Dư địa phát triển điện gió tại Việt Nam còn rất lớn

Tính đến cuối năm 2018, tổng công suất lắp đặt điện gió tại Việt Nam mới đạt khoảng 228 MW, và đây là con số còn rất khiêm tốn so với các thị trường phát triển khác trên thế giới.

Báo cáo thị trường mới của Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC) cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng nhất trong khu vực về cả gió trên bờ và trên biển.

“Với công suất dự kiến 1GW sẽ được lắp đặt vào năm 2021, đường bờ biển dài 3.000 km giúp Việt Nam có được nguồn tài nguyên tốt nhất cho cả gió trên bờ cũng như trên biển, và đây là quốc gia duy nhất trong khu vực đã phát triển điện gió trên biển với 99 MW đã được lắp đặt”, GWEC nhận định.

Theo nhận định của các chuyên gia, tiềm năng về gió ở Việt Nam là rất lớn, thường thì tốc độ gió quanh mức 6,5-7,5 m/s và chiều cao tuabin 120m là có thể hoạt động. Cơ chế giá FIT đối với điện gió hiện nay là khá hấp dẫn, với 8,5 cent/kWh trên bờ và 9,8 cent/kWh cho dự án ngoài khơi. Cùng với các chính sách ưu đãi khác như miễn thuế nhập khẩu thiết bị, thuế thu nhập doanh nghiệp... đây sẽ là dư địa cũng như lợi thế lớn để Việt Nam thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện gió (Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam). Chính phủ cũng đặt ra nhiều tham vọng nâng công suất điện gió đến năm 2020 là 800 MW, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030.

Như vậy, vấn đề đặt ra là các nhà đầu tư làm sao phải thúc đẩy các dự án để sớm đưa vào hoạt động trước thời hạn 1/11/2021 theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Chính phủ để được hưởng giá FIT tốt nhất.

Bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á của GWEC nhận định: Sự thay đổi trong chính sách địa phương đang tạo ra động lực đổi mới và mở ra những cơ hội đáng kể cho sự phát triển của thị trường điện gió tại Việt Nam. Với việc thiết lập biểu giá “feed-in tariffs” tạo thuận lợi và mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng cho đến năm 2030, rõ ràng Chính phủ đã sẵn sàng chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.

“Với tiềm năng về điện gió rất lớn, Việt Nam sẽ là điểm đầu tư hấp dẫn, nếu có được các khung pháp lý ổn định và lâu dài hơn”, bà Liming Qiao nhấn mạnh.

Ông Ashish Sethia – Giám đốc phân tích và cố vấn khu vực châu Á Thái Bình Dương Tập đoàn tài chính năng lượng mới Bloomberg cho biết, điện năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng đã có bước phát triển vượt bậc về công nghệ và đang trong thời kỳ tăng trưởng mạnh. Đến năm 2050 thì tỉ trọng nhiệt điện than giảm mạnh từ 30% năm 2017 xuống còn 5% vào năm 2050. Trong khi tỉ trọng điện gió tăng từ 9% lên 17%. Do đó chi phí phát triển điện gió, điện mặt trời ngày càng giảm, có thể cạnh tranh được với các nguồn năng lượng sơ cấp khác như khí, than,...

Như vậy, tính đến cuối năm 2018, tổng công suất lắp đặt điện gió tại Việt Nam mới đạt khoảng 228 MW, và đây chỉ là con số còn rất khiêm tốn so với các thị trường phát triển khác trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu công suất điện gó 800MW vào năm 2020, 2.000MW năm 2025 và mức 6.000MW năm 2030.

Tính đến ngày 31/5/2019 Việt Nam có 57 nhà máy điện mặt trời và điện gió đi vào vận hành. Trong đó, tổng công suất lắp đặt 7 nhà máy điện gió là 331 MW và sản lượng đã phát trong tháng 5 của các nhà máy điện gió là 14,5 triệu kWh.

Có thể thấy, điện gió đang là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng vốn đầu tư toàn cầu cho điện gió đạt mức 107 tỷ USD với hơn 1,15 triệu lao động trên toàn thế giới.

Ngày càng nhiều thị trường lựa chọn điện gió làm nguồn cung năng lượng, bởi đây là lựa chọn sản xuất điện chi phí hiệu quả nhất. Tới năm 2025, điện gió có thể trở thành động lực phát triển chính hướng tới tương lai năng lượng bền vững và sẽ là tình hình chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Dương Thành

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/du-dia-cho-phat-trien-dien-gio-con-rat-lon-151990.html