Dự án tái sử dụng cao su từ thuyền tị nạn ở Đức

Đến châu Âu từ Pakistan trên chiếc thuyền cao su tồi tàn vào năm 2015, Abid Ali không nghĩ rằng ba năm sau mình sẽ sản xuất túi, ba lô và giày thể thao từ chính những chiếc thuyền như vậy tại một xưởng nhỏ ở Berlin, Đức.

Ali là một thợ may và hiện đang làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận Mimycri. Công việc của anh là tái sử dụng cao su từ những chiếc thuyền mà người di cư bỏ lại được tìm thấy trên các bãi biển Hy Lạp sau những chuyến vượt biển qua Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cửa ngõ của Liên minh châu Âu, để đến “vùng đất hứa”.

Kể từ khi Đức tiếp nhận hơn một triệu người tị nạn, chiếm 2/3 tổng số người vào Châu Âu, từ Trung Đông, châu Phi và Trung Á vào năm 2015, di cư đã trở thành vấn đề lớn ở đất nước này, thách thức liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel. Quyết định của chính quyền Berlin đã dẫn đến một làn sóng kỷ lục những người tị nạn tràn vào châu Âu.

Ali trong nhà xưởng của tổ chức Mimycri.

Bằng cách tận dụng cao su từ chiếc thuyền do những người tị nạn bỏ lại để làm ra các sản phẩm thời trang, Mimycri mong muốn tạo việc làm cho người di cư và cho họ cơ hội thể hiện tài năng của mình ở nơi đất khách quê người. Đồng thời, người nhập cư có thể khẳng định được chỗ đứng trong xã hội Đức, trong bối cảnh những tranh cãi về vấn đề này vẫn đang âm ỉ.

Tại xưởng của Mimycri, Ali cẩn thận đo một miếng cao su lớn trên bàn làm việc trước khi cắt ra theo các kích thước một cách chính xác và khéo léo sử dụng máy may để chế tác chúng thành một chiếc túi.

“Tôi đã quá quen thuộc với những chiếc thuyền cao su này. Đôi khi tôi nghĩ rằng mình đã tới đây bằng chính một trong những chiếc thuyền này, bởi vậy nó không còn quá xa lạ đối với tôi,” Ali chia sẻ.

Nora Azzaoui (trái) và Vera Guenther bên các sản phẩm được tái chế.

Hai đồng sáng lập Mimycri, Vera Guenther và Nora Azzaoui đã đưa ra ý tưởng cho dự án tái chế trên vào mùa hè năm 2015 khi họ tình nguyện giúp người tị nạn đến đảo Chios của Hy Lạp.

"Chúng tôi muốn xử lý chất thải nhựa bị bỏ lại trên các bãi biển ở Hy Lạp bằng một phương pháp mới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn tạo cơ hội việc làm cho những người mới đến đây và tận dụng tài năng của họ," Guenther chia sẻ.

Các nhóm môi trường cho biết rác thải nhựa từ áo phao và thuyền cao su do người di cư bỏ lại sau khi đến Hy Lạp là “là một khía cạnh bị bỏ quên” trong cuộc khủng hoảng di cư nói chung. Các nước chưa có hệ thống xử lý rác thải toàn diện nào cho vấn đề này. Vì vậy, dự án của Mimycri góp phần nâng cao nhận thức của dư luận về rác thải đối với hệ sinh thái bờ biển và môi trường đại dương.

MINH ANH (theo Reuters)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/du-an-tai-su-dung-cao-su-tu-thuyen-ti-nan-o-duc-544950