Dự án nhiệt điện than: Thế giới giảm, Việt Nam vẫn là 'điểm nóng'

Đây là một trong những nội dung trong báo cáo về giám sát các nhà máy nhiệt điện than toàn cầu vừa được công bố ngày hôm nay, ngày 22.3.2018.

Báo cáo Bùng nổ và Thoái trào 2018: Giám sát các Nhà máy điện than Toàn Cầu, là cuộc khảo sát thứ tư được tiến hành hàng năm về tất cả các dự án điện than toàn cầu.

Báo cáo được công bố bởi Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm (*).

Năm 2017 là năm thứ hai liên tiếp có số lượng các nhà máy điện than toàn cầu giảm mạnh, chủ yếu là do giảm ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Một nhà máy điện than ở Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: TL

Theo đó, công suất của nhóm dự án mới hoàn thành giảm 28% so với năm trước (giảm 41% trong hai năm qua, từ 2015 - 2017); công suất của nhóm dự án khởi công xây dựng giảm 29% so với năm trước (giảm 73% trong hai năm qua); và công suất của nhóm dự án được cấp phép và trong quy hoạch giảm 22% so với năm trước (giảm 59% trong hai năm qua).

Hoạt động phát triển điện than tiếp tục bị thu hẹp do các chính sách thắt chặt các dự án điện than mới của chính quyền trung ương Trung Quốc, và sự rút vốn mạnh mẽ của nguồn tài chính tư nhân ra khỏi điện than ở Ấn Độ. Tại Ấn Độ, hoạt động thi công dự án điện than đang bị đóng băng ở 17 điểm.

Báo cáo cũng xác nhận một kỷ lục chưa từng có về tổng công suất nhà máy điện than ngừng hoạt động lên tới 97GW trong ba năm qua, dẫn đầu là các nước Mỹ (45GW), Trung Quốc (16GW) và Anh (8GW).

Dự đoán rằng ngành điện than toàn cầu sẽ bắt đầu thu hẹp vào năm 2022, khi các công suất dừng hoạt động vượt công suất phát triển mới.

Trên toàn cầu, phong trào loại bỏ than đang ngày một phổ biến với cam kết của 34 quốc gia và các tổ chức địa phương. Năm 2017, chỉ có bảy quốc gia dự kiến phát triển dự án điện than mới ở nhiều hơn một địa điểm.

Tuy nhiên, lượng khí thải trong cả vòng đời của các nhà máy điện than (**) đang vận hành hiện nay sẽ vượt giới hạn carbon cho phép đối với than, để đạt được mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 (duy trì nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng từ 2°C trở xuống tính tới hết thế kỷ này).

Để giữ lượng phát thải của than trong phạm vi cho phép đó, đề xuất của báo cáo, cần dừng xây dựng các nhà máy mới, và đẩy nhanh tốc độ đóng cửa các nhà máy đang vận hành.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Việt Nam. Ảnh: TL

Báo cáo cũng đã nhận định: "Việt Nam tiếp tục là điểm nóng của điện than. Mặc dù không có nhà máy điện than nào được xây dựng vào năm 2017, nhưng một số lượng lớn các dự án được đề xuất vẫn đang trong giai đoạn phát triển".

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh vào năm 2016, Việt Nam có 12.100 MW dự án đã công bố, 15.040 MW chuẩn bị được cấp phép, 8.750 MW đã được cấp phép và 10.635 MW đang xây dựng.

Báo cáo của GreenID, các dự án này phần lớn đến từ nguồn đầu tư tài chính của nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Lê Quỳnh

(*) Sierra Club là tổ chức môi trường quần chúng lớn nhất và có ảnh hưởng nhất tại Mỹ, với hơn ba triệu thành viên và người ủng hộ.

CoalSwarm là mạng lưới các nhà nghiên cứu toàn cầu nỗ lực phát triển nguồn thông tin tổng hợp về nhiên liệu hóa thạch và các giải pháp thay thế. Hiện tại CoalSwarm đang triển khai Hệ thống Giám sát Nhà máy Điện Than Toàn cầu, Hệ thống giám sát Dự án Nhiên liệu hóa thạch Toàn cầu (than, dầu và khí đốt) và bản tin CoalWire.

Greenpeace là một tổ chức hoạt động toàn cầu độc lập với mục tiêu thay đổi thái độ và hành vi, nhằm bảo vệ môi trường và thúc đẩy hòa bình. Greenpeace có mặt tại hơn 40 quốc gia trên khắp Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi và Thái Bình Dương.

(**) Một tổ máy phát điện của nhà máy điện than điển hình là 500 MW hoặc 0,5 GW, và hầu hết các nhà máy điện than đều có hai tổ máy trở lên.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/du-an-nhiet-dien-than-the-gioi-giam-viet-nam-van-la-diem-nong-13019.html