Dự án phục hồi rạn san hô gặp khó

Đã tròn 8 năm sau sự cố môi trường ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển miền Trung Việt Nam nhưng dự án phục hồi rạn san hô vẫn chưa hoàn thành triển khai

Sự cố môi trường biển miền Trung xảy ra vào năm 2016 do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra đã làm cho hệ động thực vật biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó các rạn san hô nhiều nơi bị chết, suy thoái mạnh, cần phải nhanh chóng tái tạo.

Kéo dài

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản Việt Nam đến năm 2019, vùng biển Hải Vân - Sơn Chà thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, diện tích rạn san hô còn 103 ha. Mức độ suy giảm độ bao phủ từ -28 đến -41%, trong đó ở Bãi Cả trước sự cố môi trường biển là 30,5 ha, ngay sau sự cố còn 16,5 ha, rạn bị suy thoái mạnh; khu vực Bãi Chuối rạn cũng bị suy thoái, khi độ che phủ giảm đến -46%; còn khu vực Sụng Rong Câu giảm độ bao phủ đến -45%, bị suy thoái và có phục hồi sau sự cố.

Thừa Thiên - Huế là một trong 4 tỉnh được triển khai dự án xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá; dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản từ nguồn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Hiện nay các dự án xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá cơ bản đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Đối với dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản, mặc dù theo quy định phải hoàn thành vào tháng 12-2022 nhưng nay vẫn chưa triển khai thi công. Mới đây, vào tháng 4-2024 tỉnh Thừa Thiên - Huế mới được Thủ tướng phê duyệt cấp 170 tỉ đồng để triển khai, trong đó hợp phần thả rạn nhân tạo có tổng mức đầu tư 150 tỉ đồng và hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô có kinh phí 20 tỉ đồng.

Ông Thái Văn Phúc, Trưởng Phòng Quản lý và Xây dựng công trình - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết hợp phần thả rạn nhân tạo được Bộ NN-PTNT hướng dẫn thực hiện với diện tích 3 km2 (300 ha), độ phủ nền đáy rạn khoảng 1% đến 1,5%.

San hô khu vực Bắc Hải Vân - Sơn Chà có cấu trúc rạn gồ ghề vào năm 2014 Ảnh: VIỆN NGHIÊN CỨU HẢI SẢN VIỆT NAM

San hô khu vực Bắc Hải Vân - Sơn Chà có cấu trúc rạn gồ ghề vào năm 2014 Ảnh: VIỆN NGHIÊN CỨU HẢI SẢN VIỆT NAM

Khu vực thả rạn cách bờ biển xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc tầm 9 km, có độ sâu trung bình từ 22-24 m. Theo đó, dự án sẽ thả 114 cụm rạn với 2.850 cục rạn nhân tạo đúc bằng bê-tông cốt thép, kéo dài 2 km. Mỗi cụm rạn san hô được thả cách nhau 220 m, trong đó vị trí ngoài các cụm sẽ thả 2.350 cục rạn hình lập phương rỗng, còn bên trong cụm thả rạn hình bán cầu nhằm tạo chỗ trú ngụ, sinh trưởng cho các loài thủy hải sản.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hợp phần thả rạn nhân tạo hiện nay đã hoàn chỉnh giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đang tổ chức mời thầu xây lắp để triển khai thi công trong tháng 5 và hoàn thành trong năm 2024.

Khó tìm nguồn giống

Đối với hợp phần Trồng, phục hồi rạn san hô, đến nay Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ giai đoạn lập dự án. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang trình Bộ NN-PTNT xem xét ban hành xây dựng định mức kinh tế xây dựng để triển khai các bước tiếp theo.

Theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô tại tỉnh Thừa Thiên - Huế là từ 16-18 ha ở vùng biển Sụng Rong Câu, Bãi Chuối thuộc vùng Sơn Chà - Hải Vân, huyện Phú Lộc. Nguồn giống lấy từ vùng biển Sơn Chà (Đà Nẵng), Cù lao Chàm (Quảng Nam).

Cách lấy giống bằng phương pháp tách giống vô tính từ các tập đoàn san hô với kích thước tối thiểu không dưới 30 cm đối với san hô dạng khối, dạng bán khối; từ 1 m trở lên đối với san hô dạng cành, dạng tán bàn. Lượng san hô lấy đi từ tập đoàn cho giống tối ưu từ 10%-20% nhưng không quá 50% sinh khối và bảo đảm tập đoàn đó vẫn gắn chặt với nền đáy, khả năng phát triển vẫn bình thường.

Đối với kỹ thuật trồng, theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, san hô giống được trồng trên nền đáy cứng, vững chắc là thềm rạn đá hoặc các giá thể nhân tạo được thiết kế phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường.

San hô khu vực Bắc Hải Vân - Sơn Chà bị phá hủy sau sự cố môi trường Ảnh: VIỆN NGHIÊN CỨU HẢI SẢN VIỆT NAM

San hô khu vực Bắc Hải Vân - Sơn Chà bị phá hủy sau sự cố môi trường Ảnh: VIỆN NGHIÊN CỨU HẢI SẢN VIỆT NAM

Ông Phúc cho biết trong quá trình triển khai dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản đã được Bộ NN-PTNN hướng dẫn về chuyên môn để xây dựng, thực hiện dự án phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản; tham gia góp ý từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi dự án được UBND tỉnh phê duyệt.

Tuy nhiên, đây là dự án lần đầu tiên được thực hiện trên địa bàn tỉnh, có đặc thù, các định mức kinh tế xây dựng chưa có nên gặp khó khăn trong công tác thẩm định, phê duyệt dự toán để tổ chức thực hiện.

Đồng thời, ở hợp phần phục hồi rạn san hô thì nguồn giống san hô không thể thực hiện bảo đảm phần diện tích theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT nên phải xin điều chỉnh lại diện tích xuống còn 4 ha. Cụ thể, khu vực bãi Sụng Rong Câu khoảng 1,5 ha và tại khu vực Bãi Chuối khoảng 2,5 ha thuộc vùng biển ven bờ thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Đối với hợp phần phục hồi và tái tạo rạn san hô sau khi thực hiện cần có thời gian kiểm tra, theo dõi việc phục hồi của rạn san hô. Ngoài ra, do tính chất phức tạp của dự án nên trong quá trình xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần. "Quá trình triển khai thực hiện công trình trên vùng biển thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh... nên việc trồng san hô theo đề xuất của đơn vị tư vấn chỉ thực hiện từ tháng 4 đến tháng 9. Vì vậy, việc thực hiện hoàn thành hợp phần này trong năm 2024 là rất khó khăn" - ông Phúc nhìn nhận.

QUANG NHẬT

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/du-an-phuc-hoi-ran-san-ho-gap-kho-196240521205557201.htm