Du khách tò mò cách giữ ngô độc đáo không mối mọt của người Mông

Xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) được biết đến là vùng đất thanh bình yên ả, khí hậu trong lành mát mẻ, với những cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng. Nơi đây còn có nhiều phong tục, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Một trong những điểm nhấn khi đến vùng đất này đó là chiêm ngưỡng tục treo ngô (bắp) trên gác nhà của đồng bào dân tộc Mông. Cách làm độc lạ này đã và đang gợi sự tò mò khám phá của nhiều du khách.

Ở xã Ngọc Chiến có hai bản Mông là bản Phiêng Ái và Lọng Cang, khác hẳn với những bản Mông khác thường nằm cheo leo bên những sườn núi cao. Ngược lại hai bản nằm dưới thung lũng thấp. Nét độc đáo của người Mông nơi đây là đều cách giữ hạt trên cao, treo bắp trên gác nhà.

Sau thu hoạch, ngô được treo kín trên gác nhà của của người Mông bản Phiêng Ái và Lọng Cang (Ngọc Chiến)

Tháng 10 đến tháng 11 hàng năm, khi những nương ngô ngả màu vàng, bà con người Mông lại hối hả lên nương thu hoạch ngô. Thu hoạch ngô đến đâu, gùi về nhà đến đó. Vào ngày mùa, trong nhà người dân nơi đây đều treo đầy bắp xung quanh nhà. Ngô được buộc thành từng túm nhỏ treo kín bên hiên nhà và cả trong gian nhà bếp.

Ngô được buộc thành từng túm, rồi treo lên thanh gỗ hoặc thanh tre bên hiên nhà để bảo quản

Ông Giàng A Lử, 60 tuổi, bản Lọng Cang, cho biết: Với người Mông, tục treo hạt của người Mông nơi đây có từ khi lập bản đến đến nay. Treo hạt không chỉ để phơi khô hạt mà còn là cách mà người Mông cất giữ lương thực sau mỗi mùa thu hoạch ở nơi khô thoáng, tránh ẩm mốc, mối mọt khi thời tiết không thuận lợi. Một phần do đặc thù cuộc sống của người Mông ở nơi địa hình dốc, chật hẹp, không có nơi phơi phóng, bảo quản nên treo bắp lên gác nhà để tránh chuột và côn trùng phá hoại.

Do điều kiện canh tác trên núi cao, độ dốc lớn nên khi thu hoach người Mông chủ yếu gùi ngô về nhà

Bà con bắt đầu gieo hạt vào cuối tháng 4 – đầu tháng 5, do điều kiện canh tác khó khăn, đất dốc, bà con chủ yếu canh tác theo lối truyền thống, hầu như không sử dụng phân, thuốc trong chăm sóc, nên năng suất không cao. Ở nơi núi cao, đất dốc nên hầu như không có phương tiện máy móc nào có thể sử dụng được, mà hoàn toàn bằng thủ công. Chính do điều kiện cuộc sống như vậy, đã làm cho những chàng trai, cô gái Mông có sức khỏe dẻo dai, có thể gùi trên lưng 30 kg – 40 kg bắp, cuốc bộ hàng cây số mà mà vẫn băng băng vượt dốc.

Ngô sau khi được phân loại sẽ được sử dùng làm lương thực và phục vụ chăn nuôi...

Theo ông Lử, vào mùa thu hoạch bắp bà con không thu ngay mà để bắp chết khô trên nương rồi mới thu mang về nhà. Để có thể buộc túm ngô lại với nhau, khi thu bắp bà con thường để lại cuống rạ, dây vỏ dài để có thể bó túm, treo lên gác nhà cả năm mà không bị đứt.

Ngô treo như này có thể để quanh năm không bị hỏng

Ngô được bảo quản sử dụng quanh năm, những bắp ngô tốt, hạt to, sáng mịn không bị mối mọt, sâu đục thì được dùng làm mèn mén, món ăn yêu thích của người Mông. Loại ngô nào bị hỏng được lọc ra để nuôi gà, vịt, lợn… Cứ thế, người mông duy trì tục treo bắp trên gác nhà nhiều đời nay.

Do điều kiện sống nên những chàng trai, cô gái mông có sức khỏe dẻo dai, có thể gùi ngô cuốc bộ hàng cây số

Những túp ngô to treo bên hiên nhà của người Mông

Hình ảnh đặc trưng sau thu hoạch ngô của đồng bào Mông nơi đây

Ngọc Mai

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/du-khach-to-mo-cach-giu-ngo-doc-dao-khong-moi-mot-cua-nguoi-mong-927943.html