Dư địa nào cho trái cây Việt tăng trưởng, phát triển?

Nhắc đến nông sản Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay tới lúa gạo, thủy sản mà ít người để ý tới sản phẩm rau củ và trái cây. Trong khi đó, trái cây lại là mặt hàng tăng trưởng mạnh trong vòng một thập kỷ qua.

Đặc biệt, trái cây Việt từ lâu đã lọt vào “bảng xếp hạng” những mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô” của ngành nông nghiệp. Liệu trái cây Việt có còn dư địa để tăng trưởng và giải pháp nào để thực hiện điều này?

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái

Hiện nay, diện tích trồng cây ăn trái của cả nước khoảng 910.000ha, với sản lượng cho trái đạt khoảng 9,5 triệu tấn/năm. Với đặc điểm địa lý trải dài hơn 1.600km từ Bắc tới Nam, khí hậu Việt Nam đa dạng, tạo điều kiện phát triển những trái cây đặc sản vùng miền. Trái cây Việt Nam trở thành những sản phẩm độc đáo, món quà dinh dưỡng thiên nhiên dành cho sức khỏe con người.

Hơn 10 năm qua, xuất khẩu trái cây và rau củ nói chung của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, vươn lên trở thành một trong số mặt hàng mang lại nhiều nguồn ngoại tệ cho quốc gia. Hiện mặt hàng trái cây và rau củ tươi (chủ yếu là trái cây) của nước ta đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, New Zealand, Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc... Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trái cây và rau củ đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Một gian hàng trái cây của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.

Trước đây, nhắc đến Sơn La là người ta nghĩ ngay tới thủ phủ của ngô thì vài năm trở lại đây, Sơn La trở thành một trong những “vựa” trái cây lớn của cả nước. Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông chia sẻ, toàn tỉnh có 82.800ha cây ăn quả các loại như: Xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn... với tổng sản lượng hơn 450.000 tấn/năm; đã có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; 241 mã số vùng trồng với diện tích hơn 3.860ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; hơn 5.000ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; có 83 sản phẩm OCOP (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm").

Các sản phẩm nông sản của tỉnh đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước như: Winmart, Hapro Mart...; tiêu thụ trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử; có 17 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường 21 nước, gồm: Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE...

Phát biểu tại Lễ khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 mới đây được tổ chức tại tỉnh Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông-lâm-thủy sản hàng đầu thế giới với trị giá hơn 48 tỷ USD năm 2021, trong đó, mặt hàng trái cây và rau củ đóng góp gần 3,6 tỷ USD. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả của việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó Sơn La là một điểm sáng về phát triển cây ăn trái.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến trái cây

"Để nông sản, trái cây, sản phẩm OCOP phát triển bền vững, chúng ta cần tập trung giải quyết 5 vấn đề căn bản là: Xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công-tư; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ trong phát biểu tại Lễ khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.

Ông Tráng A Cao, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp A Cao (bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa về cơ chế, chính sách để giúp Sơn La thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư tại tỉnh thời gian tới; sớm có thêm nhiều nhà máy chế biến trái cây ở Sơn La để giúp nông dân giảm sự phụ thuộc bán tươi cũng như áp lực mùa vụ khi thu hoạch rộ".

Các sản phẩm nông sản, trong đó có trái cây của Việt Nam chỉ thực sự phát huy hiệu quả kinh tế khi được gắn kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chế biến. Cùng với đó, cần đẩy mạnh áp dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, canh tác cây ăn trái, góp phần giải bài toán mùa vụ mỗi khi thu hoạch rộ. Ví như việc sản xuất nhãn sớm (khoảng tháng 4, tháng 5) của nông dân Sơn La, hay nhãn muộn (tháng 9, tháng 10) của nông dân Hà Nội...

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nếu việc sản xuất, chế biến trái cây được thực hiện bài bản, khoa học, đồng bộ, cùng với mở rộng phát triển thị trường, trong tương lai gần, mặt hàng trái cây Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 7-8 tỷ USD, thậm chí 10 tỷ USD/năm. Khi đó, trái cây Việt Nam sẽ dần đóng “vai chính” trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi tư duy, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/du-dia-nao-cho-trai-cay-viet-tang-truong-phat-trien-697274