Dự án Thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé: Bộ NN-PTNT lên tiếng

Bộ NN-PTNT đang tiến hành tập hợp ý kiến chuyên gia về dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) để có câu trả lời cụ thể từng vấn đề.

Dừng lại để lắng nghe

Liên quan đến những thông tin trái chiều xoay quanh dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) trao đổi với Đất Việt, ngày 18/9, ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết: "Bên Bộ đang tập hợp toàn bộ ý kiến phân tích của các chuyên gia về dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, thậm chí cũng đã tổ chức một Hội nghị lớn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về dự án trên.

Chúng tôi cũng sắp có văn bản trả lời từng ý kiến, vấn đề được các chuyên gia nêu ra".

Trong khi đó, chia sẻ với Đất Việt, ĐBQH Lê Công Nhường, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định cho rằng, với các dự án lớn, vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mà có quá nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia thì cần dừng lại để xem xét, lắng nghe sự tham gia của cơ quan quản lý, cơ quan mặt trận, giới trí thức, nhân dân.

Cửa sông Cái Bé đổ thẳng ra vịnh Rạch Giá

Cửa sông Cái Bé đổ thẳng ra vịnh Rạch Giá

Khi nhận được sự đồng thuận cao của tất cả các bên thì hãy tiến hành làm, tránh nóng vội vì làm thì dễ sửa mới khó, thậm chí không thể sửa được.

Nguồn nước của ĐBSCL đang bị phụ thuộc nhiều vào biến đổi khí hậu, mỗi năm bị xâm lấn bởi nước mặn vài cm, nguồn nước ngọt dành cho sinh hoạt, tưới tiêu đang bị đe dọa.

Mục đích chính của dự án Cái Lớn - Cái Bé là nhằm điều tiết tình hình mặn, ngọt một cách phù hợp nhất để phục vụ cho việc trồng lúa hay nuôi tôm. Tuy nhiên, cần có các giải pháp lâu dài, sống chung với các thay đổi đó, thay vì can thiệp đối đầu với thiên nhiên cố gắng thực hiện các dự án ngăn mặn.

Như các chuyên gia đã lo ngại dự án này sẽ phá vỡ đi dòng chảy tự nhiên vốn có, một khi dòng nước không vào hay ra được thì chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, nhất là về môi trường.

"Theo tôi, nên có cái nhìn khách quan, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, họ là những người nghiên cứu, có nhiều kinh nghiệm, sẽ có các giải pháp hiệu quả cho dự án này. Tránh việc gây ô nhiễm môi trường cho cả vùng ĐBSCL, lúc đó hệ quả không riêng gì Kiên Giang mà còn nhiều tỉnh thành khác.

Đồng thời, nhất định phải được phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phân tích kỹ lưỡng mặt được - mặt mất cả kinh tế, xã hội, môi trường, nếu hiệu quả thì hãy triển khai, không thì dừng lại.

Hai Bộ có trách nhiệm chính Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT cũng cần lên tiếng, công khai toàn bộ các thông tin liên quan đến dự án, đưa ra ý kiến của mình về vấn đề này để dư luận được biết.

Chúng ta đã từng nói đến liên kết vùng, ĐBSCL cũng là một khu vực được quan tâm, nên cần xem dự án sẽ có tác động, ảnh hưởng như thế nào đến vùng này", vị ĐBQH trên nhấn mạnh.

Những việc cần làm

Một vấn đề khác, được ĐBQH Lê Công Nhường quan tâm, đó chính là hiệu quả của dự án, việc đầu tư gần 10.000 tỷ đồng có mang lại hiệu quả kinh tế không. Nhất là khi dự án nào cũng phát sinh thêm nhiều khoản chi phí khác như chi phí vận hành, đưa giá thành sản xuất tăng theo.

Và để biết được có hiệu quả không thì cần công khai minh bạch toàn bộ các báo cáo tiền khả thi, khả thi, ĐTM của dự án. Thậm chí, tổ chức Hội thảo mời các nhà khoa học, các nhà chuyên môn nghiên cứu ĐBSCL, đại diện các tỉnh thành xung quanh, đại diện các Bộ ngành đến tham gia, đóng góp ý kiến.

Khi chưa công khai xin ý kiến được thì tốt nhất không nên triển khai, còn cố tình làm là phạm Luật.

"Hiện nay, các dự án đầu tư trong giai đoạn 2015-2020 nằm trong danh mục đầu tư công, dù có đầu tư 1000 tỷ đồng thì cũng phải trình Chính phủ, sau đó Chính phủ xin ý kiến Quốc hội để dùng ngân sách dự phòng. Hiện nguồn ngân sách trên đang được siết chặt, nên bất cứ dự án đầu tư con số nghìn tỷ đồng cũng phải xin ý kiến.

Và dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phải làm theo Luật đầu tư công và Nghị quyết 120 "Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Vì tinh thần của Nghị quyết là tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, nhấn mạnh “chủ động sống chung với nước mặn, lợ”. Phải hiểu những quy luật tự nhiên, tìm cách thích ứng nào hữu hiệu nhất mà không trái quy luật tự nhiên để phải trả giá đắt", ông Nhường nhận định.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/du-an-thuy-loi-cai-lon-cai-be-bo-nn-ptnt-len-tieng-3365718/