Dự án PPP quan trọng phải công khai, minh bạch

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe và thảo luận dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Toàn cảnh phiên họp về dự án Luật PPP.

Toàn cảnh phiên họp về dự án Luật PPP.

Hạn chế tối đa việc chỉ định thầu

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án PPP, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy tại Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ lý do của việc đề xuất thay đổi tên gọi của dự án Luật nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, cũng như để phản ánh được bản chất cơ chế đầu tư đối tác công tư và không làm thay đổi phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung của dự án Luật. Do đó, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất thay đổi tên gọi của dự án Luật là ”Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư”.

Về quy mô đầu tư của dự án PPP, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP để áp dụng phương thức đầu tư PPP là cần thiết nhằm ưu tiên đầu tư PPP đối với các dự án quan trọng, khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân thuộc các lĩnh vực được xác định, nhằm tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không kiểm soát được rủi ro do các dự án PPP còn liên quan đến các nghĩa vụ từ phía khu vực công như bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu...

Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ hơn căn cứ, cơ sở của việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật. Về lựa chọn nhà đầu tư, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án…

Việc ban hành luật là cần thiết

Liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa hai bên (công và tư) trong thực hiện dự án PPP là giải pháp có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong thực hiện dự án PPP với vai trò là các đối tác trong hợp đồng PPP.

Để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự án Luật, Ủy ban kinh tế đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro này, cũng như quy định rõ hơn về cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, phải xác định được nguồn để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu ngay tại dự thảo Luật.

Đầu tư theo hình thức PPP sẽ tạo động lực cho kết cấu hạ tầng phát triển hơn (Ảnh minh họa)

Đóng góp ý kiến cho dự án Luật liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn đại biểu thành phố Hà Nội) cho rằng, đặt vấn đề này ra sẽ rất khó xử lý vì các dự án đã có đấu thầu, doanh nghiệp ký hợp đồng PPP nên nếu đặt ra quy định bù trừ doanh thu là bất hợp lý, không công bằng, tạo ra sự khó xử cho sau này, đồng thời có thể tạo ra sự ỷ lại của nhà đầu tư.

Theo đại biểu, khi doanh nghiệp đã ký hợp đồng thì “lời ăn, thua chịu”, trừ các dự án đặc biệt. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cùng đồng ý với việc bù trừ doanh thu với các hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) có những khó khăn, vướng mắc đặc biệt như điều kiện xã hội, lĩnh vực khó khăn nhưng việc đặc biệt đó phải quy định trong luật.

Nêu ý kiến về dự án Luật, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh) nêu, đầu tư theo phương thức PPP là hình thức hiệu quả để tranh thủ nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Vì thế, việc ban hành Luật là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho hình thức đầu tư này, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư, giữa Nhà nước và tư nhân.

Cũng liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đại biểu Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng, phải hoạch định rõ các nhóm lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng, dịch vụ, các công trình lớn… mà Nhà nước nhất trí đầu tư PPP. Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Hà Tĩnh cũng đồng tình với quy định Chính phủ về việc, quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng và cho rằng, mức tối thiểu 200 tỷ đồng là hợp lý để đảm bảo thu hút được các nhà đầu tư có năng lực tài chính, tạo ra những dự án lớn, quan trọng, có sức lan tỏa.

Cùng đóng góp cho dự án Luật liên quan đến quy mô tổng mức đầu tư, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, cần cân nhắc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng bởi, có những lĩnh vực thì số tiền này là thấp, nhưng có lĩnh vực thì số tiền này là quá lớn. Do đó, đại biểu đề nghị nên ủy quyền cho Chính phủ quy định…

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/du-an-ppp-quan-trong-phai-cong-khai-minh-bach-99434.html