'Dự báo' một số vướng mắc về thẩm quyền giải quyết tố cáo

Chuyên đề 'Thẩm quyền giải quyết tố cáo' do ThS. Tạ Thu Thủy, Phó phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra chủ trì đã đưa ra dự báo những nguy cơ có thể xảy ra khi quy định của Luật Tố cáo (sửa đổi) áp dụng vào thực tiễn cuộc sống (Luật Tố cáo (sửa đổi) vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), từ đó đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền giải quyết tố cáo (TC).

Ảnh minh họa

Phải quy định rõ hơn thẩm quyền giải quyết TC phù hợp

Theo đó, việc xác định thẩm quyền giải quyết TC có thể gặp khó khăn, vướng mắc khi quy định người đứng đầu có thẩm quyền giải quyết TC đối với đối tượng do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp. Trong thực tế phát sinh trường hợp một người vừa được một chủ thể bổ nhiệm, vừa được một chủ thể khác quản lý trực tiếp, do đó khi công chức đó bị TC sẽ khó xác định người có thẩm quyền giải quyết.

Do vậy, pháp luật cần quy định rõ hơn thẩm quyền giải quyết TC trong trường hợp một công chức được một chủ thể này bổ nhiệm nhưng lại được một chủ thể khác quản lý trực tiếp.

Tương tự, theo ThS. Tạ Thu Thủy, việc xác định trách nhiệm pháp lý đối với người bị TC là người nghỉ hưu chưa phù hợp với thực tiễn. Việc giao thẩm quyền giải quyết TC cán bộ đã nghỉ hưu cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi người đó đã công tác trước khi nghỉ hưu đặt ra vấn đề: Khi xử lý người đã nghỉ hưu mà cũng được áp dụng tương tự như đối với người đương nhiệm là không phù hợp, vì theo quy định tại Điều 78, Điều 79 Luật Cán bộ, công chức và Điều 52 của Luật Viên chức, hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là cách chức, bãi nhiệm, giáng chức và cho thôi việc. Trong khi đó, đối với người đã nghỉ hưu thì có thể thấy khó áp dụng các hình thức kỷ luật này. Thực tế thời gian qua cho thấy, khi xử lý một vài trường hợp mà có áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với một số cán bộ đã nghỉ hưu, thì trong dư luận xã hội vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.

Vì vậy, cần nghiên cứu xác định áp dụng hình thức trách nhiệm pháp lý phù hợp đối với người bị TC là người nghỉ hưu, khác với áp dụng trách nhiệm pháp lý với người đương nhiệm.

Bên cạnh đó, quy định thẩm quyền giải quyết TC trong các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chưa phù hợp với tính đặc thù về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị này. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của DNNN có tính đặc thù so với cơ quan quản lý Nhà nước, tuy không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước nhưng được giao quản lý hạ tầng và lượng tài sản rất lớn.

Mặc dù, Luật TC (sửa đổi) đã bổ sung thêm một điều khoản riêng quy định về thẩm quyền giải quyết TC hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong DNNN, nhưng vẫn còn có thể xảy ra một số bất cập trong thực tiễn về xác định thẩm quyền giải quyết.

Đơn cử, với trường hợp người bị TC trong DNNN là những người có nhiệm vụ, quyền hạn nhưng không phải là cán bộ, công chức, viên chức, không theo chế độ quản lý của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị có tính chất đặc thù quản lý tiền, tài sản rất lớn, người đó có thể gây ra những thiệt hại, cần phải có cơ chế phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm thì thẩm quyền giải quyết thuộc về ai? Trong khi Điều 19 chỉ quy định thẩm quyền giải quyết TC hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong DNNN; mà thực tiễn đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong DNNN hiện nay còn rất ít; đối tượng còn lại là một khoảng trống mà pháp luật chưa quy định rõ thẩm quyền giải quyết nếu bị TC.

Do vậy, cần nghiên cứu quy định rõ hơn thẩm quyền giải quyết TC phù hợp với tính đặc thù về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các DNNN. Pháp luật cần hướng dẫn cụ thể hơn về thẩm quyền giải quyết TC với trường hợp người bị TC không phải là cán bộ, công chức, viên chức mà chỉ là người thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Quy định “mở” về thẩm quyền giải quyết TC

Mặt khác, cần có văn bản hướng dẫn giải thích rõ hơn về người có chức danh, chức vụ; tránh trường hợp pháp luật điều chỉnh chưa bao quát các chủ thể bị TC trong DNNN nên chưa xác định được thẩm quyền giải quyết. Nên chăng quan niệm này có thể hướng dẫn trên cơ sở quan niệm mở hơn về người có chức vụ, quyền hạn theo Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo đó, không chỉ giới hạn là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội mà còn cả những người được tin tưởng, giao nhiệm vụ để quản lý tài sản hoặc được giao thực hiện một công việc, một quyền năng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế - xã hội.

Cần có quy định “mở” hơn về thẩm quyền giải quyết TC hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực. Hiện nay, quy định về thẩm quyền giải quyết TC hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực chủ yếu được xác định theo nguyên tắc, đó là liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết; hoặc TC nhiều hành vi vi phạm pháp luật thuộc chức năng quản lý Nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp để thống nhất xác định cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết, hoặc báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết. “Quy định này khá cứng, nhất là với việc TC hành vi vi phạm mang tính chất xâm hại lợi ích công cộng, khác với hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ”, ThS. Tạ Thu Thủy khẳng định.

Có thể thấy, mặc dù Luật TC (sửa đổi) đã điều chỉnh về TC và giải quyết TC với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực, nhưng còn bó hẹp về thẩm quyền giải quyết. Suy cho cùng, giải quyết TC trong quản lý Nhà nước cũng nhằm hướng tới bảo vệ lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; trong đó, không loại trừ mục tiêu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đảm bảo minh bạch trong quá trình thực thi quyền lực công. Do vậy, về lâu dài, nghiên cứu mở rộng thẩm quyền giải quyết TC hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý Nhà nước, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia đã có thành công nhất định như Hàn Quốc, cũng là hướng đi cần thiết.

Bảo Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/du-bao-mot-so-vuong-mac-ve-tham-quyen-giai-quyet-to-cao_t114c1160n140987