Dự báo thế giới bất ổn sau 'cơn địa chấn' dân túy

Với việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, có thể nói năm 2016 là thời điểm 'cơn địa chấn' chủ nghĩa dân túy làm chấn động cả hai bờ Đại Tây Dương, báo hiệu sự bất ổn bao trùm các cuộc bầu cử sắp tới ở châu Âu. Giới chuyên gia gọi đây là làn sóng lo ngại về toàn cầu hóa, vấn đề di cư và chủ nghĩa khủng bố.

Một người dân cầm cờ EU bên ngoài trụ sở dinh Thủ tướng Anh sau khi cử tri nước này bỏ phiếu rời EU. Ảnh: Reuters

Một người dân cầm cờ EU bên ngoài trụ sở dinh Thủ tướng Anh sau khi cử tri nước này bỏ phiếu rời EU. Ảnh: Reuters

Chủ nghĩa dân túy lên ngôi

Năm 2016, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy, bắt đầu từ nước Anh. Cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6 đã gây sốc cho toàn thế giới sau khi người dân “xứ sở sương mù” chọn rời EU thay vì ở lại dù kết quả thăm dò luôn cho thấy phe ở lại thắng thế. Gần 5 tháng sau, đến lượt các cử tri Mỹ bất ngờ chọn Donald Trump làm Tổng thống. Làn sóng ấy không dừng lại mà đã và đang tiếp tục tấn công vào các thành trì châu Âu. Từ Italy, Áo, Hà Lan đến Pháp và Đức, thái độ bất mãn của người dân với các vấn đề từ chênh lệch giàu nghèo đến nhập cư sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lá phiếu, kéo theo là những hệ quả khó có thể dự đoán.

Toàn cầu hóa và vấn đề người di cư đã làm thay đổi thị trường việc làm và thống kê dân số ở phương Tây. Theo chuyên gia Richard Wike thuộc Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ, rất nhiều người, kể cả ở quốc gia được xây dựng bởi người nhập cư như Mỹ, đã liên hệ vấn đề tội phạm với vấn đề người nhập cư. Trên khắp châu Âu, từ Hà Lan đến Ba Lan, từ Thụy Điển đến Italy, những nét tương đồng với tình hình những năm 1930 đã trở nên rất phổ biến. Hiện một loạt phong trào dân túy đang tìm cách nổi dậy chống lại giới tinh hoa chính trị ở thành phố, cũng như chống lại Brussels, và đưa nước họ tập trung trở lại vào tầng lớp trung lưu đang sống chật vật. Nhiều người đặt câu hỏi liệu sau khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20-1 tới, liệu những người theo chủ nghĩa dân túy có giành được quyền lực ở châu Âu?

Trong suốt chiến dịch vận động Brexit và bầu cử Mỹ, khoảng thời gian trước khi diễn ra các cuộc bỏ phiếu đã bị chi phối bởi cuộc tranh luận về vấn đề toàn cầu hóa, làn sóng người di cư đến châu Âu kể từ năm 2015, mà rất nhiều trong số đó là người Hồi giáo, cùng các cuộc tấn công khủng bố. Các đảng truyền thống ủng hộ châu Âu đã thở phào nhẹ nhõm khi Norbert Hofer, một người theo chủ nghĩa dân tộc, bị đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống ở Áo hôm 4-12. Tuy nhiên, hy vọng đã lập tức bị dập tắt ở Italy, nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone), sau việc Thủ tướng Matteo Renzi từ chức, mở đường cho các cuộc bầu cử sắp tới và mang lại cơ hội cho Phong trào dân túy 5 sao - vốn ủng hộ rời Eurozone - và đảng Liên đoàn miền Bắc phản đối nhập cư.

Sẽ còn nhiều Brexit?

“Cú sốc Brexit” và kết quả trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp tại Italy khiến nhiều người lo ngại về tác động của nó đối với một châu Âu vốn chất chứa nhiều khủng hoảng. Cuộc trưng cầu ý dân ở Italy có thể châm ngòi cho cuộc bầu cử sớm nổ ra trên toàn châu Âu. Hà Lan sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 3 tới và chính đảng chống người Hồi giáo của ông Geert Wilders có thể giành chiến thắng lần đầu tiên, cho dù tình hình chính trị chia rẽ ở quốc gia này có thể cản trở ông thành lập một chính phủ liên minh.

Người dân Italy biểu tình phản đối cải cách Hiến pháp ở Roma. Ảnh: EPA

Pháp cũng sẽ bỏ phiếu lựa chọn một tổng thống mới vào tháng 5-2017. Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen được cho là sẽ tiến vào vòng hai để “so găng” với nhân vật bảo thủ Francois Fillon. Mùa Thu 2017, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người trong năm 2015 đã mở cửa tiếp nhận hàng loạt người tị nạn, một lần nữa sẽ ra tranh cử. Trong khi từ lâu phải đối mặt các phong trào dân túy đang ảnh hưởng sâu rộng ở các nước láng giềng, bà Merkel giờ đây còn phải đối phó với sự trỗi dậy của đảng AfD chống người nhập cư và người Hồi giáo.

Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận dự đoán bà Merkel sẽ thắng cử và bà Le Pen sẽ thất bại, nhưng điều đó vẫn có thể thay đổi. Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến đã bị nhiều người nghi ngờ sau khi dự đoán rằng Anh sẽ bỏ phiếu ở lại EU và ông Trump sẽ thất bại trước nữ chính trị gia giàu kinh nghiệm Hillary Clinton. Việc ông Trump thắng cử cho thấy không có một giới hạn tự nhiên nào cho sự phát triển của các phong trào dân túy. Nếu mọi người cho rằng bà Le Pen thắng cử là điều không thể, thì họ đang mắc phải sai lầm tương tự khi cho rằng ông Trump không thể giành chiến thắng.

Giới nghiên cứu cấp cao ở Brussels cho rằng chiến thắng của ông Trump cũng truyền sự tự tin nhất định cho các phong trào dân túy châu Âu. Tuy nhiên trong thời gian tới, điều đó còn phụ thuộc vào cách ông trùm bất động sản này biến những lời lẽ hùng hồn thành chính sách thực tế ra sao. Liệu ông có thể mang việc làm từ Trung Quốc hay Mexico về cho người dân Mỹ hay không? Liệu ông có trục xuất người nhập cư bất hợp pháp ra khỏi Mỹ? Đó là các ưu tiên mà những nhân vật theo chủ nghĩa dân túy châu Âu quan tâm.

Cách thức các quốc gia châu Âu giải quyết các cuộc khủng hoảng trong tương lai sẽ là chìa khóa tạo ra sự thay đổi cho tương lai chính trị của các phong trào dân túy. Nếu họ thất bại, sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đe dọa đến sự thống nhất của toàn EU.

Trung Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/du-bao-the-gioi-bat-on-sau-con-dia-chan-dan-tuy/