'Du kích trận địa chiến' - cách đánh sáng tạo trong những ngày đầu kháng chiến ở Hà Nội

Trong 60 ngày đêm chiến đấu, quân Pháp mở 30 trận, còn lực lượng vũ trang ta đã tiến công, chặn đánh địch cả thảy trên 100 trận. Chúng ta đồng thời phát huy mọi sáng kiến của từng người, phù hợp với sở trường, sở đoản của họ, nhằm mục đích tiêu diệt địch, bảo tồn mình. Cách đánh của ta ở Hà Nội ngày đó còn được gọi là 'du kích trận địa chiến'.

Điều sáng suốt của Bộ Tổng Chỉ huy là đã kịp thời chuyển sang một loại hình chiến thuật mới để đi vào trận đánh trường kỳ, chỉ chấp nhận đánh trong thành phố trong một thời gian nhất định. Cuộc “rút lui thần kỳ” sau 60 ngày đêm chiến đấu ở Thủ đô là một chủ trương chiến lược hoàn toàn đúng đắn để ta có đủ sức đánh địch lâu dài.

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Về từ ngữ, thuật ngữ này có vẻ như không ổn, vì nó kết hợp hai chiến thuật rất khác nhau. Du kích thường được hiểu là “đi để đánh”, đặc điểm của nó là “đi”. Trận địa chiến là đánh dựa vào chiến hào, công sự, đặc điểm của nó là sử dụng trận địa “cố định”. Nhưng trong thực tế, ta đã kết hợp cả hai chiến thuật này và tạo cho nó một dạng mới trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Có thể nói “du kích trận địa chiến” là một sáng tạo đầu tiên về nghệ thuật chiến tranh toàn dân của ta tại thành phố”.

TỪ NHỮNG VŨ KHÍ THÔ SƠ LÀM NÊN LỊCH SỬ

Tự vệ Hà Nội sử dụng đại liên Hotchkiss M1914 thu được của Pháp. Ảnh: TƯ LIỆU

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời trong bối cảnh đất nước còn nghèo, hầu như không có kinh phí mua sắm trang bị cho lực lượng vũ trang. Pháp nắm quyền kiểm soát toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc và các cảng biển lớn, cô lập Việt Minh với bên ngoài. Không những thế, việc kiểm soát cảng biển cho phép quân Pháp có thể tăng viện thường xuyên.

Năm 1946, toàn bộ lực lượng Việt Minh tại Hà Nội chỉ có khoảng 2.500 chiến sĩ, 8.000 dân quân nhưng thiếu vũ khí trầm trọng. Trước ngày chiến sự nổ ra, số quân này chỉ có trong tay 1.516 súng trường, 3 trung liên, 1 đại liên. Vũ khí chống tăng chỉ có 1 súng bazooka và 80 bom 3 càng cho các chiến sĩ cảm tử. Pháo binh bao gồm 1 sơn pháo 75 mm, 2 súng cối và 7 pháo phòng không cũ từ các pháo đài quanh thành phố, được hoán cải để pháo kích mục tiêu mặt đất. Còn lại đều là vũ khí thô sơ, tự chế từ những vật dụng hằng ngày.

Việt Minh hầu như không có nguồn cung súng, đạn nào ngoại trừ tịch thu từ chính những đội quân nước ngoài đang trú đóng trên lãnh thổ nước ta. Thậm chí những vật tư còn dùng được sau khi trục vớt trong các tàu hàng Nhật bị đắm ở vịnh Bắc Bộ cũng được Việt Minh tận dụng. Quân ta được trang bị lẫn lộn súng từ Âu sang Á như Lebel, Berthier của Pháp, Mauser của Đức...

Mỗi tiểu đội Việt Minh chỉ có 3 - 4 súng trường, nhiều súng đã cũ, gỉ sét. Vũ khí hỏng được tháo dỡ, lấy những chi tiết lành lặn sửa chữa vũ khí cùng loại. Nhưng vấn đề nan giải nhất là súng đã ít mà đạn cũng vô cùng thiếu thốn. Do có quá nhiều chủng loại, việc cung ứng đạn cho súng lại càng khó khăn. Trước cuộc chiến, hầu hết đạn được sản xuất bằng cách nhồi thuốc súng và đầu đạn vào vỏ đạn cũ. Hầu hết đạn, lựu đạn tự chế chất lượng không tốt. Máy móc trong các xưởng đường sắt của Pháp được dùng để sửa chữa súng hoặc sản xuất vũ khí ném tay thô sơ, hình thành những công binh xưởng đầu tiên của Hà Nội. Trung bình 2 chiến sĩ mới có 1 quả lựu đạn.

LẤY VŨ KHÍ ĐỊCH ĐỂ ĐÁNH ĐỊCH

Sau khi hiệu lệnh từ pháo đài Láng vang lên vào tối 19-12, báo hiệu cuộc tổng công kích, thực dân Pháp đóng trong thành phố đã có những phút đầu chao đảo. Nhưng nhờ ưu thế cả về quân số lẫn trang bị, quân Pháp nhanh chóng phản công. Các tướng lĩnh Pháp đều là những nhà cầm quân kỳ cựu, tin rằng dù có bị tấn công trước, quân viễn chinh Pháp sẽ nhanh chóng làm chủ tình hình và đè bẹp Việt Minh sau 24 giờ.

Cuộc tập kích tiêu diệt ổ chiến đấu của quân Pháp tại Nhà dầu Shell ngày 25-12-1946 là một trận thắng đáng kể. Đây là một trận tập kích có hiệu suất chiến đấu cao trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến ở Hà Nội. Đây cũng là trận đánh đầu tiên tập trung cấp đại đội do Tiểu đoàn trưởng An Giao và Đại đội trưởng Ngô Truyền trực tiếp chỉ huy, có trợ chiến của Bộ Chỉ huy Mặt trận tăng cường, có phối hợp với Tự vệ chiến đấu hiệp đồng chặt chẽ, phát huy được sức mạnh của cả bộ đội và tự vệ, của cả xung lực và hỏa lực.

Bộ binh cơ giới Pháp cùng xe tăng, thiết giáp gầm rú trên các con phố, chia làm 4 cánh xuất phát từ thành Hà Nội, tấn công hòng chiếm lại các vị trí quan trọng. Nhưng đà tiến công của quân Pháp bị vô số chướng ngại vật và các ổ đề kháng của quân và dân Việt Nam khắp thành phố.

Xe thiết giáp xoay xở khó khăn trong các con phố chật hẹp, đầy vật cản do người dân tạo nên bằng đồ đạc trong nhà. Vệ Quốc đoàn và Tự vệ với súng trường, lựu đạn, dao kiếm, giáo mác, bom ba càng, dựa vào chiến lũy, chướng ngại vật, công sự, hầm hố, lợi dụng nhà gác, mái nhà đã đánh chặn, giành giật với địch từng quãng đường, từng ngôi nhà.

Cố sức lùng sục Việt Minh trong từng khu nhà, bộ binh Pháp đối mặt với những mạng lưới lỗ giao thông từ phòng này sang phòng khác. Súng ống cồng kềnh và thể hình to lớn của lính Pháp lúc này lại là bất lợi khi bị giáng những đòn giáp lá cà bằng vũ khí cận chiến. Quân Pháp phải mất nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày chỉ để chiếm được một tòa nhà, dãy phố. Áp dụng triệt để chỉ thị “lấy vũ khí địch đánh địch”, bộ đội, dân quân Việt Minh có thêm “nguồn cung” vũ khí đáng kể từ đối thủ.

Thực tế khác xa so với 24 giờ mà người Pháp tự tin dự đoán, trận chiến tại Hà Nội đã kéo dài thành 60 ngày đêm chúng sa lầy trong thành phố. Không những thế, mục tiêu ban đầu tướng lĩnh Pháp đặt ra đã thất bại hoàn toàn khi đầu não cách mạng cùng bộ đội chủ lực Thủ đô rút lui an toàn về căn cứ địa Việt Bắc. Chính kết cục này khiến Pháp vướng vào một cuộc chiến dai dẳng, thất bại trong nỗ lực tiến công lên Tây Bắc những năm tiếp theo và cuối cùng đã nhận thất bại tại Điện Biên Phủ năm 1954.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202012/du-kich-tran-dia-chien-cach-danh-sang-tao-trong-nhung-ngay-dau-khang-chien-o-ha-noi-915914/