Dự chi 2.000 tỷ mua cổ phần của Vinaconex, con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô có gì trong tay?

Phiên đấu giá bán 21,28% vốn tại Vinaconex của Viettel ngày 22/11 tới đây đang gây chú ý trong giới đầu tư bởi quy mô lên tới hơn 2.000 tỷ đồng và sự tham gia bất ngờ của con trai nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô.

Ngày 22/11 tới sẽ diễn ra phiên đấu giá 21,28% cổ phần Vinaconex do Viettel đang nắm giữ.

Thương vụ nghìn tỷ

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả thẩm định năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần của tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) do tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu.

Theo đó, hội đồng thẩm định đã chốt danh sách 2 nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện tham gia đấu giá mua cổ phần Viettel tại Vinaconex theo lô là: Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (công ty Cường Vũ) và công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam (công ty Thăng Long).

2 nhà đầu tư đủ điều kiện tham giá đấu giá 21,28% cổ phần Vinaconex do Viettel đang nắm giữ.

Để lọt vào danh sách này, nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính đủ khả năng mua toàn bộ số lượng cổ phần của Viettel - tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, Viettel công bố thoái toàn bộ hơn 94 triệu cổ phiếu VCG, tương đương 21,28% tổng số cổ phần đang nắm giữ tại Vinaconex. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra ngày 22/11 tới đây.

Với mức giá khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phần, dự kiến nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra ít nhất là hơn 2.000 tỷ đồng để ôm trọn lô cổ phiếu nói trên.

Năm 2017, tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) từng chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, tương đương 22% vốn của tổng công ty này nhưng kết quả không được như mong muốn.

Trong 2 nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia thương vụ nghìn tỷ này, công ty Thăng Long được chú ý bởi đây là công ty do ông Trịnh Cần Chính (con trai nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam được thành lập vào 26/1/2010, có trụ sở tại số 135 đường Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Nhà đầu tư còn lại tham gia mua cổ phần Vinaconex từ Viettel - công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ là một nhà đầu tư khá kín tiếng. Công ty này có trụ sở tại 64 đường 85, khu phố 1, phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM, do ông Vũ Xuân Cường làm người đại diện theo pháp luật.

Ông Vũ Xuân Cường cũng là người đại diện của 2 công ty khác là Công ty TNHH Bất động sản Cường Thanh và Công ty TNHH Bất động sản Lâm Vũ. Cả 3 công ty Cường Vũ, Cường Thanh và Lâm Vũ đều có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, được thành lập chỉ cách nhau 1 ngày và có chung ngành, nghề đăng ký kinh doanh chính là “Xây dựng nhà các loại”.

Nhà đầu tư bí ẩn

Quay trở lại doanh nghiệp của ông Trịnh Cần Chính - tâm điểm đáng chú ý trong thương vụ thoái vốn lần này của Viettel tại Vinaconex, khi mới thành lập, công ty Thăng Long có vốn điều lệ 120 tỷ đồng và vốn pháp định 6 tỷ đồng. Năm 2015, công ty này tăng vốn điều lệ lên 380 tỷ đồng.

Cuối năm 2015, công ty Thăng Long cấp tập thâu tóm hai dự án bất động sản từ công ty Cổ phần CTCP bất động sản Megasta (MegastaLand) là dự án Hesco Văn Quán (Hà Đông) và dự án Vĩnh Hưng Dominium 409 Lĩnh Nam. Tổng vốn đầu tư cho 2 dự án trên là khoảng trên 3.000 tỷ đồng.

Ông Trịnh Cần Chính (sinh năm 1949) là một luật sư, là con trai thứ 6 trong 7 anh em của gia đình nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô - người từng hiến 5.000 lượng vàng cho Cách mạng vào năm 1945.

Vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ.

Ông Chính hiện đang ở số nhà 34 Hoàng Diệu (Hà Nội) - là biệt thự nơi gia đình ông Trịnh Văn Bô sinh sống nhiều năm nay. Cái tên Trịnh Cần Chính được Bác Hồ đặt tên theo khẩu hiệu “cần, kiệm, liêm, chính” sau khi biết tin bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Trịnh Văn Bô) vừa sinh con trai ngày 5/5/1949 tại chiến khu Việt Bắc.

Đáng chú ý, ông Chính là người con duy nhất của nhà tư sản Trịnh Văn Bô theo nghiệp kinh doanh.

Trước đó, năm 1967, ông được cử sang Liên Xô học ngành hải dương học. Năm 1973, ông về nước và đầu năm 1974 được phân về Ủy ban Pháp chế (nay là bộ Tư pháp) làm việc.

Đến năm 1979, do những mâu thuẫn nội bộ trong cơ quan, ông bị “quy kết” oan tội trốn nghĩa vụ quân sự, bị đuổi việc và phải ra ngoài buôn bán kiếm sống.

Đến năm 1983, ông được phục hồi công việc và cử đi học chuyên tu tại trường đại học Pháp lý (nay là đại học Luật). Sau đó, ông trở về làm việc tại bộ Tư pháp và đến năm 1986 thì quay lại trường đại học Luật làm công tác thông tin thư viện cho đến khi về hưu vào năm 2009.

Ông Chính tham gia điều hành công ty Thăng Long từ năm 2014, trên cương vị Tổng giám đốc.

Theo thông tin mà báo Người Đưa Tin có được, ngoài cương vị Tổng Giám đốc của công ty Thăng Long, doanh nhân Trịnh Cần Chính hiện còn là người điều hành hai công ty khác là công ty CP Đầu tư Trịnh Phúc Lợi (thành lập ngày 06/11/2017, địa chỉ ở số 34, đường Hoàng Diệu, phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội) và văn phòng giao dịch – công ty CP Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam (thành lập ngày 25/09/2014, cùng địa chỉ tại số 34 đường Hoàng Diệu)

Các công ty do con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô điều hành và đại diện pháp lý đều kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng.

Ông Trịnh Cần Chính (trái) và mẹ là bà Hoàng Thị Minh Hồ.

Trong một diễn biến liên quan, hồi cuối năm 2017, sau khi vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô là bà Hoàng Thị Minh Hồ qua đời tại nhà riêng, gia đình vị thương gia này từng đề xuất nhượng lại căn biệt thự 3.000m2 tại địa chỉ 34 Hoàng Diệu cho Nhà nước để chia cho các anh em và dành một phần làm từ thiện. UBND TP.Hà Nội đã tiếp nhận đề xuất này.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/du-chi-2000-ty-mua-co-phan-cua-vinaconex-con-trai-nha-tu-san-trinh-van-bo-co-gi-trong-tay-a410737.html