Dù bạn mơ ước gì, hãy bắt tay vào làm!

Đó là chia sẻ của TS. Kambiz Ghawami, Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ Đại học Thế giới CHLB Đức (WUS), Ủy viên Hội đồng Đại học Việt - Đức trong cuộc trò chuyện với TG&VN về hợp tác giáo dục Việt Nam - Đức.

TS. Kambiz Ghawami

Trường Đại học Việt – Đức (VGU) được đánh giá là “ngọn hải đăng” trong hợp tác giáo dục Việt Nam – Đức. Trải qua 10 năm thành lập và phát triển, ông đánh giá thế nào về kết quả mà VGU mang lại?

VGU với tư cách “Trường đại học kiểu mẫu” được thành lập năm 2008 trong khuôn khổ hợp tác giữa bang Hessen và Việt Nam. Ngày 29/2/2008, Tuyên bố thành lập trường đã được ký trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – TS. Phạm Gia Khiêm và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao - nay là Tổng thống Đức – TS. Frank-Walter Steinmeier.

Từ “Dự án hải đăng”...

Trước đó, tháng 9/2006, tại thành phố Frankfurt đã diễn ra cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Khoa học bang Hessen TS. Udo Corts và Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam lúc đó là GS. Nguyễn Thiện Nhân về việc xem xét khả năng thành lập Trường Đại học Việt – Đức là trường Đại học Quốc gia của Việt Nam. Ý tưởng này do GS. Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng. Ông Nhân từng làm nghiên cứu sinh ở Đức nên hiểu rất rõ những thế mạnh cũng như điểm yếu của hệ thống đại học Đức. Ông ấy có ý tưởng thành lập các trường đại học kiểu mẫu để xem xét khả năng tiếp thu các thế mạnh nhằm hiện đại hóa giáo dục cao đẳng và đại học của Việt Nam.

Tháng 5/2007, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Đức Horst Köhler, hai Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và Udo Corts đã ký Ý định thư với mục tiêu đưa trường Đại học Việt – Đức vào hoạt động từ niên khóa 2008/2009.

Hôm nay, chúng ta đều có thể tự hào khi VGU đã trở thành “dự án hải đăng” với khoảng 1.500 sinh viên và 11 ngành học. Tháng 10 tới, trường sẽ vinh danh lần thứ 7 các sinh viên tốt nghiệp bậc thạc sĩ và cử nhân của trường. Trong số các sinh viên VGU tốt nghiệp thì có tới 95% tìm được công việc phù hợp và 5% còn lại tiếp tục học sau Đại học.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier chứng kiến lễ ký tuyên bố thành lập VGU, năm 2008.

Cộng đồng các trường đại học của Đức cũng đánh giá VGU rất tích cực. Hơn 30 trường đại học của Đức đã hợp tác với VGU và ngày càng có nhiều sinh viên quốc tế theo học tại VGU.

Bên cạnh việc được nhiều lãnh đạo Đức đánh giá cao như Thủ tướng Angela Merkel, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Norbert Lammert và nhiều Bộ trưởng Đức khác đã từng đến thăm trường, Trường còn có vinh dự được đón nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đến thăm như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để tìm hiểu về chất lượng giáo dục hàn lâm bậc cao của trường.

Chúng ta có thể tự hào khi nhắc lại lời dạy của Bác Hồ được nêu trong Tuyên ngôn thành lập trường: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Chúng ta cũng không quên lời khuyên của đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe: “Dù bạn làm được gì hay mơ ước gì, hãy bắt tay vào làm. Trong sự táo bạo là tài năng, quyền lực và điều kỳ diệu”. Việc thành lập và xây dựng trường đã và đang đòi hỏi rất nhiều sự táo bạo và dũng cảm cũng như sự tin cậy lẫn nhau của Việt Nam, bang Hessen và Đức.

Xin ông chia sẻ mục tiêu ưu tiên của VGU trong thời gian tới là gì?

Các mục tiêu của VGU sẽ do Hội đồng trường gồm 10 đại diện cấp cao của Việt Nam và 10 đại diện cấp cao của Đức xác định. Hội đồng trường đã quyết định đến năm 2021 sẽ nâng lên tổng cộng 21 ngành học bậc thạc sĩ và cử nhân. Bên cạnh đó, khuôn viên mới của trường với tổng mức đầu tư xây dựng lên tới 200 triệu USD - do Chính phủ Việt Nam cung cấp - sẽ được hoàn thiện. Ngoài ra, việc xây dựng công tác nghiên cứu của VGU cũng như việc xác định vị trí của VGU với tư cách một trường đại học hàng đầu của Việt Nam và khu vực ASEAN.

...đến gợi mở về đào tạo nghề

Hệ thống đào tạo nghề kép của Đức được đánh giá là tốt nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam lại đang đối mặt với vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ”. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm về đào tạo nghề của Đức mà có thể áp dụng tại Việt Nam?

Xương sống của nền kinh tế Đức và lịch sử thành công của nó là công tác đào tạo nghề cơ bản trong khuôn khổ của hệ thống song hành của Đức. Ở Đức, một thợ thủ công tay nghề cao và một học giả có thu nhập gần như nhau, thậm chí có những thợ cả còn có thu nhập cao hơn học giả. Điều này cho thấy việc đào tạo tay nghề tốt được đánh giá cao tại Đức và trên thực tế, bất cứ nền kinh tế nào đều cần có những thợ thủ công và trí thức. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiếp thu hệ thống đào tạo nghề của Đức và từ đó đã đặt nền móng cho những thành công to lớn của nền kinh tế.

Ở nhiều nơi trên thế giới, giới trí thức thường có uy tín hơn giới thợ và đây là một cách nhìn hoàn toàn sai lầm. Những đòi hỏi về kỹ thuật thời nay đối với người thợ có thể so sánh tương tự với những đòi hỏi đối với một kỹ sư. Ở Việt Nam, các bậc phụ huynh cần phải được thuyết phục là việc đi học nghề không phải là điều gì đáng xấu hổ mà là một cơ hội để con em họ phát huy năng khiếu và khả năng của mình nhằm đóng góp cho kinh tế đất nước nói chung và cho gia đình nói riêng.

Theo ông, có lạc quan không nếu chúng ta nghĩ đến một “VGU” khác về đào tạo nghề theo mô hình của Đức tại Việt Nam?

Bạn nên dành câu hỏi này cho những chính trị gia dũng cảm và có tầm nhìn xa trông rộng của Việt Nam và Đức. Tất nhiên, một “dự án hải đăng“ tiếp theo trong đào tạo nghề là điều đáng mong ước. Ở đây, tôi xin lưu ý là đã từ nhiều năm nay Đức hỗ trợ Việt Nam rất mạnh mẽ trong việc phát triển lĩnh vực đào tạo nghề nhưng dường như chúng ta chưa thuyết phục được các bậc phụ huynh thay đổi tư duy của họ.

Cách đây bốn năm, chúng tôi đã hỗ trợ Đài Truyền hình quốc gia Indonesia sản xuất một bộ phim giới thiệu về hệ thống đào tạo nghề kép (học đồng thời lý thuyết và thực hành) của Đức, với nhân vật là những người thợ cả Đức rất thành công. Bộ phim đã được phát lại nhiều lần và có tác động tích cực đến quan niệm về đào tạo nghề. Từ đó, số lượng thanh niên ở Indonesia quyết định học nghề đã tăng lên. Một bộ phim như vậy ở Việt Nam có thể hữu ích để thuyết phục các bậc phụ huynh.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Anh – Đức Linh

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/du-ban-mo-uoc-gi-hay-bat-tay-vao-lam-75833.html