Dự báo tiền vòng về Vn30, cổ phiếu vừa và nhỏ sắp qua thời hoàng kim?

Tiền đổ vào thị trường rất nhiều nhưng lại không tập trung ở nhóm vốn hóa lớn mà chủ yếu luân chuyển giữa cổ phiếu các nhóm vốn hóa nhỏ và trung bình khiến chỉ số đại diện cho hai nhóm này tăng trưởng mạnh trong suốt gần một năm vừa qua kể từ nửa sau năm 2021. Tuy nhiên, cục diện này đang sắp xoay chiều.

Diễn biến các chỉ số từ năm 2021 đến nay.

Thống kê cho thấy, kể từ đầu tháng 4/2021 đến nay, trong vòng khoảng 1 năm, Vn-Index tăng trưởng 22,4% chủ yếu nhờ đóng góp tăng trưởng từ nhóm Vn-Smallcap và Vn-Midcap. Hai nhóm này với mức tăng trưởng lần lượt 70% và 47%. Trong khi đó, Vn30 chỉ tăng 21,6%.

Thanh khoản hai nhóm này cũng vượt trội trong suốt một năm vừa qua. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên UpCOM đâu đó khoảng 1.300 tỷ đồng trong thời gian đầu năm 2021. Nhóm HNX khoảng 3.000 tỷ thì bước sang thời điểm hiện tại, thanh khoản tăng vọt đạt giá trị bình quân mỗi phiên lần lượt đạt 1.800 tỷ đồng và 3.600 tỷ đồng. Tỷ trọng tăng trưởng mạnh trong suốt đầu năm 2021 đến nay. Trong khi đó, tỷ trọng giá trị giao dịch của Vn30 lại giảm.

Như VnEconomy đã phân tích ở những bài trước, dòng tiền rời nhóm Vn30 có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân.

Nhóm vốn hóa lớn bao gồm cổ phiếu của các doanh nghiệp và Ngân hàng đầu ngành. Tăng trưởng lợi nhuận của nhóm này giảm tốc trong nửa cuối năm 2021 và áp lực bán ra mạnh từ khối ngoại, khiến cổ phiếu không thu hút được dòng tiền lớn và có diễn biến giá kém tích cực.

Trong suốt hai năm vừa qua, khối ngoại đã bán 4.436 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam, lũy kế từ đầu năm, giá trị bán lên tới 7.790 tỷ đồng. Với việc bán ròng liên tục, chỉ số VN30 giảm là điều dễ hiểu.

Trên nền định giá neo ở vùng cao so với lịch sử, sự xuất hiện dày đặc những tin tức hàm ý về triển vọng lợi nhuận khả quan (ví dụ như các thông tin liên quan đến giá hàng hóa tăng mạnh) đã giúp cổ phiếu nhóm vừa Vn-Mid và nhỏ Vn-Small hấp dẫn dòng tiền hơn so với VN30.

Tuy nhiên, dữ liệu thống kê cũng cho thấy, nhóm VN30 đang sở hữu nhiều lợi thế để kéo dòng tiền quay trở lại trong ngắn hạn. Trong Quý 1/2022, dòng tiền thoát khỏi Vnsmall nhiều nhất với thanh khoản bình quân giảm 9,2% so với quý trước.

Trong khi đó, về định giá, theo đánh giá của chứng khoán Mirae Asset, nhóm vốn hóa lớn VN30 và nhóm ngành tài chính VNFinlead có định giá tương đối hấp dẫn hơn nhóm vốn hóa vừa VN70. Thống kê kỳ vọng tăng trưởng EPS 2022, nhóm VN30 và VN Finlead được kỳ vọng có mức tăng trưởng giảm tốc trong khi đó, nhóm VN70 được kỳ vọng giữ được đà tăng trưởng.

Nhờ kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2022 trên 55%, cao hơn mức tăng trưởng 54% của năm 2021, nhóm các cổ phiếu vốn hóa vừa VN70 được định giá tương đối cao hơn thị trường chung mặc dù độ biến động tương đối lớn hơn. Tuy nhiên, Mirae Asset thận trọng hơn đối với dự phóng tăng trưởng của nhóm vốn hóa vừa, với mức dự báo tăng trưởng năm 2022 khoảng 31%, một phần do mức nền so sánh năm 2021 vốn đã khá cao.

Công ty chứng khoán này đánh giá tiềm năng tăng trưởng cho nhóm ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) năm 2022 cao hơn thị trường chung ở mức 28% so với cùng kỳ so với mức kỳ vọng của thị trường tổng hợp từ Bloomberg là 25%, chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng.

Lợi nhuận năm 2022 của ngân hàng được hỗ trợ bởi: kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm 2022 ở mức 13% YoY để tài trợ cho nền kinh tế phục hồi; nhiều ngân hàng cải thiện tỷ lệ CASA trong năm 2021, tạo cơ sở cho việc duy trì NIM trong năm 2022; rủi ro nợ xấu có thể gia tăng, tuy nhiên, chi phí tín dụng sẽ được giảm bớt phần nào do nhiều ngân hàng đã ưu tiên trích lập dự phòng trong năm trước; triển vọng thu nhập ngoài lãi lạc quan.

Đồng quan điểm, FiinGroup cho rằng, tỷ trọng phân bổ dòng tiền vào nhóm vốn hóa lớn VN30 duy trì đi xuống từ giữa năm 2021 và chưa có dấu cải thiện. Tuy nhiên, đây sẽ là nhóm cổ phiếu đáng quan tâm khi giá được chiết khấu và định giá giảm về vùng hấp dẫn vì ngành ngân hàng dự kiến sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường năm 2022 và chiếm tỷ trọng lớn trong thanh khoản hàng ngày. Trong khi đó, định giá nhóm phi tài chính đang ở trên mức nền rất cao.

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 4 vừa cập nhật, SSI Research nhận định, tâm điểm của thị trường đang hướng đến kết quả kinh Quý 1/2022 và kế hoạch định hướng năm 2022 và đây vẫn sẽ là mối quan tâm chính của thị trường trong tháng 4.

Với nhóm ngân hàng, SSI Research cho rằng đây sẽ là nhóm ngành cần chú ý trong tháng 4 sau khoảng thời gian dài giao dịch trầm lắng.

Nhìn chung, nhóm ngân hàng có thể đạt kết quả kinh doanh khả quan với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tương đối tích cực. Đối với cả năm 2022, dựa vào kế hoạch sơ bộ của các ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế có thể đạt khoảng 24% -25% so với cùng kỳ. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng 15% -35%.

Trong ngắn hạn, nhóm ngân hàng có thể nhận thêm lực đẩy từ yếu tố kỹ thuật khi kỳ vọng vào lực mua từ quỹ VFM VNDiamond (10/18 cổ phiếu thuộc nhóm ngành Ngân hàng) sau khi chứng chỉ lưu ký của quỹ này đã thực hiện thành công IPO tại thị trường Thái Lan dưới tên gọi DR "DIAMOND ETF". Chứng chỉ lưu ký này bắt đầu được niêm yết và giao dịch từ ngày 31/3, được kỳ vọng có thể thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư Thái Lan vào Việt Nam.

An Nhiên -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/du-bao-tien-vong-ve-vn30-co-phieu-vua-va-nho-sap-qua-thoi-hoang-kim.htm