Dự kiến có 20 khinh khí cầu bay trong Chương trình sự kiện 'Cà Mau - Điểm đến 2023'

UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Chương trình sự kiện 'Cà Mau - Điểm đến 2023'. Nhằm tiếp tục quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người và vùng đất Cà Mau, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, có hoạt động được xem là 'mới – độc – lạ' của tỉnh từ trước đến nay đó là có sự xuất hiện của 20 khinh khí cầu.

Xây dựng hình ảnh Cà Mau đa dạng về tiềm năng du lịch

Lễ tổ chức giỗ Đức Quốc Tổ theo nghi lễ truyền thống cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ kết hợp tổ chức Ngày hội ẩm thực Đất Mũi.

Lễ tổ chức giỗ Đức Quốc Tổ theo nghi lễ truyền thống cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ kết hợp tổ chức Ngày hội ẩm thực Đất Mũi.

Ông Nguyễn Minh Luân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Thông qua Chương trình sự kiện, Cà Mau sẽ xây dựng hình ảnh địa phương phong phú, đa dạng về tiềm năng, giúp tỉnh khai thác tốt cơ hội, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội gắn phát triển du lịch và phát triển thương mại dịch vụ, kích cầu tiêu dùng hàng hóa nội địa, đặc biệt là hàng hóa đặc sản, sản phẩm OCOP. Đồng thời, tiếp tục quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh Cà Mau thông qua các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại đến với du khách trong và ngoài nước...”.

“Các Sở, ngành, địa phương tập trung công tác chuẩn bị điều kiện, phối hợp với đơn vị liên quan, đảm bảo công tác tổ chức an toàn, chuyên nghiệp, tiết kiệm, hiệu quả” - ông Nguyễn Minh Luân yêu cầu.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã tiến hành xác lập kỷ lục “Tổ ong lớn nhất Việt Nam” và xác lập kỷ lục “Lẩu mắm lớn nhất Việt Nam” tại Sự kiện “Hương rừng U Minh năm 2022”.

Đại diện Công ty, đơn vị nhận Giấy chứng nhận xác lập kỷ lục “Tổ ong lớn nhất Việt Nam” và “Lẩu mắm lớn nhất Việt Nam” từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings).

Theo ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, thông qua các chương trình, sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023”, tỉnh Cà Mau mong muốn quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh địa phương với du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết hợp tác phát triển du lịch; thu hút đầu tư như: Sân bay, Cảng biển, Khu kinh tế, Khu nghỉ dưỡng, giao thông.... gắn kết Cà Mau với cả nước, không còn “Cà Mau xa lắm”.

Đồng thời, Chương trình, sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023”, là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn; khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch, di sản văn hóa, ẩm thực... Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch trong và ngoài nước đến Cà Mau nhiều hơn, đặc biệt với đường bay Cà Mau – Hà Nội; đường biển Cà Mau – Nam Du –Phú Quốc”.

Ngày hội Bánh dân gian Nam bộ lần 3, trưng bày gian hàng ẩm thực, hướng dẫn chế biến các loại bánh dân gian.

Dự kiến, tại sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023” biểu diễn khinh khí cầu tại bãi biển Khai Long (Khu du lịch Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển).

Được biết, từ sau khi Chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2021”, ngành du lịch tỉnh Cà Mau đã có bước chuyển biến lớn trong việc tạo ra thương hiệu, hình ảnh riêng mang đặc trưng của vùng đất, con người Cà Mau. Đặc biệt nâng cao ý thức của các cấp, các ngành và người dân địa phương trong tổ chức kinh doanh du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch tại địa phương.

Riêng Chương trình sự kiện “Cà Mau – Điểm đến 2022” được đánh giá là hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả có tính chất ổn định, phát triển lâu dài, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu tham gia của khách du lịch và các công ty lữ hành xây dựng tour kết nối hàng năm vào dịp tổ chức các sự kiện. Chương trình đã thu hút hơn 159.000 lượt khách du lịch, doanh thu hơn 108 tỷ đồng.

Nhiều chuỗi hoạt động hấp dẫn trong sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023”

Tiếp nối thành công sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2021” và “Cà Mau – Điểm đến 2022”, từ những kết quả sự kiện trên đạt được, tỉnh Cà Mau đã xây dựng Chương trình, sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023” với nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút khách du lịch như: Lễ tổ chức giỗ Đức Quốc Tổ theo nghi lễ truyền thống cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ kết hợp tổ chức Ngày hội ẩm thực Đất Mũi với các hoạt động như: Hội thi ẩm thực; các hoạt động thể thao (kéo co trên xuồng ba lá; chạy đua trên bãi bồi, thi bắt lịch trên bãi bùn và các trò chơi dân gian); trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (dỡ chà bắt cá, soi ba khía, sổ vuông, tham quan mô hình nuôi hàu...), diễn ra từ ngày 22/4 – 25/4, tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương theo nghi lễ truyền thống và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian tại khu vực Đền thờ Vua Hùng, diễn ra từ ngày 28/4 - 29/4, tại Đền thờ Vua Hùng, huyện Thới Bình.

Dự kiến ngày hội khinh khí cầu Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023) và Ngày Quốc tế Lao động 01/5/2023. Ngày chuỗi các hoạt động gồm: Biểu diễn khinh khí cầu (với khoảng 20 khinh khí cầu), thưởng thức không gian âm nhạc, ẩm thực tại bãi biển Khai Long (dự kiến tháng 5/2023, tại Khu du lịch Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển).

Ngày hội Bánh dân gian Nam bộ lần 3, sẽ được tổ chức khai mạc, thi làm bánh dân gian dâng lên Đức Quốc Tổ; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra hàng đêm; trưng bày gian hàng ẩm thực, hướng dẫn chế biến các loại bánh dân gian; trưng bày các sản phẩm OCOP; trưng bày hình ảnh du lịch Cà Mau; tổ chức môn thể thao, trò chơi dân gian gắn với chuỗi hoạt động của Ngày hội... diễn ra từ ngày 28/4 – 3/5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, TP Cà Mau.

Đồng thời, Sự kiện Hương rừng U Minh tổ chức Hội chợ thương mại kết hợp trưng bày sản phẩm mật ong và các loại thủy sản nước ngọt; Liên hoan tiếng hát thanh niên “Hương rừng U Minh”; tổ chức Giải việt dã “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân”; Giải đua xe đạp xuyên rừng U Minh Hạ; Giải đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu, diễn ra từ ngày 29/4 – 1/5, tại Vườn Quốc gia U Minh hạ, huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh.

Bên cạnh đó, lễ hội Festival Tôm - Cà Mau 2023 với chủ đề “Cà Mau chung tay nâng tầm Tôm Việt”, gồm các hoạt động như: tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tổ chức các không gian triển lãm, kết nối các sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau và các tỉnh, thành phố, khu vực trên cả nước cùng với một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, diễn ra 04 ngày (dự kiến vào tháng 6/2023, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, TP Cà Mau.

Song song đó, sự kiện CamaUP’2023: Tổ chức chuỗi sự kiện về hoạt động khởi nghiệp của tỉnh về diễn đàn khởi nghiệp, cuộc thi về ý tưởng, dự án khởi nghiệp cho các doanh nhân trẻ và thanh niên, đồng thời trưng bày và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới... diễn ra từ ngày 26 – 27/10, tại Khách sạn Mường Thanh Cà Mau, TP Cà Mau.

Ngoài ra, Giải Đất Mũi Marathon - Cà Mau 2023, có quy mô khoảng 5.000 người tham gia với mục tiêu quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa con người, sản vật vùng đất Cà Mau với chủ đề “Hương rừng Cà Mau”; thành phần tham gia là vận động viên chuyên nghiệp các tỉnh, thành trong toàn quốc và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, vận động viên phong trào đang học tập, làm việc tại Cà Mau, diễn ra từ ngày 25/11 – 26/11, tại huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời và TP Cà Mau.

Bên cạnh đó, còn có các hoạt động gắn kết sự kiện "Cà Mau - Điểm đến 2023", đó là công tác truyền thông quảng bá, chương trình kích cầu du lịch gắn với kích cầu tiêu dùng; các dịch vụ phục vụ vui chơi giải trí, trải nghiệm, sản phẩm quà tặng lưu niệm; các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình sự kiện "Cà Mau - Điểm đến 2023".

Trọng Nghĩa – Lê Diễm

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/du-kien-co-20-khinh-khi-cau-bay-trong-chuong-trinh-su-kien-ca-mau-diem-den-2023-post469793.html