Dự báo giá dầu tuần này

Giá Brent (tháng 10) tuần giao dịch đầu tuần từ 17 - 21/8 biến động trong biên độ 43,63 - 45,46 USD/thùng, đóng cửa tuần giao dịch ở mức 44,30 USD/thùng (giảm 1,7%).

Mở cửa tuần giao dịch ngày 17/8, Brent đầu phiên giảm 1% xuống 44,61 USD/thùng, tiếp tục đà giảm cuối tuần trước sau khi IEA và OPEC hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ, sau đó tăng 1,5% lên 45,3 USD/thùng nhờ vào báo cáo của Ủy ban kỹ thuật OPEC (JTC) về tỷ lệ tuân thủ hạn ngạch cắt giảm tháng 7 khá cao 95-97%, ngoài ra, thị trường kỳ vọng quan hệ Mỹ - Trung sẽ có bước tiến triển sau khi Trung Quốc có những bước nhượng bộ nhất định trong thương mại: tăng cường nhập dầu thô Mỹ trong tháng 8-9 lên tới 20 triệu thùng, tập trung mua hàng nông sản của Mỹ thay vì Brazil.

Ngày 18/8, Brent biến động trong biên độ hẹp 44,8 - 45,4 USD/thùng chờ đợi kết quả kỳ họp Ủy ban giám sát OPEC+ (JMMC), lo ngại về đà phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại châu Á và châu Âu, giá dầu được hỗ trợ bởi thông tin sơ bộ của API về trữ lượng dầu thương mại Mỹ tiếp tục giảm 4,3 triệu thùng (tuần thứ 4 liên tiếp). Ngoài ra đồng USD yếu (USD index 92,1) cũng đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ đạt đỉnh cao mới, chỉ số S&P 500 tăng lên mức 3.395 điểm - hồi phục hoàn toàn so với trước đại dịch Covid-19. Vốn hóa thị trường của Apple vượt mốc 2.000 tỷ USD, tăng gấp đôi trong vòng 2 năm trở lại đây.

Ngày 19/8, Brent giao dịch dưới 45 USD/thùng, có lúc giảm trên 1%, chịu áp lực bởi căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung gia tăng và lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu thô bấp bênh. Mỹ đã có hàng loạt động thái gia tăng áp lực lên Trung Quốc: tạm dừng đàm phán và thảo luận kết quả thực hiện thỏa thuận thương mại (thông tin mới nhất phía Trung Quốc cho biết hai bên sẽ nối lại sớm), mở rộng hạn chế đối với Huawei, kêu gọi hạn chế đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc. Ngoài ra, Nhà Trắng và Quốc hội vẫn chưa thể thống nhất về giá trị gói cứu trợ kinh tế mới, chính phủ chỉ đồng ý chi 1.000 tỷ USD, trong khi Quốc hội yêu cầu chi gấp đôi. Giá dầu hiện được hỗ trợ bởi báo cáo của EIA: trữ lượng dầu thương mại Mỹ giảm 1,6 triệu thùng/tuần, sản lượng khai thác trung bình tuần vẫn ở mức thấp 10,7 triệu bpd.

Hai ngày giao dịch cuối tuần 20 - 21/8, Brent đã tuột khỏi mốc tâm lý 45 USD/thùng, có lúc giảm trên 3% xuống 43,66 USD/thùng. Nguyên nhân chính là do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thấp hơn dự báo, bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 2 đang gia tăng tại châu Âu, châu Á (chỉ số PMI service EU giảm 3,3 điểm trong tháng 7), số ca nhiễm mới toàn cầu tăng trưởng trên 261.000/ngày, tổng cộng đã ghi nhận trên 23,5 triệu ca, tử vong trên 810.000 người. Trữ lượng dầu thương mại Mỹ tuần qua tuy có giảm, nhưng thấp hơn dự báo lần đầu tiên trong vòng 1 tháng trở lại đây (1,6 so với 2,7 triệu thùng), cho thấy dấu hiệu chững lại, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trung bình 4 tuần cuối giảm 14%, số lượng giàn khoan hoạt động tại Mỹ bắt đầu tăng trở lại (tăng 11 lên 183 đơn vị). Thêm vào đó, FED nhận định nền kinh tế Mỹ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi, triển vọng mập mờ cản trở người dân lên kế hoạch chi tiêu, hạn chế đầu tư và giải ngân tín dụng. Để giải quyết được vấn đề này, cần kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng, trong khi chính quyền Tổng thống D. Trump và Quốc hội vẫn chưa đạt được thỏa thuận khung về gói cứu trợ kinh tế mới.

Những yếu tố sẽ hỗ trợ giá dầu hiện nay:

- Đồng USD yếu;

- Tỷ lệ thực hiện thỏa thuận OPEC+ tháng 7 ở mức cao 95%, cắt giảm bù đắp tổng cộng 2,31 triệu bpd trong tháng 8-9;

- Sản lượng khai thác của Mỹ vẫn ở mức thấp 10,7 triệu bpd;

- Vaccine chống Covid-19 của Nga chuẩn bị thử nghiệm đại trà sau đăng ký có thể được phê chuẩn vào tháng 10 tới.

Theo chúng tôi nhận định, trong tuần này giá Brent sẽ giao động trong biên độ 41 - 46 USD/thùng.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/du-bao-gia-dau-tuan-nay-576737-576737.html