tác đầu tư dự án NMNĐ Quỳnh Lập, thì trong bối cảnh Chính phủ hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án nguồn điện (trừ các dự án điện cấp bách do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể), để giảm thiểu chi phí vốn cho dự án, đồng thời để tài chính của tập đoàn TKV bảo đảm các quy định về hệ số/vốn chủ sở hữu nên TKV có chủ trương tìm kiếm các nhà đầu tư trong và nước ngoài cùng tham gia đầu tư phát triển dự án NMNĐ Quỳnh Lập 1.

Song điều này đã được Bộ Công thương xem xét và phân tích: Tổ hợp do TKV đề xuất (TKV, SAMTAN, KOSPO) để triển khai dự án vẫn chưa đưa ra được phương án khả thi thực hiện dự án khi không được Chính phủ bảo lãnh vốn và hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ. Trong khi các Tập đoàn kinh tế nhà nước như TKV, EVN, PVN cũng rất khó khăn để có thể thu xếp vốn vay thành công cho các dự án nhiệt điện quy mô 1200MW nếu không được Chính phủ bảo lãnh. Vì vậy chưa có đủ cơ sở vững chắc để khẳng định tính khả thi của việc Công ty nhiệt điện Quỳnh Lập 1 có thể sắp xếp vốn cho dự án mà không có bảo lãnh Chính phủ...

Chia sẻ về vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần hạn chế bao cấp bằng các bảo lãnh, giao lại các dự án không nhất thiết phải dùng vốn Nhà nước mà nên cho các doanh nghiệp (DN) tư nhân có năng lực thực hiện, cộng với thủ tục rõ ràng, minh bạch để hút vốn DN trong, ngoài nước vào thực hiện các dự án nhiệt điện.

“Điều Chính phủ cần làm còn lại là cần kiểm soát giải pháp công nghệ xử lý môi trường và có chế tài nghiêm ngặt đối với các vi phạm trong triển khai dự án”, ông Cung nhấn mạnh.

Có thể thấy, một dự án điện nói chung, hay nhiệt điện nếu được đưa vào hoạt động không chỉ giải quyết việc làm, đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nhất là trong giai đoạn nền kinh tế hiện nay cho thấy cần tin tưởng và trao cơ hội cho các DN tư nhân Việt Nam để họ chủ động “lập trình” việc đầu tư dự án theo đúng tiến độ và yêu cầu về công nghệ, môi trường mà Chính phủ đặt ra. Có như vậy mới nhanh chóng gỡ được những “điểm nghẽn” về đầu tư năng lượng đang cấp thiết cũng như bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho những người dân nằm trong quy hoạch các dự án nhiệt điện được tốt hơn.

Bài, ảnh: HƯƠNG TRÀ-THÀNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38366102-du-an-nhiet-dien-quynh-lap-1-%E2%80%9Ctreo%E2%80%9D-dan-moi-mon-cho.html