Du học sinh: Xin đừng đổ lỗi cho Tết cổ truyền

“Có lãng phí hay không là do cách mà chúng ta nghỉ Tết chứ không phải do Tết. Vì thế, xin mọi người đừng đổ lỗi cho Tết cổ truyền”, một du học sinh cho hay.

Bạn Vũ Nguyễn Trâm Anh

Hiện nay vấn đề có hay không nên gộp Tết cổ truyền với Tết Tây để hội nhập, tránh tốn kém, lãng phí đang tạo ra những tranh cãi trái chiều và mỗi người đều có những cái lý riêng của mình.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng một số du học sinh của Việt Nam hiện đang ở nước ngoài.

Chia sẻ về việc nên giữ hay gộp Tết cổ truyền với Tết dương lịch, bạn Vũ Nguyễn Trâm Anh (SN 1991) đang học chương trình thạc sĩ ngành khách sạn và du lịch tại trường ĐH Bournemouth - vương quốc Anh cho hay: “Theo quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta cần giữ lại Tết cổ truyền. Đó là lý do vì sao mà dù đi học ở Anh nhưng năm nào tôi cũng cố gắng bay về Việt Nam ăn Tết cổ truyền.

Chẳng phải vô cớ mà người ta nói “Tết đoàn viên”. Ngày Tết chính là cơ hội để con cháu ở xa được trở về ăn với ông bà, bố mẹ bữa cơm cuối năm và ở bên nhau đón thời khắc của năm mới. Với tôi, đó là phút giây thực sự hạnh phúc và tôi luôn trân trọng những ngày tháng như thế".

Bạn Vũ Nguyễn Trâm Anh cũng cho biết thêm: "Ngày Tết thực sự rất quan trọng với những người già như ông bà chúng ta. Mỗi khi tôi gọi điện về Việt Nam và nói chuyện với bà nội, lúc nào bà cũng bảo chỉ mong Tết đến để mọi người được gặp nhau, kể cho nhau nghe những trải nghiệm ở vùng đất xa xôi.

Nhiều người đưa ra lý do gộp Tết cổ truyền cùng với Tết dương lịch để hội nhập, để tránh tốn kém là nhận thức sai lầm. Chúng ta hòa nhập chứ không hòa tan, chúng ta phải có những bản sắc riêng để khẳng định chúng ta chứ? Tôi nghĩ Tết cổ truyền là phong tục tốt đẹp, chúng ta cần lưu giữ và bảo vệ nó.

Tôi thực sự rất thích không khí Tết cổ truyền ở Việt Nam, mọi người cùng nhau dọn dẹp và trang trí nhà cửa, cùng nhau nấu nướng và quây quần bên mâm cơm. Tôi còn nhớ Tết năm 2014, tôi ăn Tết ở nước Anh. Đó có lẽ là cái Tết buồn và cô đơn nhất.

Lúc gọi điện về chúc Tết mọi người mà nước mắt rơi lã chã vì nhớ không khí Tết ở Việt Nam. Rồi tôi và một số bạn du học sinh của Việt Nam tại Anh lên thủ đô Luân Đôn mua lá dong, gạo nếp và một số nguyên liệu khác về gói bánh chưng.

Tết ở nước ngoài diễn ra buồn tẻ hơn Tết ở Việt Nam rất nhiều. Tết ở nước ngoài mọi người gặp nhau và nấu nướng, ăn uống vào đêm 30. Sau đó nghỉ 1-2 ngày và quay trở lại đi làm bình thường chứ không nghỉ dài như ở Việt Nam. Vì thế mà cảm nhận Tết nước ngoài cũng nhạt nhòa hơn hẳn”.

Bạn Lâm Minh Thảo (ảnh: John Hoàng)

Có cùng quan điểm, bạn Lâm Minh Thảo – học thạc sĩ chuyên ngành độc học và sức khỏe môi trường, Đại học Utrecht (Hà Lan) cho hay: “Thảo không ủng hộ quan điểm bỏ Tết cổ truyền. Mặc dù đúng là xã hội có hiện đại hóa, ý nghĩa ngày Tết chuyển từ vật chất sang tinh thần nhiều hơn, nhưng không nghĩa là Tết đã lỗi thời.

Về mặt vật chất, Tết Nguyên đán đã và đang tiến hóa - nguời Việt không còn ăn Tết đến hết tháng Giêng như xưa, nên lãng phí không phải là vấn đề lớn.

Nhiều công ty quốc tế làm việc ở châu Á vẫn nhập gia tùy tục, vậy nên nếu nhân viên người Việt làm việc năng suất cao, thì suy ra 5 ngày nghỉ Tết chắc chắn không phải là đòi hỏi quá nhiều.

Về mặt tinh thần, người Việt hiện đại càng di chuyển nhiều, đi học xa hơn, đi làm ở thành phố khác nhiều hơn. Việc sum họp ngày Tết vì vậy mà càng ý nghĩa hơn, chứ không hề phai màu như nhiều người đã chỉ ra”.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-tet-co-truyen-duoi-goc-nhin-cua-du-hoc-sinh-xin-dung-do-loi-cho-tet-post219477.info