Dự kiến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam hoàn thành trước 2045

Tại Kết luận số 49-KL/TƯ, Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045, nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Theo đó, vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc – Nam. Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu phân kỳ đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, hoàn thành dự án trước 2045.

Dự kiến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam hoàn thành trước 2045

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh/thành phố từ Hà Nội đến TP.HCM là một trong những dự án rất quan trọng, mang tầm chiến lược của đất nước. Tiến độ thực hiện Dự án, hoàn thiện phương án phân kỳ đầu tư hợp lý, đảm bảo tính khả thi, hoàn thành Dự án trước năm 2045.

Để bảo đảm tiến độ, chất lượng Báo cáo PreFS Dự án, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT bổ sung, làm rõ sự cần thiết đầu tư Dự án với vai trò khắc phục mất cân đối của hệ thống GTVT trên trục Bắc – Nam. Tạo một tuyến đường sắt mới tốc độ cao chạy trên trục Bắc - Nam mang tính xương sống giữ vai trò chủ đạo (chở khách, hàng hóa) kết nối với các đầu mối vận tải, hội nhập quốc tế với các nước ASEAN, Trung Quốc, gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng, tạo đột phá chiến lược, động lực phát triển mới cho kinh tế - xã hội các địa phương mà Dự án đi qua.

Kế hoạch triển khai: Phương án đầu tư đường sắt mới khai thác kết hợp tàu khách và hàng để tăng hiệu quả dự án. Cũng phân kỳ đầu tư, tư vấn thẩm định đề xuất hoàn thành giai đoạn 1 sẽ đầu tư trước đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM trước năm 2035, giai đoạn 2 nối thông đoạn Vinh – Nha Trang hoàn thành trước năm 2041.

Song song với đó đến năm 2030 hoàn thành việc tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có. Phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội-Hải Phòng, Biên Hòa-Vũng Tàu...), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội-Lào Cai; Hà Nội-Lạng Sơn...), cảng hàng không quốc tế (Thủ Thiêm-Long Thành), đường sắt vành đai phía Đông khu đầu mối Hà Nội (Ngọc Hồi-Lạc Đạo-Bắc Hồng-Thạch Lỗi).

Về phương án đầu tư, đề nghị Bộ GTVT hoàn thiện phương án “kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200-250 km/h, tốc độ khai thác khoảng 200 km/h.

Về hướng tuyến, số lượng nhà ga và vị trí nhà ga, theo Hội đồng thẩm định, đây là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cũng như phát huy vai trò của Dự án. Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT phối hợp với tư vấn thẩm tra, tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm việc cụ thể với 12/20 tỉnh, thành phố chưa thống nhất về tuyến và nhà ga để thống nhất, đảm bảo phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Quy mô Dự án là hết sức lớn, thời gian triển khai Dự án dài, qua nhiều thời kỳ; Mức vốn nhà nước tham gia thực hiện Dự án lớn hơn mức quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật PPP.

Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị: Để triển khai Dự án cần phải có cơ chế đặc biệt báo cáo Chính phủ để xem xét trình Quốc hội. Do đó, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu kết quả thẩm tra của Tư vấn thẩm tra và xây dựng cơ chế đặc biệt của Dự án

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/du-kien-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-hoan-thanh-truoc-2045-334358.html