Dự án xây ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm: Lựa chọn thêm phương án

Để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội xây dựng thêm các phương án bố trí nhà ga, lối lên, lối xuống của ga C9 và biện pháp giảm thiểu tác động tới các yếu tố chứa đựng giá trị của di tích.

Dự kiến khu vực lối lên xuống của ga ngầm C9 sẽ đặt phía sau đền Bà Kiệu.

Ở số báo trước, ĐĐK đã phản ánh về dự án xây ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm. Liên quan tới dự án này, mới đây Bộ VHTT&DL đã có Công văn số 706/BVHTTDL-DSVH gửi UBND TP Hà Nội về việc bố trí nhà ga và và các lối ra vào ga ngầm C9, thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, TP Hà Nội.

Cần xin ý kiến giới chuyên gia

Theo đó, sau khi tiến hành khảo sát hiện trạng khu vực, với sự tham dự và có ý kiến của một số nhà khoa học thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (GS NGND Phan Huy Lê, GS TSKH Lưu Trần Tiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc) và đại diện Sở Qui hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội, Sở VH&TT TP Hà Nội, Bộ VHTT&DL có ý kiến như sau: Thống nhất với việc bố trí nhà ga chính (ga ngầm) và cụm công trình phụ trợ theo Phương án Quy hoạch Tổng mặt bằng ga ngầm C9.

Đối với các lối lên xuống: Vị trí các lối lên xuống theo Phương án qui hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 hiện tại nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn.

Đây là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan, phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng của nhân dân, nên việc bố trí hai lối lên xuống và biện pháp thi công dự kiến tại khu vực ven hồ chưa nhận được ý kiến đồng tình của các nhà khoa học.

Để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội xây dựng thêm các phương án bố trí nhà ga, lối lên, lối xuống của ga C9 và biện pháp giảm thiểu tác động tới các yếu tố chứa đựng giá trị của di tích.

Sau đó, tổ chức buổi làm việc xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học thuộc lĩnh vực lịch sử, mỹ thuật, khảo cổ, kiến trúc, qui hoạch đô thị,... nhằm thống nhất và tạo sự đồng thuận rộng rãi trước khi triển khai các bước tiếp theo.

Không nên sa đà vào cảm tính

Quan tâm đến dự án xây ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm, KTS Trần Huy Ánh cho biết ông đã đóng góp ý kiến cho dự án này từ nhiều năm trước. Khi nghe tin về dự án này, lúc đó đã có nhiều câu hỏi vị trí ga nên đặt ở đâu cho phù hợp?

Năm 2013 cũng có nhiều ý kiến đóng góp cho vị trí đặt ga tàu điện ngầm C9. Nhiều chuyên gia cho rằng phù hợp nhất là đặt vòng rộng ra ngoài khu vực hồ Gươm (khoảng 300-200 m).

Phương án phù hợp thứ 2 là đặt tại không gian lớn (Sở Văn hóa, Điện lực Hà Nội… nhưng đàm phán với các đơn vị này không dễ...). Còn vị trí bây giờ (dự kiến khu vực lối lên xuống số 3, 4 (phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh bờ hồ Hoàn Kiếm) là không có cách nào khác đành để vào đó.

Nếu đã không còn cách nào khác, mà vẫn hỏi để lấy lệ thì phỏng có ích gì? Do đó, khi đã quyết xây dựng tuyến tàu điện Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo với ga ngầm C9 như dự kiến, vấn đề cần bàn bây giờ là Hà Nội/Việt Nam lần đầu tiên làm công trình metro - một thể loại chưa từng được chuẩn bị nhân lực thực hiện vận hành và bảo trì. Vậy kế hoạch đó các cơ quan có trách nhiệm đã chuẩn bị đến đâu?

Theo phân tích của KTS Trần Huy Ánh, giờ đây cả thế giới đã phổ biến cách tiếp cận mới: Kết hợp canh tân đô thị, khi xuất hiện tuyến giao thông mới thì sẽ có một loạt các hiệu ứng tương tác.

Thiết kế theo định hướng giao thông hay còn gọi là TOD (viết tắt của Transit Oriented Design). Như vậy cả khu vực quanh ga (bán kính 0,5 -1km) các công trình chìm và nổi kết nối thế nào?

Các cơ hội kinh doanh thay đổi, giá trị bất động sản (BĐS) thay đổi... thì ngân sách Nhà nước, lợi ích xã hội thu lại những lợi ích gì trong dự án đầu tư nhiều tỷ USD cho dự án này.

Cùng với đó, cơ hội gia tăng giá trị cho các tổ chức cá nhân khi giá trị khai thác không gian mới thì họ sẽ có nghĩa vụ với nhà nước, với xã hội ra sao… “Tại Hà Nội, bài toán phát triển BĐS ven đường và phát triển tuyến tầu điện nội thành đã làm cho mạng lưới giao thông tầu điện phát triển nhanh chóng.

Các chuyên gia, các nhà bình luận, các nhà quản lý nên có thảo luận về việc này. Đừng sa đà vào những ý kiến cảm tính như sợ ảnh hưởng tới cụ rùa, sợ ảnh hưởng không gian tâm linh, tinh thần… nghe không thuyết phục”- ông Ánh bảo vậy.

Tuy nhiên, KTS Trần Huy Ánh cũng phân tích thêm: Hà Nội đã có qui hoạch chi tiết hồ Gươm từ năm 1996 (do Bộ Xây dựng lập ra). Năm 2009 có một cuộc thi qui hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cân, có 9 phương án do các nhóm tư vấn trong nước và quốc tế vào vòng 2; kết thúc có 2 phương án đạt giải Nhì (không có giải Nhất).

Nhưng khi cần triển khai các dự án quanh khu vực hồ Gươm thì các qui hoạch hay các phương qui hoạch nói trên không phát huy được hiệu lực. Hơn thế, qui hoạch chi tiết hồ Gươm nói trên cũng chưa đề cập đến ga C9.

Đồng tình với xu thế phát triển để đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại tại Thủ đô, song KTS Trần Huy Ánh cũng cho rằng hiện hồ Gươm vẫn được quản lý theo cách tùy hứng, không có tầm nhìn chiến lược, dễ bị tổn thương.

Tuyến đường sắt số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) có điểm đầu của tuyến xuất phát tại Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo. Toàn tuyến có 10 nhà ga (3 ga trên cao và 7 ga ngầm).

Theo phương án đã phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km (trong đó có 8,5 km đi ngầm qua phố cổ, hồ Hoàn Kiếm và phụ cận). Dự kiến, năm 2017, đoàn tàu sẽ có 4 toa và sang giai đoạn 2 (sau năm 2017) sẽ tăng lên 6 toa.

Hương Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/du-an-xay-ga-tau-dien-ngam-sat-ho-guom-lua-chon-them-phuong-an/121164