Dự báo ưu tiên chính sách EU sau bầu cử Nghị viện

Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về châu Âu (Quỹ Robert Schuman) Pascale Joannin đánh giá cuộc bầu cử EP đã tạo ra tương quan chính trị mới tại châu Âu với nhiều 'cực quyền lực' khác nhau.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lần đầu tiên kể từ 20 năm qua, 2 nhóm đảng Nhân dân châu Âu (PPE) và Dân chủ và Xã hội (S&D) đã không giành được đa số ghế tại EP. Cả hai đảng lớn nhất trong Nghị viện châu Âu (EP) đều bị mất ghế (2 đảng mất tổng số trên 70 ghế), tuy nhiên họ vẫn duy trì vị trí số 1 và số 2 tại Nghị viện.

Trong khi đó, cuộc bầu cử này chứng kiến sự đi lên của nhóm đảng ADLE (Liên minh Dân chủ và Tự do) giành vị trí thứ 3 về ảnh hưởng tại EP khi họ có thêm gần 40 ghế nhờ vào sự liên minh của đảng Cộng hòa Tiến bước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Cuộc bầu cử EP cũng chứng kiến sự gia tăng ảnh hưởng của nhóm đảng Xanh do sự quan tâm ngày càng lớn của cử tri châu Âu về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Đảng này giành thêm 17 ghế, xếp ở vị trí thứ tư.

Đặc biệt, trước những thách thức mà Liên minh châu Âu (EU) đang gặp phải như vấn đề kinh tế, khủng hoảng nhập cư, mùa bầu cử châu Âu lần này còn cho thấy sự gia tăng ảnh hưởng của các đảng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa và hoài nghi châu Âu. Xét tổng thể, họ chiếm tới 22,8% số ghế trong EP.

Tuy nhiên, thế và lực của lực lượng này chưa đủ mạnh để cản trở sự vận hành của EP và các thiết chế châu Âu khác, song đây vẫn là một cực chính trị mà EU cần phải tính tới khi đề ra các quyết định chính trị.

Đặc điểm chính của EP sau bầu cử là đa cực chính trị, do đó sẽ không còn tình trạng thống nhất, áp đặt chính trị của 2 đảng PPE và S&D. Trong nhiệm kỳ mới của EP và các vị trí chủ chốt của EU, việc xây dựng và thông qua quyết định chính trị của EU sẽ mất nhiều thời gian và công đoạn do phải có sự thỏa hiệp và thống nhất của nhiều cực chính trị trong EP.

Theo đó, vấn đề này cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động đàm phán, thương lượng, ký kết và thông qua các hiệp định thương mại giữa EU và các đối tác.

Vào đầu tháng 7 tới (ngày bắt đầu khóa nghị viện mới) các nghị sĩ châu Âu sẽ bỏ phiếu để bầu ra Chủ tịch Nghị viện châu Âu và các bộ phận khác của Nghị viện (văn phòng, các ủy ban…). Đến giữa tháng 7, các nghị sĩ châu Âu sẽ phê chuẩn vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).

Vào tháng 10, Chủ tịch EC sẽ phải thành lập ê-kíp của mình dựa trên cơ sở những đề nghị bổ nhiệm của các quốc gia thành viên và các cao ủy được bổ nhiệm sẽ phát biểu tại EP khi nhậm chức. EC trong nhiệm kỳ mới sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 1/11.

Cuối cùng, các nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ các nước thành viên EU sẽ chỉ định Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhiệm kỳ 2 năm rưỡi.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng châu Âu sẽ bắt đầu vào ngày 1/12. Tháng 11/2019 cũng là thời điểm mãn nhiệm nhiệm kỳ 8 năm của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu. Vị trí này cũng do Hội đồng châu Âu chỉ định.

Như vậy, cả 4 thiết chế của Liên minh châu Âu (EU) sẽ được tổ chức lại trong năm 2019. Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch EC sắp mãn nhiệm đã khẳng định không ứng cử nhiệm kỳ hai, còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng sắp kết thúc nhiệm kỳ hai.

Do vậy, những vị trí chủ chốt của các thiết chế chính sẽ có thay đổi, nên có thể sẽ có một chiến lược mới được xác định cho giai đoạn 2019-2024.

Theo một quy định bất thành văn, các vị trí chủ chốt của EU được phân bổ để đảm bảo sự cân bằng về tương quan sức mạnh chính trị hiện tại và cân bằng về địa lý của các quốc gia theo quy mô (lớn/nhỏ), về lịch sử (cũ/mới) và vị trí địa lý (Bắc-Nam, Đông-Tây). Sự dàn xếp về nhân sự này là đối tượng của các cuộc thương lượng nhằm đạt được giải pháp đồng thuận cao nhất.

Qua nghiên cứu các kết quả thăm dò dư luận của EP và các chương trình tranh cử của các nhóm đảng chính trị tại EP trong kỳ bầu cử vừa qua, có thể xác định một số ưu tiên trong chính sách đối nội của EU như sau: ưu tiên giải quyết vấn đề khủng hoảng nhập cư; ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, giải quyết tình trạng thất nghiệp của giới trẻ; bảo vệ môi trường, xã hội và công dân châu Âu; bảo vệ người tiêu dùng và an toàn thực phẩm; bảo vệ dân chủ và nhân quyền.

Trên cơ sở các ưu tiên trong chính sách đối nội và các chương trình tranh cử của các nhóm đảng chính trị trong EP, có thể rút ra một số định hướng chính sách đối ngoại của EU trong thời gian tới. Cụ thể, EU hướng tới tiếng nói chung trong vấn đề đối ngoại nhằm nâng cao vị thế của EU trên trường quốc tế (thông qua bỏ phiếu).

Bên cạnh đó, giữa bối cảnh tình hình thế giới bất ổn do sự tranh giành ảnh hưởng và sự áp đặt của chủ nghĩa đơn phương của các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga, EU chủ trương theo đuổi và ưu tiên giải quyết các vấn đề quốc tế tại các diễn đàn đa phương, trong các vấn đề chính trị quốc tế lấy Liên hợp quốc làm trọng tâm, trong thương mại lấy Tổ chức Thương Thế giới (WTO) làm tâm điểm.

Mặt khác, EU chủ trương xây dựng một nền quốc phòng chung độc lập của khối và độc lập về chiến lược với Mỹ. Chính sách đối ngoại của EU trong thời gian tới cũng ưu tiên giải quyết các điểm nóng trên thế giới qua cơ chế ngoại giao đa phương nhằm làm giảm áp lực về làn sóng di cư từ các điểm nóng này vào châu Âu.

EU cũng ưu tiên thúc đẩy hợp tác trên thế giới về đấu tranh chống biến đổi khí hậu và kêu gọi các nước có quan hệ hợp tác với EU phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Được hình thành trong những năm 1990, chính sách thương mại của EU đang rất cần được thay đổi để đáp ứng mong đợi của các công dân châu Âu và để đối phó với những thách thức của tiến trình toàn cầu hóa.

Theo đó, chính sách thương mại của EU thời gian tới có thể sẽ phải điều chỉnh theo hướng sau: đảm bảo tuân thủ các cam kết của các đối tác thương mại của EU trong khuôn khổ WTO hoặc trong khuôn khổ hiệp định thương mại song phương; bảo vệ hiệu quả các lợi ích của EU, vấn đề mà các quốc gia thành viên không thể đảm bảo được ở cấp độ quốc gia (ví dụ như chính sách phòng vệ thương mại); đưa ra các chính sách nhằm hạn chế tác động tiêu cực về mặt xã hội của hoạt động thương mại (như thất nghiệp, vấn đề môi trường, sức khỏe của người dân).

Dựa trên các cơ sở trên, có thể thấy chính sách thương mại của EU trong tương lai có thể sẽ được xây dựng theo hướng bảo hộ tinh vi hơn. Vì vậy, việc xem xét ký kết hiệp định thương mại tự do giữa EU với các đối tác của khối sẽ trở nên khó khăn hơn./.

Đức Hùng (P/v TTXVN tại Brussels)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/du-bao-uu-tien-chinh-sach-eu-sau-bau-cu-nghi-vien/125038.html