Dự báo nông nghiệp về đích ngoạn mục, nhưng vẫn lo nông sản 'quay đầu'

Dự báo xuất khẩu nông lâm thủy sản năm nay sẽ về đích với kim ngạch khoảng 54 tỷ USD, song nỗi lo lớn nhất của ngành vẫn là câu chuyện thực hiện tốt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đảm bảo chất lượng nông sản XK để không phải bị trả, ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sau 3 quý của năm, giá trị xuất khẩu nông sản đạt gần 38,5 tỷ USD, tăng đến 22% so với cùng kỳ năm 2022 với nhiều mặt hàng tăng trưởng vượt bậc như rau quả, gạo, hạt điều…

Có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD

9 tháng đầu năm 2023, một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nổi trội. Cụ thể, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu hạt điều đạt 2,61 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu cà phê đạt 3,16 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bòn bon không phải là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng chỉ 10kg vi phạm ở thị trường Iceland cũng có thể ảnh hưởng tới uy tín của cả ngành nông sản Việt Nam.

Riêng với mặt hàng gạo, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng xuất khẩu gạo đạt 6,6 triệu tấn; giá gạo 553 USD/tấn, tăng 14%. Với kết quả đã đạt được, dự báo sản lượng gạo xuất khẩu chắc chắn sẽ vượt con số của năm ngoái (7,13 triệu tấn) và dự kiến sẽ đạt 7,8 triệu tấn với giá trị đạt trên 4 tỷ USD.

“Nếu đà tăng trưởng này được duy trì từ nay đến cuối năm. Chúng tôi tin tưởng rằng, mục tiêu xuất khẩu 54 – 55 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp năm 2023 có thể đạt được”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.

Tuy vậy, một trong những mối lo của ngành nông nghiệp hiện nay là vẫn còn tình trạng những lô hàng vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Theo thống kê, chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện 370 lô hàng chuối, xoài, thanh long, sầu riêng, mít bị cảnh báo đều liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của 13 tỉnh. Những vi phạm này có thể đẩy các ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đứng trước nguy cơ mất thị trường.

Cùng với đó về kiểm soát chất lượng, một thông tin trong những ngày gần đây, Iceland vừa gửi cảnh báo lên hệ thống thông báo của Liên minh châu Âu (EU) đối với sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật xuất khẩu của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng phản ánh, một số siêu thị (Waitrose, Whole Food) tại Anh đã dừng bán thanh long Việt Nam và chuyển sang bán thanh long Tây Ban Nha hoặc Campuchia.

Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Scotland (FSS) dự kiến đề xuất đưa trái thanh long Việt Nam sang phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi được phép lưu thông trên thị trường).

Nỗi lo nông sản ‘quay đầu’ từ chuyện 10kg bòn bon

Thông tin về vụ việc này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết đây là lô hàng của một doanh nghiệp ở TP.HCM xuất sang EU, tổng trọng lượng là 386 kg, trị giá 1.015 USD với 46 sản phẩm nông sản, bao gồm các loại rau, củ, quả như rau muống, rau răm, tía tô… Trong đó, quả bòn bon chỉ 10kg, trị giá 32 USD, theo hóa đơn của đơn vị xuất khẩu sang Iceland.

Như vậy, trong toàn bộ lô hàng 46 sản phẩm, chỉ có 10kg là trái bòn bon bị vi phạm vượt ngưỡng giới hạn mức tối đa cho phép của chất carbaryl theo quy định của EU.

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, tuy chỉ có 10kg bòn bon bị cảnh báo bởi một bộ phận nhận thức chưa đầy đủ, nhưng đã làm ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt Nam. “Khi mang sản phẩm ra nước ngoài, thậm chí là sử dụng ngay cả ở trong nước, chúng ta cũng nên biết rõ nguồn gốc. Có hiểu rõ nguồn gốc mới hiểu được chất lượng”, ông nói.

Làm rõ hơn những lo ngại trên, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết vừa qua, có thông tin Trung Quốc thu hồi hơn 70 mã số vùng trồng, hơn 40 cơ sở mã đóng gói, tuy nhiên đây không phải phía Trung Quốc tạm dừng mà do Việt Nam chủ động dừng để rà soát lại hệ thống nhằm để đáp ứng yêu cầu tốt hơn.

Theo bà Hương, thông tin vi phạm được gửi về các tỉnh. Ngay sau khi có thông tin thu hồi, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá cao việc Việt Nam chủ động tạm dừng. Thực tế là nếu chúng ta không chủ động tạm dừng, để nước nhập khẩu thu hồi hoặc tạm dừng rồi thì thiệt hại sẽ lớn hơn, ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt khi xuất khẩu sang các nước.

Tới đây, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp Cục Trồng trọt trình Chính phủ ban hành quy định pháp luật về việc thu hồi quản lý mã số vùng trồng, nâng cao tính răn đe, quản lý tốt vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đồng thời, tuyên truyền cho chủ cơ sở vùng trồng, thực hiện tốt hơn các nước trong thời gian tới.

Quay trở lại câu chuyện của mặt hàng thanh long, quả bòn bon, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết khi phía Anh yêu cầu kiểm soát ở đầu nhập khẩu, cũng có nghĩa họ tin tưởng hơn rằng chất lượng thanh long của Việt Nam đã tốt hơn, nhưng điều đó cũng rủi ro cao, bởi nếu phát hiện vi phạm thì chi phí tiêu hủy lô hàng sẽ lớn hơn, ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt.

Còn với mặt hàng bòn bon, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan 1.800 – 2.000 tấn/năm, sản lượng mặt hàng này trồng cũng rất nhỏ ở Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng điều đó không có nghĩa là buông lỏng chất lượng. Lượng bòn bon xuất khẩu mỗi năm chưa được 300kg, riêng Iceland xuất 6 lô, đã bị một lô vi phạm.

Tới đây, “chúng tôi sẽ tổ chức chiến dịch tuyên truyền để người dân hiểu, sản xuất đúng quy trình, đảm bảo an toàn thực phẩm”, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/du-bao-nong-nghiep-ve-dich-ngoan-muc-nhung-van-lo-nong-san-apos-quay-dau-apos-1095670.html